Chủ tịch HAGL đoàn nguyên Đức tự tin khẳng định HAGL đã tươi sáng
Trong không khí ấm cúng đầy tình thân của buổi ra mắt, ông Đức (bầu Đức) đã không ngần ngại nhắc lại câu chuyện “thất bại” của HAGL. Ông chia sẻ: “HAGL từng là một tập đoàn đa ngành, kinh doanh cao su, thủy điện, bất động sản...Là một trong những tập đoàn lớn vào năm 2015 và là công ty bất động sản số 1 lúc bấy giờ”.
Thời điểm đó, có một cổ đông hỏi ông Đức: “Cơ sở nào ông nói HAGL là công ty bất động sản số 1?”. Ông Đức trả lời: “Nếu bạn tìm ra công ty nào đầu tư bất động sản lớn hơn số 1 lúc đó thì tôi sẽ là số 2. Thế nhưng, không có công ty nào đầu tư bất động sản lớn hơn HAGL lúc đó nên HAGL vẫn là số 1”.
Rồi cũng từ vị thế công ty số 1, HAGL đã mạnh dạn vượt biên giới qua Lào và Campuchia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và trồng hơn 80.000 ha cao su tại đây với vốn đầu tư lên đến 2 tỉ USD.
Nhưng không may cho bầu Đức, vào thời điểm HAGL đầu tư thì giá cao su là 5.200USD/tấn và dầu 110 USD/thùng, nhưng khi thu hoạch và khai thác thì cao su chỉ còn hơn 1.000 USD/tấn trong khi giá thành là 1.400 USD/tấn. "Trong tình thế đó, HAGL coi như “chết”, đành giơ tay đầu hàng, tuyên bố mất thanh khoản và đứng trên bờ vực phá sản", ông Đức nói.
Mặc dù tuyên bố phá sản nhưng ông Đức vẫn cho rằng, HAGL và bản thân ông vẫn tự hào vì giai đoạn đó, ít có công ty nào thua lỗ lại dám dũng cảm giơ tay “đầu hàng” như HAGL.
Thời điểm đó, rất nhiều lời đàm tiếu, chỉ trích, cho rằng ông chủ HAGL không biết quản lý, năng lực quản trị kém, kinh doanh cảm tính và không có định hướng…"Nhưng lúc đó mình đang thua thì phải chịu”, ông nói.
Năm 2018, HAGL đang ngấp nghé chuẩn bị rơi xuống vực phá sản thì may mắn, Chính phủ cho phép HAGL tái cấu trúc và ngay lập tức, Công ty chuyển đổi sang làm nông nghiệp. Khi đó, nhiều người nói với bầu Đức: “Coi chừng lại sai vì làm nông nghiệp không dễ” nhưng bầu Đức khẳng định: ‘Biết là rất khó nhưng nếu làm được thì tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp so với đồng vốn bỏ ra sẽ không có ngành nào bằng nông nghiệp, kể cả bất động sản, khoảng trên dưới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm”.
Cửa hàng Bapi Heo ăn chuối của HAGL tại TP.HCM |
Bắt đầu trồng ớt, mít, đến chanh dây, thanh long, chuối...thời điểm này HAGL chỉ có một con đường để đi, đó là lấy cây này nuôi cây kia, vì lúc đó không có ngân hàng nào cho vay. HAGL phải sống trong tình trạng khó khăn, loay hoay suốt mấy năm không vay được tiền đế kinh doanh và đầu tư.
Cũng năm 2018, con số nợ của HAGL đã lên đến 28.000 tỷ đồng, một con số “nợ” mà đi đâu dư luận cũng cho rằng, HAGL không thể trả vì quá lớn. Song, một đối tác và cũng là người đã “cứu nạn” cho HAGL ngay lúc này là ông Trần Bá Dương. Lúc đó, ông Dương đã "nắm tay" cùng bầu Đức làm nông nghiệp. Tại đại hội cô đông HAGL năm 2021, ông Đức đã tuyên bố: “"Chính anh Trần Bá Dương đã cứu HAGL. Nhờ anh Dương ôm khối nợ mà HAGL mới có thể thoát khỏi khó khăn”.
Khi có thêm cổ đông lớn là ông Trần Bá Dương, HAGL lại tái cấu trúc một lần nữa. Lúc đó, định hướng của HAGL là "một cây, một con", đó là cây chuối và con heo theo mô hình tuần hoàn.
Giải thích vì sao chọn con heo và cây chuối?, ông Đức nói: “HAGL có khoảng 7 nghìn ha chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…Mỗi năm , HAGL còn 200 nghìn tấn chuối được sử dụng sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho khoảng 400 nghìn con heo, ở 7 khu trang trại. Năm 2021, Công ty cũng đã phân tích dinh dưỡng của trái chuối và nhận thấy rất phù hợp với việc chăn nuôi heo. Cũng theo nghiên cứu của một số chuyên gia chăn nuôi thì chuối có thành phần rất tốt cho heo.
Nhờ quỹ đất lớn, chọn đúng “cây và con” và theo mô hình tuần hoàn nên HAGL tạo được lợi thế cạnh tranh. Nhờ vậy, nợ của HAGL cũng từ đỉnh 28.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ đồng. Nếu so khoản nợ của HAGL với các doanh nghiệp thời điểm này thì con số nợ 8.000 tỷ đồng của HAGL không lớn vì nhiều doanh nghiệp hiện đã có số nợ lên đến cả trăm ngàn tỷ đồng.
Với giá thành chuối của HAGL hiện nay là 6.500 đồng/kg nhưng có lúc bán ra 14.000 đồng/kg; giá heo hơi 43.000 đồng/kg, bán ra giá bình quân 62.000 đồng/kg, HAGL đang dần bước ra khỏi con đường "đen tối" của những năm tháng trước.
Ông Đức chia sẻ thêm: “Sau lứa heo đầu tiên xuất chuồng, nhiều anh em đã nhảy lên “vỡ òa” trong niềm vui và nói với tôi: “Anh Ba ơi, sao thịt heo ngon thế”.Chủ tịch HAGL cũng cho biết, Bapi-Heo ăn chuối HAGL đạt tiêu chuẩn 3 không: Không kháng sinh-Không đạm động vật-Không tăng trọng và 5 tốt: Thức ăn tốt-Chăn nuôi tốt-Giết mổ tốt-Phân phối tốt-Phục vụ tốt. Và dù nuôi với công thức đặc biệt nhưng heo ăn chuối của HAGL sẽ bán tương đương giá thị trường.
Không chỉ tận dụng chuối thải để nuôi heo, HAGL còn đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2ha tại vùng Mang Yang, Gia Lai. Và để tìm thế cạnh tranh của người đi sau so với các công ty lớn như Cargill, CP…,gà của HAGL sẽ là “gà đi bộ” và 40% thức ăn cho gà cũng là chuối. Dự kiến, sản phẩm gà ăn chuối sẽ sớm ra mắt vào khoảng cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Theo thông tin mới nhất của HAGL, tính đến 8 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của HAGL đạt 781 tỉ đồng, đạt 69% kế hoạch cả năm 2022. Kế hoạch từ nay đến cuối năm 2022, Công ty sẽ mở 200 cửa hàng Bapi Heo ăn chuối, cuối năm 2023 tăng lên 2.023 cửa hàng (bao gồm cả nhượng quyền). Trong đó, 60%-70% cửa hàng tập trung tại TP HCM và Hà Nội. Ngoài ra, HAGL cũng ra mắt ứng dụng (app) để bán hàng với mục tiêu đáp ứng được khoảng 100.000 đơn hàng online/ngày.
Lộ trình xa hơn, HAGL đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối và 5 triệu con gà ăn chuối ra thị trường và tiến đến xây dựng nhà máy chế biến thịt, tham vọng trở thành một thế lực mới trên thị trường thịt thương hiệu (trị giá khoảng 10 tỷ USD).
Với bức tranh mới về kinh doanh cùng sản phẩm heo ăn chuối và sắp tới là gà đi bộ, ông Đức tự tin khẳng định: “HAGL đã thoát nạn và đang bước sang trang mới tươi sáng”.