Hậu Giang rộng cửa đón doanh nghiệp

Nguyễn Đăng Báo| 14/12/2022 06:00

Hậu Giang đang hồi phục và phát triển thần kỳ giai đoạn hậu Covid-19 với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

Bật tăng từ khó khăn, thử thách

Từ đầu năm 2022, kinh tế Hậu Giang ghi nhận sự phục hồi tích cực với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 14,74%, Hậu Giang vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Đây là mức tăng cao nhất của tỉnh từ trước đến nay. Đặc biệt, tính riêng trong  quý III/2022, tốc độ tăng trưởng đạt rất cao 22,34%. Thu ngân sách đạt mức cao so với dự toán, tăng 20,49% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ở khu vực công nghiệp, Hậu Giang ghi nhận sự bứt phá, với giá trị sản xuất là 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Tính riêng trong tháng 9, có 21 dự án được cấp chủ trương đầu tư, nâng số dự án toàn tỉnh đến nay là 337 dự án, tổng vốn đầu tư 172.000 tỷ đồng. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay có hơn 700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 75% số doanh nghiệp và tăng 105% số vốn so với cùng kỳ.

-5984-1670920346.jpg

Theo Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất phê duyệt danh mục lập quy hoạch với 90 dự án phát triển nhà ở, với diện tích khoảng 2.077ha. Đến nay, tỉnh đã lựa chọn được chủ đầu tư cho 10 dự án, tiếp tục đăng tải mời gọi đầu tư 8 dự án, 37 dự án đã lập xong đồ án quy hoạch chi tiết, 23 dự án đang khảo sát lập quy hoạch, còn lại 12 dự án sẽ tiếp tục lập quy hoạch.

Dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ có 19 đô thị, gồm một thành phố đô thị loại II, một thành phố đô thị loại III, một thị xã đô thị loại III, 4 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Ngoài ra, khu vực dịch vụ tăng 10,61%. Qua đó cho thấy kinh tế của tỉnh đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì xu hướng tăng trưởng kinh tế với tốc độ từ 7-7,5%/năm, chuyển đổi cơ cấu tích cực. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp đóng góp từ 40-50% GRDP. Tăng tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2026-2030 lên mức 10-12%/năm hoặc cao hơn.

Khẳng định vị thế tại đồng bằng sông Cửu Long

Hậu Giang tiếp giáp thành phố Cần Thơ (trung tâm động lực vùng đồng bằng sông Cửu Long) và các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng nên có nhiều lợi thế trong giao thương bằng đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không. Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp đà phát triển và khẳng định vị thế tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang định hướng phát triển kinh tế - xã hội với 4 khâu đột phá gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng nguồn thu ngân sách và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Ngoài ra, tỉnh cũng xác định sẽ chú trọng thu hút đầu tư trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho địa phương. Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh xác định phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đô thị... là yếu tố vô cùng quan trọng.

-4839-1670920346.jpg

Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, Hậu Giang sẽ quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.233ha. Trong đó, du lịch được xem là một trong 4 trụ cột kinh tế mà tỉnh chú trọng phát triển trong giai đoạn sắp tới. Hậu Giang với rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá, là điểm đến hứa hẹn với các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, trong đó rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực du lịch.

Hiện tại, nhiều dự án du lịch lớn với nhiều tiềm năng phát triển đang chờ đợi các nhà đầu tư như khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) đang kêu gọi đầu tư dưới hình thức Nhà nước cho thuê cảnh quan rừng. Dự án này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất với diện tích 2.800ha và tổng mức đầu tư 345 tỷ đồng.

Dự án thứ hai có quy mô nhỏ hơn là dự án khu du lịch Hồ Sen (thành phố Vị Thanh) và khu du lịch Hồ Nước Ngọt (huyện Vị Thủy) với mức đầu tư 115 tỷ đồng. Hai dự án hướng đến sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá...

"Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui"

Năm 2022, tỉnh chọn là Năm Doanh nghiệp với quan điểm "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui". Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang. 

Hậu Giang quyết tâm hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp. Với tinh thần cầu thị và sự cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị là lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, trên cơ sở xác định tiềm năng, các "điểm nghẽn" của địa phương, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang sẽ kịp thời có những chủ trương, chính sách, chiến lược để tháo gỡ. Đến nay, Hậu Giang đã có nhiều chiến lược phát triển bài bản, qua đó thể hiện rõ phương châm hành động để đưa tỉnh ngày càng phát triển. Tỉnh sẽ tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Với cam kết "2 nhanh, 3 tốt", đó là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục hành chính, và 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hậu Giang rộng cửa đón doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO