Tại hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị Trương ương 6 khóa XIII diễn ra ngày 5/12/2022, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Trung ương đã thống nhất xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045, chương trình phát triển công nghệ hỗ trợ đến năm 2030. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên gồm luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất, công nghiệp năng lượng, vật liệu, công nghệ số. Việt Nam khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, phát triển một số tập đoàn xây dựng quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh quốc tế...
Quan trọng là "các đô thị đặc biệt, lớn sẽ được xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại hợp lý để đảm bảo việc phát huy vai trò là cực tăng trưởng kinh tế”. Thời gian qua, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, tinh thần là tìm giải pháp để các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của đất nước phát huy vai trò trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. "Chính sách cho các địa phương sẽ được rà soát, thống nhất, nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới. Cần có những cực tăng trưởng, phát huy vai trò của trung tâm kinh tế - xã hội lớn phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh TP.HCM xây dựng thành trung tâm tài chính không chỉ của Việt Nam mà của khu vực và trên thế giới. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam phải nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, đặt tầm nhìn phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á.
Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam. Thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế và sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ không chỉ trên địa bàn thành phố mà lan tỏa tới các bên có giao dịch liên quan...
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, hiện thành phố đã triển khai xây dựng đề án trên cơ sở nội dung tư vấn của các cơ sở tư vấn trong và ngoài nước, cùng sự góp ý của các chuyên gia và các tổ công tác. Trong đó, dự thảo đề án đã xây dựng lộ trình thực hiện với các mục tiêu, định hướng phát triển cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, từ nay đến năm 2025, TP.HCM triển khai thực hiện chương trình hành động, các cơ chế chính sách đặc thù nhằm củng cố vị thế trung tâm tài chính quốc gia của thành phố. Bước đầu hình thành trung tâm tài chính thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm. Từ năm 2026-2030, phát triển trung tâm tài chính TP.HCM với mục tiêu là một trung tâm tài chính quốc tế thứ hạng cao trong số các trung tâm tài chính ở khu vực châu Á. Từ năm 2031 trở đi, phát triển TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu có thứ hạng cao trong số các trung tâm tài chính thế giới.
Nhưng để thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, TP.HCM cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều chính sách thực sự đột phá. Bởi khi đó mới có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên thị trường quốc tế theo tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước.
Chính sách đột phá ấy là cơ chế riêng về quản lý, hoạt động và đặc biệt là nguồn thu ngân sách được trích giữ để có thể thực hiện các chiến lược phát triển đặt ra. Bởi phải có nguồn tài chính đủ mạnh, TP.HCM mới có thể cải thiện hạ tầng giao thông.
TP.HCM hiện đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước... nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại chỉ có 18%. Ngân sách hạn hẹp so với nhu cầu phát triển nên TP.HCM vẫn gặp bất cập lớn về hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng. Mới đây, Trung ương đã đồng ý tăng tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lên 21%. Và nói như TS. Trần Du Lịch là TP.HCM cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị, để phát huy tính năng động sáng tạo, giữ được vị trí đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước.