Đến đây, du khách sẽ có được cảm giác bình yên, thoải mái giữa vùng trời đất xanh tươi, suốt bốn mùa cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, muôn loài động - thực vật đa dạng, giàu có.
Xuôi theo dòng sông Hồng
Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào đất Việt ở Lũng Pô (Bát Xát, Lào Cai). Dòng sông uốn mình qua những vực sâu, núi thẳm rồi mềm mại chảy qua vùng đồng bằng Bắc Bộ, bồi đắp phù sa cho ruộng vườn tốt tươi. Dòng sông kết thúc hành trình 510km đầy quyến rũ trên đất Việt khi hòa mình vào biển Đông ở cửa Ba Lạt.
Từ Hà Nội có nhiều con đường dẫn về VQG Xuân Thủy, nhưng chúng tôi đã quyết định men theo sông Hồng trong hành trình của mình. Lăn bánh trên triền đê sông Hồng, chúng ta sẽ đi qua những dấu ấn văn hóa lâu đời. Đó là làng gốm cổ truyền Bát Tràng, Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), khu đầm Nhất Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung gặp nhau rồi nên vợ nên chồng. Rồi Hồng Hà uốn mình qua mảnh đất Phố Hiến ngàn năm, tạo ra thương cảng buôn bán sầm uất một thời. Tiếp tục xuôi theo dòng chảy về phía Đông Nam, chúng tôi đi qua khu Quần thể Di tích Đền Trần, huyện Hưng Hà (Thái Bình).
Sau khi men theo triền đê bên rìa thành phố Thái Bình, chúng tôi đặt chân tới vùng đất Kiến Xương với những đồng lúa thẳng cánh cò bay. Đi dọc những cung đường xuyên qua cánh đồng lúa xanh ngắt, mọi người dần dần cảm nhận được những cơn gió biển mát rượi đang thổi vào cơ thể. Đi qua cung đường thanh bình chả mấy chốc chúng tôi đã yên vị trong quán nhỏ của ông lão miền quê để ăn chiếc bánh dày trong lúc đợi chuyến đò chiều qua phà Cồn Nhất.
Những con thuyền cắm sào lặng lẽ trên những lạch nước. |
Phà đưa mọi người qua dòng sông Hồng mênh mang để sang thị trấn Ngô Đồng của huyện miền biển Giao Thủy. Từ thị trấn đi về cửa Ba Lạt, xe tiếp tục lang thang trên những cánh đồng màu mỡ, tốt tươi. Điểm nhấn giữa nền xanh da trời và màu lúa xanh là các tòa thánh đường cổ kính theo lối kiến trúc Gothic. Mảnh đất Giao Thủy với những công trình nhà thờ cổ kính, lối kiến trúc đẹp mắt đã có từ mấy trăm năm trước.
Riêng ở xã Giao Thiện ngoài nhà thờ của giáo xứ Phú Thọ, giáo xứ Hoành Đông thì còn có nhà thờ của riêng một dòng họ nào đó. Chúng tôi đã đi xem các giáo họ nổi tiếng trong vùng như Giáo họ Hoành Tam, Xa Nam, Phú Ninh, Phú Đường, Phú Hương... Nhà thờ giáo họ cũng đồ sộ không kém nhà thờ của giáo xứ. Đặc biệt, kiến trúc của mỗi nhà thờ lại khác nhau và toát lên vẻ độc đáo riêng.
Con đường bê tông rộng rãi chạy xuyên qua VQG Xuân Thủy đưa chúng tôi ra vùng cửa biển. Cứ được một quãng, mọi người lại thấy một mương nước, lạch nước, cồn nhỏ. Nhìn từ trên cao, đoạn cuối sông Hồng như thân một con rết khổng lồ. Còn các lạch nước, mương nước nhỏ chính là các chân của con rết tỏa sang hai bên, một là đất Giao Thủy (Nam Định) và bên kia sông chính là Tiền Hải (Thái Bình).
Chòi quan sát giữa vườn quốc gia |
Để có cái nhìn toàn cảnh về dải đất này, chúng tôi được người dân chỉ dẫn tìm đến chòi quan sát nằm giữa VQG. Con đường nhựa nhỏ bé, chỉ vừa hai chiếc xe máy tránh nhau xuyên thẳng qua những đầm nước và bụi cây đước, cây sú vẹt um tùm.
Mùi tanh nồng của những đám rong câu đã được người dân vớt lên vứt đầy hai bên vệ đường. Những con thuyền tre đang lặng lẽ cắm sào đứng đợi trên các vũng, lạch nước nhỏ len lỏi giữa rừng cây xanh tươi.
Đứng trên chòi quan sát, chúng tôi mới thấy hết được khoảng mênh mông của vùng sông nước, đầm bãi nơi dây. Ở những đầm nước lợ chỉ có vài loài cây chịu mặn mới sống được. Vẻ đẹp của những cồn đước nhỏ xanh tươi giữa vùng đầm bãi ven biển khiến thị giác của chúng tôi được phen thích thú.
Màu đỏ của Hồng Hà giờ đã được pha với màu xanh nước biển để tạo ra một màu phối lạ lẫm. Phóng tầm mắt từ chòi ra phía xa xa trong khoảng mênh mông của trời, nước ấy chính là cửa Ba Lạt.
Theo những ghi chép của ngành khí tượng, thủy văn từ đầu thế kỷ XX đến nay, đoạn dòng chảy cuối sông Hồng đã có thay đổi lớn bởi sự can thiệp có chủ đích của con người và các trận thiên tai dữ dội.
Đặc biệt, trước khi có hồ thủy điện Hòa Bình vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thì đồng bằng châu thổ sông Hồng đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt khủng khiếp.
Khi trận mưa lũ kinh hoàng xảy ra vào năm 1971, gây ra cơn đại hồng thủy chưa từng có làm nước sông Hồng dâng tràn. Sau đó, dòng chảy mạnh khủng khiếp của nước lũ cuộn xiết xoáy bay dải cát bồi giữa Cồn Lu và Cồn Vành tạo ra luồng cửa biển Ba Lạt như ngày nay.
Đến tháng 9/1973 tiếp tục xảy ra trận bão lũ lớn và dòng của sông Hồng trước khi đổ ra biển càng được xoáy sâu và mở rộng. Hiện nay, trên đất Tiền Hải (Thái Bình) luồng sông Hồng chính ngày xưa vẫn còn dấu tích khi chúng biến thành các phụ lưu như lạch Cống, lạch Vọp, lạch Bắc... Sau này khi thành lập VQG Xuân Thủy, cộng với việc người dân có ý thức trồng và bảo vệ hệ sinh thái thì vùng cửa Ba Lạt mới có sự ổn định vị trí và những mảng màu xanh như hiện nay.
Xuân Thủy cũng chính là một Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và của Việt Nam khi chúng ta ký vào công ước Ramsar năm 1989 (PV - Công ước Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập mặn). Cho đến nay Việt Nam đã có thêm 7 khu Ramsar khác. Theo các số liệu chúng tôi có được thì VQG Xuân Thủy rộng đến 7.100 hecta, cộng với 8.000 hecta vùng đệm thuộc 5 xã Giao An, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Thiện và Giao Hải.
Rời chòi quan sát, chúng tôi đi ngược lại tuyến đường nhựa có thể xem là vành đai ven biển. Hai bên đường là màu xanh đa dạng của muôn loài thực vật. Theo thống kê thì ở đây có đến 303 loài thực vật, trong đó nổi bật nhất là thực vật chịu mặn, ngập mặn như đước, sú vẹt và các loại rong câu có giá trị kinh tế cao như rong câu xanh, rong câu chỉ vàng...
Vùng rừng ngập mặn bao la ở Xuân Thủy |
Tuy không phải là mùa chim bay về cư trú (PV - chim về đây cư trú trong 4 tháng mùa đông), nhưng trên những đầm phá, rừng ngập mặn, chúng tôi vẫn có thể dễ dàng chụp được những đàn chim trời. Những chú vạc, cò, diệc tung sải cánh chao lượn sát mặt đầm để tìm mồi, hay lội nhởn nhơ ở trên nước.
Theo ghi nhận của những nhà chuyên muôn thì ở đây có đến hơn 200 loài chim khác nhau với số lượng vào lúc cao điểm lên đến gần 40 vạn cá thể. Ngoài chim ra thì những loài động vật trên cạn và dưới nước ở VQG Xuân Thủy cũng rất đa dạng, phong phú với 300 loài khác nhau. Càng đi sang phía bờ biển thì những đàn chim xuất hiện càng nhiều. Khi đến cuối con đường, nhìn phía xa đó chính là Cồn Lu và Cồn Lặc. Đây là điểm săn ảnh chim, cò lý tưởng nhất vào mùa đông cho các tay máy chuyên nghiệp.
Một khu homestay tại Giao Xuân, Giao Thủy |
Chiều buông, chúng tôi đi qua những khu chòi canh ngao của ngư dân nơi đây. Ánh hoàng hôn dần dần bao trùm dải đất ven biển khiến khung cảnh hiện ra đẹp không thể tả xiết.
VQG Xuân Thủy với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hằng năm đón số lượng lớn khách du lịch tới tham quan. Vì thế, một số người ở các xã vùng đệm đã phát triển nghề dịch vụ, nghỉ dưỡng.
Anh Trịnh Văn Hậu, ở xã Giao Xuân là một trường hợp tiêu biểu. Anh Hậu là người đầu tiên mở homestay kết hợp phục vụ cà phê, ăn uống cho du khách ở đây.
Ở homestay nhà vườn của anh Hậu còn phục vụ khách các tour du thuyền đi thăm cồn, ngắm chim cò và trải nghiệm cuộc sống, cảnh quan ở vùng quê ven biển. Bên cạnh đó, một số người dân trước đây làm nghề đánh cá, giờ được sự cho phép của Ban quản lý đã chuyển sang nghề chở du khách đi tham qua VQG...