Hàng hóa phong phú, khuyến mãi dồn dập
Kể từ khi cả nước thực hiện hạn chế đi lại, các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm… xếp đầy kệ tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Big C, MM Mega Market... Trong khi đó, lượng hàng bán online của những đơn vị này cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Đơn cử, tại các hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, lượng đơn đặt hàng qua điện thoại tăng gần 50% so với tuần trước đó. Số lượng đơn hàng online tại trang thương mại điện tử SpeedL (thuộc Lotte Mart) cũng tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Khách hàng đánh giá cao dịch vụ giao hàng tận nhà của Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Lotte Mart… do tiện lợi, thời gian giao hàng nhanh, các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, trái cây đảm bảo độ chất lượng.
Với hệ thống phân phối tại các thành phố lớn, Vissan cũng ứng dụng phương thức bán hàng qua mạng (qua hotline và fanpage), giao hàng tận nhà. Theo đại diện của Vissan, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến thông qua website.
Hàng thực phẩm thiết yếu xếp đầy kệ |
Để tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng trong mùa dịch này, các hệ thống siêu thị cũng liên tục tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi cho các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường. Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra giảm giá đến 25% các mặt hàng thịt heo. Cùng với đó, hàng nghìn mặt hàng thiết yếu khác thông qua các chương trình “Mua nhiều ưu đãi lớn”, “Dinh dưỡng tốt lành cho sức khỏe”, “Phủ xanh giỏ hàng”, “Sống xanh nhà mát lành”, “Tin yêu sản phẩm xanh”…
Còn tại hệ thống siêu thị Big C, bắt đầu từ ngày 10/4/2020 đã triển khai chương trình bình ổn giá thịt heo. Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail (đơn vị sở hữu thương hiệu Big C) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá thị trường và được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Central Retail sẽ tham gia chương trình bình ổn giá với mức giảm từ 6-25%. Mức giảm này được áp dụng cho tất cả sản phẩm thịt heo bán tại hệ thống siêu thị Big C.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương, sau khi triển khai chương trình bình ổn giá thịt heo ở các siêu thị Big C miền Bắc, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía khách hàng, Central Retail đã quyết định mở rộng chương trình này ra các siêu thị Big C trên toàn quốc.
Thịt heo - mặt hàng bình ổn thị trường đang giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng trong mùa dịch |
Cùng với thịt heo, Big C còn giảm giá đến 49% cho hàng nghìn sản phẩm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các mặt hàng sữa và chế phẩm từ sữa, nước giải khát, nước ép trái cây, bánh kẹo, các sản phẩm dinh dưỡng tăng cường miễn dịch… nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong mùa dịch. “Central Retail sẽ tiếp tục theo dõi chuyển biến của thị trường và điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi cam kết giá bán tại hệ thống Big C sẽ là giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Phương cho biết.
Liệu có thiếu hàng?
Theo Bộ Công Thương, từ giữa tháng 3/2020 đến nay, thị trường hàng hóa đã ổn định, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, chợ khá dồi dào. Người dân không còn đổ xô đi mua hàng tích trữ trước diễn biến dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp phân phối đều đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng. Tại các chợ truyền thống, hàng hóa về nhiều nhưng do người dùng lo ngại dịch bệnh nên sức mua giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh.
Về nguồn cung, các chuyên gia thị trường cho rằng, sở dĩ hàng hóa dồi dào là nhờ sự các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã chuẩn bị “nguồn hàng đủ cung ứng trong bất kỳ tình huống nào”. Trong khi các nhà sản xuất như Vissan, Vifon, Acecook… tăng công suất sản xuất, thì các hệ thống phân phối cũng tăng lượng hàng dự trữ. Các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Big C, MM Mega Market… đồng loạt dự trữ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu gấp 2-3 lần so với ngày thường. Riêng Saigon Co.op (cơ quan chủ quản của Co.opmart, Co.op Food…) đã dự trữ 40 tỷ đồng hàng hóa, tăng 40% so với ngày thường.
Tại nhiều siêu thị, người tiêu dùng tuân thủ khoảng cách 2m - Ảnh: X.Th |
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, ứng phó trước dịch bệnh, công ty đã chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ ở hai mảng thực phẩm tươi sống lẫn chế biến cho cả năm 2020. Và từ đầu năm đến nay, sức mua các mặt hàng xúc xích, thịt hộp, hàng đông lạnh của Vissan tăng mạnh. Trong đó, mặt hàng đồ hộp tăng gần 100%, công ty tổ chức sản xuất ba ca nhưng vẫn không kịp đơn hàng
Đánh giá cao sự “chung sức, đồng lòng” của các doanh nghiệp tham gia hàng bình ổn trong cuộc họp mới đây, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Phạm Thành Kiên cho rằng, Thành phố đã dự trù được tình huống mua sắm đột biến có thể xảy ra do tâm lý lo ngại dịch bệnh lan rộng nên có sự chuẩn bị kỹ, không dẫn tới nguy cơ “vỡ trận”.
“Việc đảm bảo chuỗi cung ứng liền lạc, trơn tru, ổn định giá trong giai đoạn khó khăn này là cơ hội cho DN thể hiện uy tín, nâng cao thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng trong nước, hướng đến phát triển bền vững”, ông Phạm Thành Kiên nói.
TP.HCM vừa đưa khẩu trang và nước sát khẩu vào diện bình ổn thị trường. Bên cạnh 10 nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị, thì khẩu trang (trừ loại chuyên dụng ngành y tế) và nước rửa tay sát khuẩn cũng được đưa vào diện bình ổn thị trường. Ở nhóm khẩu trang, TP.HCM sẽ đưa vào bình ổn 57,5 triệu chiếc trong 3 tháng và 3,29 triệu chai nước rửa tay sát khuẩn, tương đương 1,2 triệu lít. |