Nội dung văn bản HAMEE gửi đến UBND TP và các ban - ngành là bảo đảm công tác phòng- chống dịch và ổn định cơ bản, đồng bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn TP và các vùng ảnh hưởng, có kết nối chuỗi cung ứng.
Rất nhiều DN hiểu lầm và thực hiện sai nội dung "3 tại chỗ"
Theo HAMME, hầu hết tất cả các DN đều đồng thuận giải pháp "3 tại chỗ", vì giải pháp này không những mang lợi ích cho cộng đồng mà còn cho cả DN. Tuy nhiên: "Rất nhiều DN không rõ về nội dung 3 tại chỗ chỉ dành cho bộ phận sản xuất trực tiếp của DN, nên vẫn tiến hành 3 tại chỗ cho cả các văn phòng điều hành sản xuất có nơi làm việc không phải tại nhà máy. Ngay cả sau khi báo Thanh Niên và 1 số báo làm rõ vào tối ngày 14/07, thì vẫn thấy có khác biệt với các quy định nên rất mong các cơ quan cần làm rõ qua kênh văn bản chính thức, chỉ đạo nhanh cấp cơ sở địa phương hướng dẫn, thực hiện".
Trên thực tế cũng có nhiều DN gặp khó khăn trong quá trình thực thi Chỉ thị và các văn bản của UBND TP, vì không phải DN nào cũng có đủ điều kiện về nhân lực, vật lực để đáp ứng “3 tại chỗ” theo yêu cầu để duy trì hoạt động, nên các DN này đành chấp nhận đóng cửa.
Cụ thể như trường hợp của Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO của công ty này chia sẻ: "Yêu cầu của TP quá gấp gáp khiến DN không thể chuẩn bị kịp chỗ ở cho khoảng 50 - 60 con người. Từ vật tư, trang thiết bị dựng lều bạt, rồi nguồn thực phẩm duy trì sinh hoạt trong khoảng nửa tháng. Quy mô DN chúng tôi chỉ ở mức trung bình nhỏ thôi nhưng kể cả DN lớn cũng không trở tay kịp. Chúng tôi sao có đủ tiềm lực tìm kiếm, xây dựng được một ký túc xá riêng cho công nhân ở được”, ông Luận trăn trở.
Nhiều DN chưa đáp ứng được nhu cầu "3 tại chỗ" của TP. Ảnh: TT |
Bên cạnh đó, nỗi lo "DN chưa chết vì dịch mà đã chết vì ngừng sản xuất" vì một số bất cập trong mùa dịch cũng khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các DN KCN TP.HCM (HBA), tỷ lệ DN đáp ứng được rất là thấp.
“Một DN hội viên của chúng tôi có nhà máy ở Bắc Ninh và TP.HCM, trong vòng 2 tuần đã tốn gần 10 tỷ đồng chi phí cho mô hình ‘1 cung đường - 2 địa điểm’ để duy trì hoạt động”, ông Long thông tin. Từ đó, đại diện HBA kiến nghị, cần hỗ trợ một cách linh động nhất có thể cho DN trong công tác, phòng chống dịch.
Nhiều hệ lụy cho DN
Cũng theo ông Trần Thiên Long, có thể nhìn thấy từ việc “bó chặt” DN cứng nhắc theo quy định đó là người lao động sẽ dần rời bỏ khỏi công việc, DN có đơn hàng đến nhưng không có lực lượng sản xuất.
Nguy cơ rất lớn nữa là việc các DN nước ngoài tự động đẩy các đơn hàng ra các nước khác khi Việt Nam không đảm bảo được sự liền mạch trong chuỗi sản xuất hàng hóa.
“Hiện nay, Khu Công nghệ cao chiếm 30% giá trị xuất nhập khẩu của cả TP.HCM. Riêng một công ty hội viên của HBA đã chiếm 64% giá trị xuất nhập khẩu của Khu Công nghệ cao. Nếu DN đó rút đi, chuyển qua nước khác thì thiệt hại khó lường”, đại diện HBA nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều các DN khác gặp khó khăn trong quá trình thực hiện CT 16 của Chính phủ và các Văn bản của UBND TP. Do đó, HAMEE đã tổng hợp ý kiến và tóm gọn trong nội dung văn bản gửi về UBND TP.HCM cùng các Sở - Ban - Ngành.
Thứ nhất, nên mở rộng lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, không chỉ gói gọn trong các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Lĩnh vực cần bao hàm thêm:
Năng lượng, điện, nước, xăng dầu, gas, than, củi… internet, hạ tầng mạng;
Nông sản, chế biến nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng ngày;
Sản phẩm công nghiệp hổ trợ trong chuỗi cung ứng toàn cầu;
Nguyện vật liệu, phụ liệu, vật tư, nhiên liệu khác cho sản phẩm thiết yếu;
Vận tải, giao nhận, dịch vụ giao nhận, khai báo hải quan;
Dịch vụ pháp lý hỗ trợ tài chính, hành chính như công chứng, ngân hàng…
Các DN dịch vụ kỹ thuật, kinh doanh các hàng hóa phục vụ cho sản xuất cũng cần phải được cho hoạt động giống như các DN hỗ trợ dịch vụ pháp lý, tín dụng, tài chính. Cụ thể là DN cung cấp nguyện vật liệu, phụ liệu, vật tư, hóa chất, nhiên liệu khác cho sản phẩm thiết yếu, bộ phận dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa máy móc thiết bị phần cứng, phần mềm cho các DN sản xuất.
Nếu đóng cửa hoàn toàn các chợ vật tư kỹ thuật trung tâm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, tiến độ sản xuất, việc làm cho người lao động của cả DN sản xuất, dịch vụ, đối tác của họ và cả DN ở các địa phương khác.
HAMEE đề xuất cho các chợ này hoạt động có kiểm soát, chỉ đóng cửa các cửa hàng có ca F0, xử lý theo các quy định, quy trình của BYT, xem như 1 nhà máy trong KCN có ca F0, không nên đóng cửa hết toàn bộ chợ vật tư.
Thứ hai, thực hiện giãn cách khi giao nhận: Bên cạnh nguyên tắc 5K, hạn chế nhân sự làm việc thì có thêm vùng đệm để giao nhận, tương tác hành chánh, tuyệt đối không trao đổi tiền mặt. (Các vùng bị phong tỏa ở Bình Tân, các DN, cơ sở SX vẫn đang làm như vậy khi giao nhận hàng hóa tại các chốt, vùng đệm).
Có thể xem xét quy định thời gian giao nhận lệch giờ để thuận tiện kiểm soát, nếu các chợ có cấu trúc kiểu sạp hàng thì sẽ bị đóng cửa nếu không đảm bảo được giãn cách hay mật độ.
Thứ ba, đối với giấy thông hành, để tránh lạm dụng, tạo form sẵn, phát hành vô tội vạ cũng như việc cơ quan chức năng không đủ năng lực kiểm tra chi tiết; theo HAMME cần ban hành mẫu cơ bản chuẩn hay hướng dẫn cơ bản, ghi rõ trong form mẫu rằng :"Giấy này chỉ có giá trị đối với các Tổ chức, DN được phép hoạt động và cho phép CBCNV di chuyển. Đương sự được nêu trong giấy buộc phải là CBCNV của tổ chức, DN. Đương sự, DN, người ký tên phải chịu trách nhiệm theo pháp luật nếu sai phạm theo các luật và Nghị định ban hành và có thể sẽ hình sự hóa vụ việc nếu có hậu quả lớn.
Giấy đã có ghi ngày cụ thể, nơi đến, lý do, thời hạn có giá trị trong ngày hoặc 1 chuyến công tác."
Thứ tư, để giảm thiểu thiệt hại cho DN, trước khi ban hành Chỉ thị, cơ quan chức năng nên thông tin trong thời gian sắp tới nên sớm hơn hay có thông tin dự báo, dự kiến, kịch bản dự kiến để giảm thiểu thiệt hại: Ví dụ, nội dung "3 tại chỗ" gây khan hiếm vật tư, trang bị cho việc ăn, ở, vệ sinh. Nội dung thay đổi thời gian hiệu lực của Test âm tính hay đột ngột cần test âm tính ngày 9/7 vừa rồi gây ùn tắc, và nguy cơ nhiễm bệnh nghiêm trọng.
Thông tin, chủ trương nên đồng bộ trên toàn TP với các vùng tính chất dịch bệnh tương đương.
Cấp cơ sở phải là cấp cần được thông tin, hướng dẫn sớm, chi tiết, đồng bộ các ban ngành. Ví dụ vấn đề văn phòng phải làm việc với 30% nhân sự không có trong Chỉ thị hay văn bản nào.
Thông tin cần tăng định lượng, theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện và kiểm tra. Ví dụ nội dung 30% nhân sự làm việc rất khó đo, kiểm thay vì qui định thêm số m2/ người, sẽ không có kẻ hở hay tranh cãi".
Thứ năm, với vấn đề giá Test, mô hình Test :
"Hiện nay đơn giá test rất không đồng bộ và còn rất cao, dao động từ 300.000 - 700.000 đồng. Không có quy định về mô hình test mẫu gộp, mà yêu cầu test riêng, lấy giấy chứng nhận riêng, gây lãng phí. Thời gian trả kết quả mỗi nơi cũng khác nhau cũng gây lãng phí.
Nếu Nhà nước không thể hổ trợ kinh phí thì cần phải:
- Xem xét chuẩn hóa mô hình test gộp, chỉ đạo, vận động hay xây dựng nhanh cơ chế nào đó đối với DN, tổ chức, cơ sở Y tế nhằm giảm thiểu chi phí test.
- Tổ chức các đội Test hỗ trợ DN trong các KCN, khu SX tập trung và đào tạo cán bộ y tế cơ sở và trao quyền chứng nhận, chịu trách nhiệm cho tổ chức, DN.
Thứ sáu, về công tác kiểm tra đáp ứng điều kiện 3T:
Cần chuẩn hóa theo tiêu chuẩn “dã chiến”, không yêu cầu nơi lưu trú dã chiến tại nhà máy trong thời gian cách ly làm việc theo yêu cầu 3T đáp ứng tiêu chuẩn của nơi lưu trú chính quy.
Ví dụ như bệnh viện dã chiến rất khác với bệnh viện chính quy. Đã có đoàn kiểm tra yêu cầu rất gắt gao các tiêu chuẩn nơi lưu trú dã chiến, đòi hỏi như là nơi lưu trú chính quy.