Hài hòa lợi ích trong thực hiện trách nhiệm tái chế

Lan Ngọc| 30/06/2023 09:30

Kể từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế (EPR) đối với sản phẩm, bao bì theo Luật Bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có những quy định hướng dẫn thực hiện EPR hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Hài hòa lợi ích trong thực hiện trách nhiệm tái chế

Theo Luật Bảo vệ môi trường thì từ năm 2024, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện EPR theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, lựa chọn một trong hai hình thức tự tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. 

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, quy định việc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (nếu các tổ chức, cá nhân thuộc diện thực hiện EPR chọn phương án đóng góp tài chính) của từng loại sản phẩm, bao bì (F) sẽ được xác định theo công thức là: F = R x V x Fs; trong đó, F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính đồng); R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì quy định tại Khoản 1 Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (đơn vị tính %); V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm cần thực hiện EPR (đơn vị tính kg); Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ cho việc thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì (đơn vị tính đồng/kg).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến để hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Fs với các quy định cụ thể về chi phí đối với từng loại sản phẩm, bao bì. Mặc dù đã nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng, song dự thảo khi công bố vẫn có nhiều ý kiến đánh giá bất cập.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, định mức chi phí Fs dự thảo đề xuất còn bất cập khi sử dụng nhiều nghiên cứu tham vấn có những kết quả khác nhau, độ tin cậy dữ liệu chưa cao, mức áp dụng Fs tại Việt Nam chưa phù hợp với thực tiễn. 

-5730-1688022505.jpg

Thu gom rác thải 

Đại diện VBA dẫn chứng, dự thảo đề xuất mức Fs áp dụng cho bao bì nhôm là 6.180 đồng/kg, cao hơn gần 5 lần so với mức trung bình của các nước (trung bình các nước khoảng 1.250 đồng/kg), điều này có thể dẫn đến nguy cơ khiến cho giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Đối với các doanh nghiệp đồ uống, bà Vân Anh cho biết, nếu tính định mức Fs như trong dự thảo, thì 1 lon bia sẽ phải tăng thêm 41 đồng, một chai bia tăng thêm 51 đồng dẫn đến giá vốn hàng hóa sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến tâm lý khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, theo đại diện của VBA, đề xuất Fs có mức chi phí về quản lý hành chính 3% hỗ để trợ cho bên thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì cũng là một khoản tiền lớn đối với doanh nghiệp. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp lớn thuộc VBA mỗi năm khối lượng sản phẩm phải thực hiện EPR vào khoảng 700.000 tấn/năm, chi phí hành chính 3% phải đóng lên đến 109 tỷ đồng/năm. 

15 hiệp hội doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, VCCI… để góp ý, phản ánh cách tính Fs như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế đối với các sản phẩm, bao bì có nguồn gốc từ vật liệu có giá trị thu hồi cao, chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Do vậy, có ý kiến đã kiến nghị, nên áp dụng mức Fs = 0 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế (bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại) do các bao bì, sản phẩm này cơ bản được thu hồi hết, ít có nguy cơ tới môi trường. Đối với các sản phẩm, bao bì có giá trị thu hồi thấp như ni lon, giấy hỗn hợp… thì cần đóng góp kinh phí để hỗ trợ tái chế, nhưng mức Fs cần quy định sao cho phù hợp, không cao hơn so với bình quân chung thế giới, điều chỉnh Fs phù hợp đối với các sản phẩm, bao bì sử dụng vật liệu có thể tái chế.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, định mức Fs đề xuất cần tính toán đến sự đa dạng của các ngành sản xuất kinh doanh, của doanh nghiệp, đặc biệt có thể cần phải cá thể hóa hơn, chi tiết hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực, doanh nghiệp. Cần tính toán đến yếu tố làm sao cho doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm từ tái chế được giảm bớt chi phí, từ đó thúc đẩy yếu tố tuần hoàn. Trong tổ chức thực thi EPR, Chính phủ cần xem xét cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ thị trường xử lý tái chế để giúp giảm chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tự tổ chức tái chế.

Một số ý kiến cho rằng, lộ trình, phương thức triển khai EPR theo Luật Bảo vệ môi trường cũng nên quy định sao phù hợp để giảm thiểu tác động khó khăn tới doanh nghiệp, trong hai năm đầu áp dụng EPR (2024-2025), chỉ nên tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng hình thức xử phạt. Cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn thực hiện kết hợp cả hai hình thức là tự tổ chức tái chế và đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế, thay vì bắt buộc chỉ được chọn một trong hai hình thức. Nên cho phép các doanh nghiệp thay đổi cách thức nộp từ tạm ứng đóng góp hỗ trợ tái chế từ đầu năm 2024, sang thực hiện quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hài hòa lợi ích trong thực hiện trách nhiệm tái chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO