Nước mắm truyền thống đã có lịch sử trăm năm nay. |
Trước đó trong cùng ngày 3-9, Bộ Nội vụ ra hai quyết định thành lập 2 Hiệp hội nói trên. Điều bất ngờ là chỉ hơn một năm trước, cũng chính Bộ này trả hồ sơ lại cho hai ban vận động thành lập hai hiệp hội với lý do cùng lúc nhận được hai hồ sơ xin thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống VN và Hiệp hội nước mắm VN.
Văn bản trả lời nói: “trong cùng thời điểm đã có hai đề nghị thành lập hiệp hội với tên gọi gần giống nhau, trùng lặp về lĩnh vực hoạt động chính, có cùng phạm vi hoạt động cả nước. Do đó, Bộ Nội vụ chưa có đủ cơ sở xem xét, giải quyết đề nghị thành lập 02 hiệp hội này theo quy định của pháp luật”.
Không hiểu sao cũng chính hai hiệp hội với tên đó lại được Bộ Nội vụ cho thành lập hơn một năm sau?
Nhiều ý kiến cho rằng nếu hai hiệp hội có “tên gọi gần giống nhau, trùng lặp về lĩnh vực hoạt động chính, có cùng phạm vi hoạt động cả nước” thì lẽ ra phải gộp hoặc chọn một Hiệp hội trên cơ sở phân tích hồ sơ, giấy tờ, điều lệ cũng như lợi ích thiết thực mà hiệp hội mang lại cho hội viên, thương hiệu sản phẩm…
Còn nếu đã xác định là hai thì đó là hai ngành nghề khác nhau, lĩnh vực hoạt động khác nhau, nên chăng chỉ một hiệp hội được dùng từ “nước mắm” trong tên gọi của mình, hiệp hội còn lại phải dùng một cái tên khác để đừng gây nhầm lẫn.
Quy trình sản xuất nước mắm truyền thống: cá+muối, ủ chượp từ 6-12 tháng, chiết rút, đóng chai. |
Nước mắm truyền thống đã có lịch sử trăm năm nay, đương nhiên sẽ được nhận tên này còn nước mắm sản xuất theo quy trình công nghiệp phải dùng một tên gọi khác để phân biệt (như nước chấm chẳng hạn).
Việc cho thành lập hai Hiệp hội có tên gọi giống nhau của Bộ nội vụ dễ gây ra sự mập mờ, cạnh tranh không lành mạnh trong khi đáng lẽ ra việc lập hội phải nhằm tạo sự đoàn kết và phát triển cho ngành hàng này.
Phải chăng đang có một chiến dịch cố tình gây nhầm lẫn giữa nước mắm sản xuất theo quy trình công nghiệp với nước mắm truyền thống sau khi không thể xóa sổ nước mắm truyền thống những năm qua?
Quá trình thành lập hiệp hội nước mắm cũng cho thấy có nhiều uẩn khúc. Sau sự cố asen, Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn về nước mắm cho Bộ NN&PTNT và cho phép thành lập một hội về nước mắm, lấy tên là Hiệp hội nước mắm truyền thống VN.
Ban vận động nước mắm truyền thống cho hay đã gửi hồ sơ cho Bộ nội vụ nhưng không nhận được trả lời đúng thời hạn. Qua tìm hiểu, Ban vận động được biết, ngày 15/8/2017, Bộ Y tế đã thành lập Ban Vận động thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam. Trong thành phần ban này có một số cựu công chức của Cục An toàn Thực phẩm và các công ty sản xuất nước mắm theo quy trình công nghiệp.
Dù gửi sau nhưng cuối cùng cả hai hiệp hội được ra quyết định cùng ngày.
Bữa cơm gia đình người Việt gắn liền với nước mắm truyền thống. |
Trở lại “vụ việc nước mắm arsen”, năm 2016 Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng VN (Vinastas) công bố khảo sát có 67,33% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) mà không nói rõ arsen hữu cơ (vô hại) hay vô cơ (độc hại). Sự việc này có nguy cơ xóa xổ ngành nước mắm truyền thống nếu như không có sự vào cuộc của các nhà khoa học và truyền thông. Chính phủ lập một đoàn kiểm tra liên ngành (gồm 5 bộ và cơ quan hữu quan) để làm rõ vấn đề nhưng chỉ dừng lại ở việc xử lý Vinastas. Còn ai, đơn vị nào đứng sau xây dựng kịch bản và tài trợ cho nghiên cứu nói trên của Vinastas thì đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Sau sự cố asen, Thủ tướng đã chuyển việc soạn Quy chuẩn nước mắm từ Bộ Y tế sang Bộ NN&PTNT. Ban đầu, Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm không có đại diện một số công ty sản xuất nước mắm lớn. Nhưng khi đã biên soạn được 2/3 chặng đường thì đại diện của họ bất ngờ được bổ sung vào thành phần Ban biên soạn. Họ đòi thay thế cụm từ “nước mắm truyền thống” bằng “nước mắm nguyên chất”, và giữ cụm từ “nước mắm” để chỉ nước mắm pha chế theo quy trình công nghiệp.
Kinh doanh trong môi trường nào cũng cần tuân thủ đúng luật pháp, sự lành mạnh, trong sáng, hơn hết là nghĩa cử đạo đức, tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Việt Nam đã tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu, sản phẩm mang thương hiệu Việt đang bị canh tranh không chỉ trên sân nhà mà còn phải nỗ lực để có chỗ đứng ở nước ngoài. Do đó, nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt không sớm bỏ lối tư duy cạnh tranh không lành mạnh, để gắn kết nhau thành một khối, chắc chắn họ sẽ rơi rụng dần.