Dạy và học trong trạng thái sống chung với virus hiện nay

Phan Chánh Dưỡng (*)| 20/11/2021 03:00

Đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát từ cuối năm 2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó lan rộng sang châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á… lúc đầu tưởng chừng như một dạng cúm mùa nhưng không ngờ con virus này đã làm đảo lộn mọi thứ, các hoạt động kinh tế xã hội trên thế giới trong hai năm qua gần như tê liệt, khiến lãnh đạo của nhiều quốc gia bối rối và lúng túng.

Dạy và học trong trạng thái sống chung với virus hiện nay

Ngày 10/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động quyên góp trong ngành để ủng hộ "Máy tính cho em", mức tối thiểu bằng thu nhập của một ngày

Các nhà khoa học ngành y đã dốc hết sức tìm các loại vaccine phòng ngừa nhưng đến nay vẫn chưa có được giải pháp diệt trừ dịch bệnh, nên hầu hết các nước phải “chấp nhận” giải pháp “sống chung với virus”, như ở Việt Nam thường có câu nhắc nhở thường xuyên “hãy thích ứng với cuộc sống ở trạng thái bình thường mới”!

Tốc độ và khả năng sinh tồn có sức mạnh hơn trí tuệ

Trong hai năm qua, loài người chúng ta đã nhận thức ra được những gì? Ít nhất chúng ta cũng nhận ra được có biết bao người đã mất mạng, để lại biết bao khổ đau cho gia đình, bằng hữu; đảo lộn sự vận hành gắn kết của nền kinh tế toàn cầu; phá vỡ sự phát triển kinh tế bởi sự phân công của chuỗi giá trị của nền kinh tế thế giới; khiến tỷ lệ đói nghèo của thế giới tăng cao trở lại. 

Thời gian tới sẽ còn tệ hại hơn, nếu thế giới không đoàn kết để cùng đối phó mà chỉ tính toán thiệt hơn, đổ lỗi cho nhau! Đối với tôi, trận dịch này nảy sinh một nhận thức - có thể thiển cận và viển vông đối với một số người - nhưng tôi cũng mạnh dạn chia sẻ.

Từ ngàn xưa, chúng ta đều nhận thức rằng sự tiến hóa đỉnh cao nhất là loài người (con người là chúa tể của muôn loài), thể hiện ở chỗ con người có trí tuệ. Từ đó chúng ta hình thành một nhận thức chung là có trí tuệ là có tất cả và cực đoan hơn là trí tuệ càng cao thì phải được sống ở giai tầng bậc nhất và không ít người còn cực đoan hơn nữa khi cho rằng: người có trí tuệ nhất phải được ưu tiên tồn tại trong mọi tình huống! 

Hỡi ơi, trận đại dịch này cho ta thấy, một loài vật chất đơn bào, chưa đủ gọi là vi sinh vật - đó là virus Covid-19, hoàn toàn không có trí tuệ, chỉ có yếu tố sinh tồn “mãnh liệt”, thích ứng nhanh với mọi môi trường khắc nghiệt. Một loài không trí tuệ “quyết chiến” với loài có trí tuệ cao nhất (loài người) trong hai năm qua mà nay chúng ta vẫn chưa nhận dạng kẻ địch thủ của ta là ai? Từ nhận thức này, tôi không còn dám cường điệu trí tuệ của mình nữa và học được rằng “tốc độ là sức mạnh” và “thích ứng nhanh một cách đồng bộ với sự thay đổi của môi trường là giữ được sự tồn tại và phát triển”. Đó là một bài học rất đáng được nghiền ngẫm.

19-11-pic-4-8986-1637323870.jpg

Khi học online, không phải gia đình nào ở TP.HCM cũng đủ tiền sắm sửa máy tính cho con và cũng không phải gia đình nào phụ huynh cũng có thời gian học cùng với con

Dạy và học trực tuyến cần quan tâm những gì?

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin có đôi lời đối với việc dạy và học của ngành giáo dục trước chủ trương sống chung với virus hiện nay. Khi dịch bệnh trở lại lần thứ tư, thành phố hùng mạnh nhất về mọi mặt như TP.HCM bị khốn đốn vì số ca nhiễm và số ca tử vong cao nhất trong cả nước, thế là ngành giáo dục hoàn toàn bị động từ đầu đến cuối. Chính sách là đóng cửa trường học nhưng lại tổ chức thi cử tập trung khiến thầy và trò khốn khổ phải chạy theo.

Niên học mới đến nhưng dịch bệnh vẫn chưa lui nên thầy trò tiếp tục dạy và học online, một giải pháp không phải nước nào cũng có thể làm tốt, nhất là cấp tiểu học và những địa phương có cơ sở vật chất thiếu thốn như máy tính, phần mềm ứng dụng, nội dung bài giảng, chất lượng học tập và nội dung thi cử… Khó khăn không nhỏ, thế nhưng ngành giáo dục không hề than vãn cho thầy và trò mà chỉ đành chấp nhận, rõ là điều rất bất công.

Trong đỉnh dịch, đã có nhiều em phải bỏ học vì cha mẹ phải tham gia chống dịch tại nơi làm việc buộc phải cách ly, hoặc cha mẹ hay người chăm sóc trực tiếp bị nhiễm bệnh. Vì thiếu thốn sự chăm sóc của người lớn, một số học sinh không đáp ứng được một vài môn thi trong thời kỳ dịch bệnh nên phải ở lại lớp làm cho các học sinh chán học hoặc bị ở lại lớp. Ngành giáo dục nên xây dựng chính sách đặc biệt cho số học sinh này với sự đồng cảm nỗi khổ đau của các em. Sự nhân văn này đến nay chưa thấy thể hiện trong ngành giáo dục. 

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thương lượng với những nhà sản xuất máy tính cung cấp công cụ phần cứng cho chương trình học online thích ứng cho từng cấp lớp với giá rẻ nhất. Đối với trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và cấp I, Sở Giáo dục và Đào tạo từng tỉnh, thành phát động giáo viên và cán bộ chuyên ngành tin học cùng xây dựng phần mềm giảng dạy, nội dung giảng dạy cho từng môn học, từng cấp học và thông qua cuộc thi tại địa phương (có giải thưởng) để chọn ra những bài giảng có giá trị sử dụng phù hợp dùng chung trong niên khóa 2021-2022.

Từ cuộc thi xây dựng phần mềm giảng dạy ở các tỉnh, thành có thể rút kinh nghiệm để nâng cấp tổ chức cuộc thi toàn quốc trong những năm tới do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Được như vậy thì chúng ta mới có giải pháp đồng bộ, thích hợp với yêu cầu sống chung với virus hiện nay.

(*) Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dạy và học trong trạng thái sống chung với virus hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO