Xu hướng "nghỉ việc trong yên lặng"

Thanh Ngân| 04/01/2023 02:00

Dù có niềm tin vào tầm nhìn cùng chiến lược của công ty, song sự thật là người lao động vẫn phải đối diện với sự mệt mỏi, chán nản và stress.

Xu hướng

Stress làm giảm động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp

Kinh tế sụt giảm, doanh nghiệp (DN) khó khăn nên dù có niềm tin vào tương lai, người lao động cũng rất... stress. Theo kết quả khảo sát mới đây của Anphabe, 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản. Trong đó, quản lý cấp trung, nhân viên có thâm niên 2-5 năm cảm thấy áp lực nhất.

Người lao động các ngành sản xuất, vật liệu xây dựng và ngân hàng bị stress nhiều nhất, kế đến là ngành sản xuất, hóa chất, dược, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và kiến trúc. Ngoài ra, nhóm nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng có tỷ lệ stress khá cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên tựu trung vẫn là do áp lực tài chính, gia đình, tính chất công việc, môi trường và điều kiện làm việc, quan hệ công sở. Dù làm việc trong lĩnh vực gì và cấp độ nào, 2 mối bận tâm hàng đầu khiến người đi làm phân tâm là "áp lực tài chính, phải lo nhiều thứ" và "công việc nhiều, thời hạn gấp gáp".

Bên cạnh đó, người lao động trẻ dễ hoang mang khi "thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng", trong khi nhân sự cấp trung áp lực vì "quy trình làm việc phức tạp, thiếu rõ ràng". Nhóm quản lý cấp cao mệt mỏi vì "phải thích ứng với quá nhiều thay đổi trong tổ chức".

Theo các chuyên gia, stress là "sát thủ vô hình" giết chết động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với DN. Tần suất stress càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó với tổ chức càng suy giảm. Kết quả khảo sát của Anphabe ghi nhận, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress.

Đáng chú ý, sau Covid-19, người trẻ có xu hướng thay đổi góc nhìn về tầm quan trọng của công việc so với nhiều ưu tiên khác trong cuộc sống. Khi công việc không còn là tất cả, họ sẽ tìm cách "phản kháng" bằng cách nói không hoặc từ bỏ trong im lặng.

Đó là lý do vì sao xu hướng "nghỉ việc trong yên lặng" ngày càng phổ biến. Họ làm việc vừa đủ, chính xác những gì được giao, không hơn không kém. Đúng giờ về, họ ngắt liên lạc với công ty, đồng nghiệp, và không để công việc lấn sang các thú vui khác trong cuộc sống.

-8723-1672802342.jpg

Các chủ DN không chỉ tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động mà cần chú trọng đến cả cuộc sống tinh thần của họ

Thực trạng stress tăng cao ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng nguồn nhân lực, buộc DN phải nghiêm túc xem lại chính sách an sinh cho nhân viên.

Vì mỗi người đi làm mang theo tất cả mối quan tâm của họ trong cuộc sống đến công sở, nên cách tiếp cận an sinh toàn diện hiện nay là chăm lo cho nhân viên như một "người trọn vẹn" chứ không chỉ là "người đi làm". Có 5 vấn đề quan trọng mà các chủ DN phải quan tâm đến nhân viên của mình gồm sức khỏe thể chất, cảm xúc, tinh thần, tài chính và sự nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, trong môi trường hiện nay, chủ DN không chỉ tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động mà còn cần chú trọng đến cuộc sống tinh thần của họ.

Trong đó, phải giữ cho nhân viên an toàn về mặt thể chất, mạnh khỏe và tràn đầy năng lượng, song song với việc giúp họ có trải nghiệm và thể hiện cảm xúc cũng như kết nối tích cực trong công việc lẫn cuộc sống. DN phải có các hoạt động, chương trình nhằm thúc đẩy sức mạnh tâm lý của nhân viên để họ ra quyết định sáng suốt, đối phó với căng thẳng và nhận ra những ý nghĩa sâu sắc.

Bên cạnh đó, việc chăm lo sức khỏe tài chính bằng cách thúc đẩy cảm giác an toàn, an tâm về tài chính sẽ giúp nhân viên cảm thấy có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu quan trọng và tận hưởng cuộc sống. Tất cả sẽ giúp nhân viên yêu thích công việc và có động lực để đạt mục tiêu.

Ở góc độ người làm về nhân sự, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe cho rằng, sức khỏe toàn diện của nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe DN, từ hiệu quả kinh doanh ngắn hạn tới sự phát triển bền vững. Do đó, việc chú trọng an sinh cho nhân viên là chiến lược rất cần thiết.

"Để chú trọng an sinh toàn diện cho nhân viên, DN hãy bắt đầu làm đúng từ những điều căn bản nhất, sau đó cố gắng cá nhân hóa các nhóm hoạt động cụ thể tương ứng với nhu cầu thiết thực của từng nhóm nhân viên. Công ty nào thể hiện rõ sự quan tâm chân thành tới người lao động sẽ là thỏi nam châm hút tinh hoa của nguồn nhân lực và ngược lại, nhân viên cũng sẽ 'chăm lo' tốt cho sự phát triển của DN đó", bà nhấn mạnh. 

Khảo sát của Anphabe với gần 100 DN lớn đại diện 20 ngành nghề chính cho thấy, chỉ 15% chọn an sinh nhân viên vào nhóm ưu tiên chiến lược trong 2023, đứng thứ 9 sau nhiều ưu tiên khác. Trong khi đó, xu hướng chung từ các DN cấp tiến cho thấy an sinh ngày nay không đơn giản là cung cấp vài phúc lợi nhỏ mà phải trở thành chiến lược nhân tài trụ cột, định hướng cho rất nhiều chính sách nhân sự đa dạng tại DN. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xu hướng "nghỉ việc trong yên lặng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO