Nền kinh tế trước áp lực dân số già hóa

HOÀNG DUY| 26/08/2017 06:06

Dân số già hóa là thách thức lớn về kinh tế lẫn an ninh con người của từng quốc gia, cộng đồng và mỗi gia đình.

Nền kinh tế trước áp lực dân số già hóa

Dân số già hóa là thách thức lớn về kinh tế lẫn an ninh con người của từng quốc gia, cộng đồng và mỗi gia đình. Tại Diễn đàn đa phương về già hóa dân số và tăng trưởng bền vững tại TP.HCM tuần rồi, đại diện các quốc gia APEC cảnh báo dân số già hóa nhanh là một trong những thách thức chính mà nền kinh tế APEC phải đối mặt.

Đọc E-paper

Dân số các nền kinh tế thành viên APEC hiện chiếm 40,5% dân số thế giới nhưng số người cao tuổi chiếm gần 50%. Liên Hiệp Quốc dự báo đến năm 2050, dân số từ 65 tuổi chiếm đến 25% toàn khu vực, khoảng 1,3 tỷ người - tương đương cứ 4 người sẽ có 1 người từ 65 tuổi. Dân số già trên 65 tuổi tại APEC đến 2050 cũng chiếm đến 70% dân số trên 65 tuổi của toàn châu Á. Đại diện các quốc gia APEC tại Diễn đàn xác định lộ trình đến 2020 là các giải pháp cấp bách về chính sách hiệu quả để thích ứng với thế giới già hóa trong toàn khu vực. Vấn đề già hóa không còn của riêng mỗi nước mà trở thành chương trình nghị sự chung vượt ra ngoài biên giới quốc gia trong diễn đàn đa phương.

Dân số Việt Nam "già hóa" nhanh

Tốc độ già hóa của dân số Việt Nam được các chuyên gia dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Hiện Việt Nam có hơn 10,1 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi), tương đương 11% dân số, nhưng ước đến 2030 chiếm 18% và đến 2050 chiếm 26%. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên hiện hơn 2 triệu. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tốc độ quá nhanh, trong khi là nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, với tốc độ già hóa nhanh như vậy, Việt Nam chỉ có khoảng 20 năm để chuẩn bị, trong khi các nền kinh tế phát triển có nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển đổi. "Thách thức đặt ra là tìm kiếm giải pháp thực tiễn và hành động để đầu tư cho già hóa dân số vì sự thịnh vượng của nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Theo ông Soonman Kwon - Trưởng nhóm y tế Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các quốc gia gặp thách thức chung về chính sách công cho tình trạng già hóa, trong khi mức tăng dân số trẻ đang giảm. Việc thay đổi thể chất dân số tác động đến quản lý vĩ mô và quản trị cộng đồng ở tất cả các mặt: từ quy mô và chất lượng lực lượng lao động, quá trình tích lũy vốn cho đến năng suất lao động và đầu tư vào phát triển con người... "Những  vấn đề này chỉ giải quyết được khi chính sách an sinh xã hội được chú trọng thiết kế trong toàn hệ thống lương hưu và bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đồng thời mở cơ chế cho khu vực tư hỗ trợ khu vực công", ông khuyến cáo.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết của Nhật, ông Keizo Takemi - Thượng nghị sĩ Nhật Bản, Chủ tịch Diễn đàn Các nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển (AFPPD) cho biết, Nhật có 40 năm đối mặt với già hóa dân số, kể từ 1960, nhưng đến năm 2000 mới bao phủ được y tế và lương hưu toàn dân song song với chính sách chăm sóc cộng đồng. Trong 40 năm Nhật dần hoàn thiện chính sách và hình thành cả ngành công nghiệp cung cấp các công cụ và hệ thống cơ sở y tế chăm sóc làm chủ thể quan trọng cho cộng đồng người già.

Theo ông Keizo, việc bao phủ y tế toàn dân theo hướng thúc đẩy y tế dự phòng, chữa trị và chăm sóc sức khỏe để đảm bảo cộng đồng người già không gặp khó khăn phải ở cả ba góc độ: xã hội, cộng đồng và gia đình là hạt nhân. Ở Nhật, vào năm 1991, đa số người già chết tại nhà, nhưng hiện nay trường hợp này chỉ chiếm 12%, còn lại chết tại các trung tâm điều dưỡng. Ông khuyến cáo: "Các chính phủ cần tạo sự gắn kết cộng đồng người già với dịch vụ chăm sóc dài hạn tại nhà cùng mạng lưới trung tâm điều dưỡng để có nền tảng lâu dài".

Giải pháp xuyên quốc gia

Dữ liệu tại Nhật cho thấy, nếu năm 1960, một người trên 65 tuổi được 5 người hỗ trợ, thì đến 2010, tỷ lệ này là 1-1 và đến 2020 là 2,6 - 1,2. Theo GS. Koji Miura thuộc Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, già hóa dân số là đặc thù từng khiến xã hội Nhật điều chỉnh khó khăn. Mặc dù từ năm 1950, Nhật đã xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế bắt buộc, lúc dân số già còn khá ít, nhưng phải trải qua quá trình hình thành chính sách pháp luật tốn kém. Chẳng hạn, năm 1997, Nhật ban hành hệ thống bảo hiểm dài hạn nhưng tranh cãi kịch liệt đến năm 2000 luật mới có thể thông qua.

Các chuyên gia báo động những quốc gia dân số đông và có tốc độ già hóa nhanh như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan, Việt Nam chỉ có 18 - 20 năm trở thành quốc gia già. Các quốc gia sẽ phải chuẩn bị chính sách để chuyển sang các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn và phức hợp, hiểu nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, vai trò của gia đình, cộng đồng, thị trường và các chính sách xã hội.

Đại diện của Thái Lan cho biết, chi phí chăm sóc cộng đồng cao gấp 10 lần tại nhà nên họ ưu tiên thúc đẩy chính sách người già khỏe mạnh để tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Theo đó, Thái Lan lập quỹ xúc tiến thúc đẩy sức khỏe người già ngay từ khá sớm. Trong khi đó, đại diện của Ấn Độ cho biết, một số bang có luật bắt buộc con cái chăm sóc và hỗ trợ tài chính cho cha mẹ, nếu con cái không thực hiện, cha mẹ có thể kiện chúng ra tòa.

Nguồn nhân lực chuyên nghiệp chăm sóc người già cũng là sự cấp bách của toàn APEC. Philippines cho biết, trong 40 năm qua là quốc gia có người lao động di cư lớn nhất khu vực, lực lượng lao động này tạo những kỹ năng hậu thuẫn cho tình trạng già hóa dân số. Việt Nam hiện có tốc độ già hóa dân số rất nhanh nhưng lại chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn. Chương trình hợp tác Việt - Nhật tập huấn và đào tạo các kỹ năng cho lao động Việt Nam tại Nhật và những người này quay về tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc người già.

Các đại biểu cho rằng, để có lực lượng lao động chăm sóc người già có trình độ chuyên môn thì cần tăng cường hợp tác xuyên biên giới và liên ngành để dễ thích ứng hơn với thế giới già hóa, chuẩn bị cho hệ thống chăm sóc dài hạn, dựa vào cộng đồng cũng như thông qua các hoạt động di chuyển quốc tế có hiệu quả hơn. "Khuyến khích vai trò cộng đồng, chính sách công tư, hợp tác dịch chuyển đa quốc gia để hỗ trợ xu hướng già hóa, giảm tổn thương lên toàn xã hội".

>>Kỳ vọng tăng lương nhờ... già hóa dân số

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế trước áp lực dân số già hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO