Nắm bắt tác lực cạnh tranh: Chìa khóa thành công của nhà quản trị

danh bùi| 06/06/2019 09:00

Nắm bắt tác lực cạnh tranh cơ bản, nhằm đưa ra chính sách phù hợp trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của bất cứ nhà quản trị nào.

Nắm bắt tác lực cạnh tranh: Chìa khóa thành công của nhà quản trị

Các tác lực cạnh tranh cơ bản có thể kể đến là cường độ cạnh tranh, nguy cơ gia nhập ngành và các tác lực khác.

Được đề xuất bởi Michael Porter - nhà hoạch định chiến lược và cạnh tranh hàng đầu thế giới, những tác lực cạnh tranh cơ bản dưới đây sẽ giúp nhà quản trị đưa ra chính sách phù hợp trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cường độ cạnh tranh 

Cường độ cạnh tranh tăng lên khi doanh nghiệp tìm ra cơ hội để cải thiện vị thế hoặc cảm nhận sức ép từ doanh nghiệp khác trong ngành. Phụ thuộc vào một số yếu tố tương tác với nhau, cường độ cạnh tranh thường biến đổi theo thời gian và cần được đánh giá một cách độc lập.

Yếu tố đầu tiên là mức độ cạnh tranh, phụ thuộc vào số lượng công ty trong ngành và quy mô hay sức mạnh tương đối của chúng.

Những ngành càng có nhiều doanh nghiệp sở hữu quy mô và sức mạnh tương đương, hoặc bao gồm một số lượng lớn doanh nghiệp, càng có xu hướng cạnh tranh nhiều hơn. Cần lưu ý, doanh nghiệp trong các ngành tăng trưởng chậm có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các ngành tăng trưởng nhanh. 

Sự đa dạng của doanh nghiệp cạnh tranh trong ngành về nguồn gốc xuất xứ, văn hóa, chiến lược kinh doanh, dẫn đến mục tiêu và phương thức cạnh tranh khác nhau, cũng tác động lên mức độ cạnh tranh. Do vậy, các ngành có doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu hoặc startup thường có phương thức cạnh tranh đa dạng, riêng biệt. 

Doanh nghiệp thương mại điện tử thường thay đổi quy tắc cạnh tranh bằng việc chú trọng nguồn doanh thu, các kênh phân phối đa dạng hoặc mô hình kinh doanh mới.

Link bài viết

Các “rào cản rút lui” bao gồm yếu tố kinh tế, chiến lược kinh doanh hoặc một lý do đặc biệt nào đó, giữ cho công ty không rời bỏ ngành, dù không sinh lợi hoặc có thể thua lỗ.

Chẳng hạn, do tài sản cố định đã đầu tư, thỏa thuận lao động đã cam kết, hợp đồng đối tác chiến lược giữa các đơn vị đã ký kết..., doanh nghiệp buộc phải chọn phương án cạnh tranh giảm tỷ suất sinh lợi.

Một yếu tố khác tác động đến cường độ cạnh tranh là tình trạng thiếu sự khác biệt hoặc chi phí chuyển đổi thấp. Chi phí chuyển đổi (switching costs) là chi phí phát sinh khi người tiêu dùng chuyển từ việc sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của công ty này sang công ty khác.

Khi chi phí chuyển đổi thấp, doanh nghiệp chịu áp lực phải thỏa mãn người tiêu dùng do họ có thể dễ dàng chuyển đổi. Nếu sản phẩm của nhiều doanh nghiệp càng tương tự nhau, khách hàng càng có khả năng chuyển đổi, dẫn đến doanh nghiệp có xu hướng cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt về giá. 

Nguy cơ gia nhập ngành 

Khả năng doanh nghiệp mới gia nhập một ngành phụ thuộc vào mức độ của “rào cản gia nhập”, thường do doanh nghiệp hiện hữu tạo ra để ngăn cản sự gia nhập của doanh nghiệp mới.

Rào cản gia nhập đầu tiên là hiệu quả kinh tế của quy mô sản xuất (economy of scale). Thông thường, chi phí sản phẩm hay dịch vụ sẽ giảm khi sản lượng tăng. Điều đó xuất phát từ nhiều yếu tố, đặc biệt đến từ sự chuyên môn hóa và năng lực của doanh nghiệp, cũng như mức chiết khấu cao theo số lượng mua. Hiệu quả kinh tế sẽ ngăn đối thủ gia nhập vì phải vận hành với quy mô lớn hoặc chịu bất lợi về chi phí của quy mô nhỏ.

Chẳng hạn, một nhà chế tạo xe hơi mới gia nhập thị trường phải chấp nhận chi phí trên đơn vị sản phẩm cao, do cần chi phí đầu tư lớn để thiết lập cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển, huấn luyện nhân viên, quảng cáo, tồn kho..., trừ phi ngay từ đầu đã có thể sản xuất số lượng lớn.

Cũng có doanh nghiệp tạo được lợi thế chi phí không liên quan tới quy mô và không bị doanh nghiệp mới gia nhập sao chép bằng sáng chế hay sở hữu công nghệ do vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao...

Link bài viết

Chính sách của chính phủ cũng kiểm soát việc gia nhập ngành nào đó (như thiết lập một bệnh viện, một hãng hàng không, công ty điện thoại, cấp nước...), thông qua yêu cầu cấp phép hoặc các quy định khác. 

Những tác lực khác

Sản phẩm thay thế là sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp trong một ngành khác nhưng thỏa mãn nhu cầu tương tự của khách hàng. Dù xuất phát từ \ngoài ngành, những sản phẩm này có thể hạn chế việc định giá của doanh nghiệp trong ngành.

Người mua sản phẩm của một ngành có thể hạ thấp tỷ suất sinh lợi của ngành đó bằng việc mặc cả để có được chất lượng cao hơn hoặc nhiều dịch vụ hơn. Sức mạnh mặc cả này tăng lên khi lượng mua chiếm tỷ trọng đáng kể so với tổng thể doanh thu ngành (như trong thị trường phụ kiện hay nguyên vật liệu); sản phẩm mua chiếm tỷ trọng đáng kể trong chi phí của người mua, hay sản phẩm mua được tiêu chuẩn hóa, ít khác biệt, không quan trọng đối với người mua.

Người mua có thể mặc cả dẫn đến cạnh tranh về giá trong những trường hợp có chi phí chuyển đổi thấp và có thể tự do thay đổi nhà cung cấp, có lợi nhuận thấp, có thông tin đầy đủ, hay có khả năng trở thành nhà cung cấp (như các hãng chế tạo xe hơi lớn sử dụng khả năng tự chế tạo như một sức mạnh mặc cả). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nắm bắt tác lực cạnh tranh: Chìa khóa thành công của nhà quản trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO