Trong quyển "Trò chơi hóa công việc: Việc đó đã tạo động lực cho con người làm các việc kỳ diệu như thế nào" của Brian Burke xuất bản năm 2014 có đề cập:
"Con người tìm cảm hứng bằng nhiều cách. Một cách để tạo động lực cho con người là cho họ những thử thách thực tế, khuyến khích họ tiến triển dần và để họ dấn thân đầy cảm xúc nhằm đạt được nỗ lực tuyệt diệu nhất từ họ. Trò chơi hóa công việc làm chính điều đó. Về bản chất, trò chơi hóa là làm con người dấn thân ở mức cảm xúc và tạo động lực cho họ chiếm lĩnh mục tiêu của mình".
Đối với chức năng quản trị nhân lực, việc áp dụng trò chơi hóa công việc được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực. Chẳng hạn, trong tuyển dụng có thể dùng trò chơi để đánh giá kỹ năng và nhân cách ứng viên. Dùng trò chơi trong tuyển dụng xem ra còn khá lạ lẫm, nhưng việc sử dụng các ứng dụng như trò Wasabi Waiter có thể thu được các chỉ số về kỹ năng khi phải làm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc và khả năng phản ứng nhanh của ứng viên.
Trò chơi này không chỉ là phương tiện để giới nhân sự đánh giá kỹ năng của ứng viên tiềm năng, mà giải pháp ít tốn kém này còn có thể cho thấy ứng viên biết hành động, đặt ưu tiên và phản ứng ra sao trước thông tin mới xuất hiện.
Link bài viết
Còn với công tác đào tạo nhân viên có thể dùng trò chơi để nâng cao chất lượng và năng suất. Trò chơi hóa cũng là phương tiện để đào tạo nhân viên hiệu quả. Công ty Tư vấn Deloitte hợp tác với Công ty Badgeville làm mới Học viện Deloitte Leadership, dùng cho chương trình đào tạo quản lý cho 10.000 quản trị viên cấp cao.
Bằng cách trò chơi hóa các chương trình phát triển khả năng lãnh đạo và tạo ra một hệ thống để người chơi được công nhận kết quả và thành tích của mình, họ đã chuyển kinh nghiệm vào một chỗ mà những người tham gia có xu hướng dấn thân nhiều hơn.
Một trường hợp trò chơi hóa khác được dùng đào tạo nhân viên là Công ty IndusGeeks All Aboard. Họ đưa nhân viên mới vào các môi trường ảo tương tự môi trường thực của công việc, qua đó cấp trên có thể đào tạo nhân viên mới và dễ dàng làm cho họ thích ứng với môi trường làm việc mới.
Với những tác động tích cực trên, chắc chắn một trong những nội dung cần "tái trang bị” cho người làm nhân sự là kỹ năng tổ chức việc "Làm mà chơi - Chơi mà làm" theo hướng trò chơi hóa. Phong trào này chưa lan đến Việt Nam, mà chỉ mới có vài nơi manh nha cách làm rất tiệm cận với hướng này.
Công ty L&A cũng có thử làm một game như vậy trong tất niên 2014 và gặt được niềm vui chung cùng nhiều dư vị của trò chơi hóa. Dù có đội thắng, đội thua nhưng ai cũng thấy tổ chức một việc lớn dưới hình thức một trò chơi thì huy động được toàn lực của từng người trong tổ chức. Điều này cho thấy việc dùng trò chơi có thể thúc đẩy cạnh tranh, tinh thần làm việc nhóm của nhân viên.
(*) Tác giả là Giám đốc R&D, Công ty Le & Associates