5 kiểu người sẽ thất bại trên con đường trở thành sếp đích thực

Doanh Doanh| 14/09/2022 03:30

Bản sắc là yếu tố làm nên một nhà lãnh đạo đích thực, và mọi người thường muốn đi theo những nhà lãnh đạo đích thực.

5 kiểu người sẽ thất bại trên con đường trở thành sếp đích thực

Bill George - nhà khoa học cấp cao thuộc Trường Kinh doanh Harvard, cựu CEO Công ty Công nghệ y tế Medtronic cho rằng, nhà quản trị chắc chắn sẽ thất bại một khi đánh mất "bản sắc", tức niềm tin, hệ giá trị và mục tiêu vững chắc của bản thân với tư cách người lãnh đạo. Theo vị chuyên gia, "bản sắc" của nhà quản trị chính là yếu tố giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn và lãnh đạo hiệu quả.

Cần biết rằng, việc đánh mất bản sắc không liên quan gì đến việc yếu kém trong năng lực tư duy của cá nhân, mà xảy ra khi người lãnh đạo bị "hớp hồn" bởi những yếu tố khác như tiền bạc, danh tiếng và quyền lực. "Bản sắc là yếu tố làm nên một nhà lãnh đạo đích thực, và mọi người thường muốn đi theo những nhà lãnh đạo đích thực", George nói.

George đã dành gần 20 năm để nghiên cứu các hình mẫu lãnh đạo thành công, bên cạnh những trường hợp thất bại trên con đường trở thành "sếp" đích thực. Và dưới đây là 5 kiểu sếp mà không ai muốn làm việc cùng, và cũng không nên trở thành, theo George.

1. Kiểu sếp thiếu khả năng tự nhận thức

Những lãnh đạo kiểu này sẽ nỗ lực không ngừng để có được vị trí tốt trong bộ máy điều hành cấp cao bằng các ý tưởng xuất sắc cũng như sự đóng góp của mình cho tổ chức. Tuy nhiên, sau khi đã ngồi vào chiếc ghế quản trị, họ lại không thể chèo lái tổ chức một cách hiệu quả vì thiếu khả năng tự nhận thức.

Sếp kiểu này không chỉ không nhận thức đúng về tính cách, cảm xúc, hành động của bản thân mà còn chật vật trong việc xác định rõ suy nghĩ của nhân viên về mình. Do thiếu khả năng tự nhận thức, sếp kiểu này cũng không thể nhìn ra điều gì "đã làm được" và "chưa làm được" trong cách thức lãnh đạo của bản thân.

Theo George, chỉ người sở hữu khả năng tự nhận thức mới có thể hiểu từng hành động của mình sẽ hỗ trợ hay làm tổn thương cấp dưới và điều bản thân có thể cải thiện để lãnh đạo hiệu quả hơn là gì.

Một ví dụ cho kiểu sếp này là Adam Neumann - nhà sáng lập, cựu CEO WeWork. Trên thực tế, Neumann vô cùng xuất sắc trong việc chinh phục nhà đầu tư với các ý tưởng táo bạo, giúp WeWork huy động được hơn 10 tỷ USD từ SoftBank. Song, Neumann lại thiếu khả năng tự nhận thức để có thể dẫn dắt tổ chức của mình một cách hiệu quả. Thay vào đó, nhà sáng lập này lại gây tác động tiêu cực đến nhân viên và đẩy WeWork lâm vào cảnh khó khăn trong giai đoạn IPO vào năm 2019 do cách quản trị thất thường của mình.

Link bài viết

2. Kiểu sếp chuyên "hợp lý hoá"

Đây là kiểu sếp luôn ra vẻ bản thân xuất sắc trong mọi việc mình làm nhưng thực tế lại là "bậc thầy của sự phủ nhận": không bao giờ nhận sai mà thay vào đó luôn hợp lý hóa hành động của bản thân bằng cách đổ lỗi cho người khác. George lấy trường hợp của Rajat Gupta - cựu đối tác quản lý của McKinsey. Trên thực tế, George và Gupta đã từng cùng làm việc trong hội đồng quản trị của 3 công ty, trong đó có Goldman Sachs vào năm 2008.

Năm 2012, Gupta bị kết án 2 năm tù sau khi tiết lộ thông tin nội bộ về khoản đầu tư trị giá 5 tỷ USD của Warren Buffett vào Goldman Sachs cho Raj Rajaratnam - nhà sáng lập Công ty quản lý quỹ đầu cơ Galleon Group. Rajaratnam sau đó đã sử dụng thông tin này để thực hiện các giao dịch nội gián, thu lợi bất chính 90 triệu USD.

Gupta khi ấy đã đổ lỗi hoàn toàn cho Rajaratnam, và nhận mình là "nạn nhân" trong vụ bê bối. Điều này cho thấy anh ấy sẽ không thể hoặc cố tình không học hỏi từ những sai lầm của mình.

3. Kiểu sếp chỉ đi tìm vinh quang

Kiểu sếp này xác định giá trị của bản thân dựa trên số tiền họ kiếm được, số bài báo tích cực về họ và số danh hiệu nổi bật mà họ có thể tích lũy. Họ ưu tiên danh tiếng và tài sản cá nhân hơn là xây dựng các tổ chức có giá trị lâu dài và không bao giờ thực sự hài lòng với những gì mình có, George nhận xét.

Một ví dụ là Greg Lindberg - nhà sáng lập Global Growth. Ban đầu, Lindberg triển khai chiến lược mua lại các doanh nghiệp bị phá sản và tăng doanh thu cho chúng. Chưa thoả mãn, ông tiếp tục mua lại các công ty bảo hiểm để hưởng lợi từ việc sở hữu tài sản vay cho các doanh nghiệp mà bản thân đang điều hành. 

Năm 2020, Lindberg bị kết án hơn 7 năm tù vì tội hối lộ và âm mưu lừa đảo qua đường dây điện tử, sau khi cố gắng hối lộ ủy viên bảo hiểm của bang Bắc Carolina để "lách luật" theo hướng có lợi cho các phi vụ của mình.

Người chỉ biết chạy theo đồng tiền bằng mọi giá là một

Người lãnh đạo chỉ xác định giá trị của bản thân dựa trên số tiền họ kiếm được sẽ dễ dàng đánh mất bản sắc và rồi đánh mất chính mình.

4. Kiểu sếp thích một mình

Người thích một mình được nhắc đến ở đây không phải người hướng nội, mà là những người thích làm mọi thứ một mình, và thường từ chối nhận lời khuyên hay phản hồi từ bất cứ ai, dù đó là nhân viên, thành viên hội đồng quản trị hay cố vấn. Kết quả, họ dễ mắc sai lầm và khiến tổ chức thất bại, George nhận xét.

Một ví dụ là Dick Fuld - cựu CEO của Lehman Brothers, ngân hàng lớn thứ 4 của Mỹ trước khi phá sản. Năm 2008, các cộng sự của Fuld cũng như Hank Paulson - Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc bấy giờ, đã nhiều lần cảnh báo ông về những rắc rối mà Lehman Brothers đang gặp phải, nói rằng ngân hàng cần được tái cấp vốn, hoặc về cơ bản thay thế khoản nợ đang gánh bằng nhiều vốn hơn. Thế nhưng, Fuld - kiểu sếp có xu hướng thích một mình, đã không lắng nghe và rồi thất bại, kéo theo việc Lehman Brothers phải đệ đơn phá sản vào năm 2008.

Link bài viết

5. Kiểu sếp "ngôi sao băng"

Theo George, những người lãnh đạo giống như sao băng chỉ hoàn toàn tập trung vào việc tiến lên phía trước. Vì vậy, kiểu sếp này, dù đã có vị trí nhất định, vẫn quyết định nhảy việc vội vàng để thăng tiến tốt hơn, hoặc chuyển đến một tổ chức khác mà không dành thời gian để học hỏi từ sai lầm của mình.

Trên thực tế, chiến lược này có thể giúp mang lại sự thăng tiến nhanh chóng, nhưng lại không phải hướng đi phù hợp để dẫn đầu. Để rồi, giống như những ngôi sao băng, kiểu sếp này cùng tổ chức của họ cũng "bốc cháy và rơi nhanh".

Một ví dụ được George đề cập để minh hoạ cho sự "vụt sáng" rồi nhanh chóng "lụi tàn" là Uber và nhà sáng lập Travis Kalanick - người đã tập trung phát triển và tăng lợi nhuận của ứng dụng gọi xe này bằng mọi giá. Điều này đã dẫn đến thành công mau chóng của công ty trong giai đoạn đầu, để rồi khiến nó thất thế chỉ sau 8 năm, do không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đến năm 2017, Uber chìm trong tranh cãi về văn hóa công sở độc hại vốn được dung dưỡng bởi Kalanick, các khiếu nại quấy rối tình dục và các nhà làm chính sách cho rằng Uber vi phạm luật giao thông. Năm đó, Kalanick đã từ chức theo yêu cầu của 5 nhà đầu tư lớn của Uber.

(Theo CNBC)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 kiểu người sẽ thất bại trên con đường trở thành sếp đích thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO