Trong khi năng lực còn hạn chế, bối cảnh phát triển còn nhiều khó khăn, áp dụng các tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng cao từ phía ngân hàng khiến đa số doanh nghiệp (DN) tư nhân khó vay vốn hơn. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi cùng Doanh Nhân Sài Gòn về giải pháp tháo gỡ những bất cập ấy.
Ông Đậu Anh Tuấn |
* Báo cáo PCI 2022 cho thấy, tỷ lệ DN tư nhân có khoản vay tín dụng giảm, theo ông là vì sao?
- Đa số DN Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khi tiếp cận tín dụng ngân hàng thường gặp phải những vấn đề như lãi suất cao và hạn chế bởi hạn mức. Năm 2022, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng mạnh, nhiều lúc lên tới 13-15%/năm, DN không thể đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Trần hạn mức tín dụng của nhiều ngân hàng cuối năm 2022 bị giới hạn cũng khiến nhiều DN không thể tiếp cận được vốn vay.
Thiếu tài sản thế chấp là khó khăn điển hình nhất đối với DN tư nhân. Khoảng 80% không vay được vốn vì lý do này. Các ngân hàng thường yêu cầu thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhưng theo khảo sát PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) thì tỷ lệ DN tư nhân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ khoảng 50%, giá trị bất động sản thường nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu.
Hệ thống báo cáo tài chính của DN tư nhân nhìn chung còn thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khó xác minh. Khó khăn về quản trị dòng tiền, cùng với lãi suất tăng, nhiều DN có kết quả kinh doanh không như kỳ vọng cũng làm giảm khả năng chứng minh năng lực với các tổ chức tín dụng. Phương án kinh doanh của nhiều DN chưa đủ thuyết phục, thiếu khả thi, không thể hiện rõ được khả năng sinh lợi nhuận bền vững, trong khi quy trình cho vay đòi hỏi nhiều văn bản, giấy tờ, thủ tục gây mất thời gian và chi phí.
Yêu cầu của ngân hàng về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và chứng minh hiệu quả vượt quá khả năng của nhiều DN, nhất là với DN siêu nhỏ và nhỏ. Các tổ chức tín dụng đã chú trọng áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn ngân hàng đặt ra khi cho vay ngày càng cao về tính minh bạch thông tin, báo cáo tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Sản phẩm tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa còn chưa phong phú, bởi luôn có số lượng đáng kể DN không tìm được sản phẩm tín dụng phù hợp, do đó cũng không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
* Vậy theo ông, làm thế nào để DN tư nhân tiếp cận vốn thuận lợi trong khi ngân hàng vẫn đảm bảo an toàn tín dụng?
- Theo tôi, cần tăng cường kết nối ngân hàng với DN để hai bên cùng lắng nghe khó khăn của nhau và tìm phương án vay và cho vay hợp lý. Các ngân hàng cần có những gói tín dụng chuyên biệt phù hợp dành cho DN tư nhân tiếp cận thuận lợi ở những nhóm ngành có triển vọng phục hồi, phát triển tốt, ít rủi ro, đảm bảo được an toàn tín dụng.
Cần minh bạch các điều kiện tiếp cận tín dụng (quy định, quy chế cho vay, hỗ trợ lãi suất...) để loại bỏ tâm lý e ngại của DN khi muốn vay vốn, bởi khả năng bị gây phiền hà ở khâu hậu kiểm.Các địa phương cần thực hiện tốt vai trò hỗ trợ DN thông qua tổ chức tập huấn, đào tạo về quản trị kinh doanh, kế toán, thuế, tổ chức chương trình kết nối DN qua chuỗi giá trị, các mô hình hỗ trợ khác theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
* Có ý kiến cho rằng, điều kiện tiếp cận tín dụng đối với DN tư nhân nhỏ bất lợi hơn so với DN lớn, DN nhà nước. Đó có phải là cách đối xử bất bình đẳng, thưa ông?
- Kết quả khảo sát PCI 2022 ghi nhận khoảng 58,7% DN tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng do bị áp đặt các điều kiện bất lợi, tăng mạnh từ 41,8% của năm 2021. Nguyên nhân không loại trừ có đối xử bất bình đẳng. Thực tế cho thấy, trong tiếp cận tín dụng, DN tư nhân nhỏ luôn yếu thế so với DN lớn, DN nhà nước. DN lớn thường được các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay do có ưu thế về tài sản, có quan hệ từ lâu với ngân hàng.
DN nhà nước có lợi thế là ngoài tài sản đảm bảo, các ngân hàng còn có tâm lý an toàn hơn vì có bảo lãnh của Nhà nước. DN lớn có khả năng huy động vốn từ kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu, song tỷ lệ huy động vốn trên thị trường chứng khoán chưa nhiều, một tỷ trọng lớn vốn tín dụng ngân hàng vẫn dành cho DN lớn.
Giải pháp cho vấn đề này, theo tôi cần ưu tiên khơi thông việc tiếp cận vốn cho DN qua thị trường chứng khoán, kênh trái phiếu bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu và thị trường nói chung cũng rất quan trọng, cần tránh những cú sốc bất lợi khiến nhà đầu tư rời khỏi thị trường.
* Khảo sát PCI 2022 cho thấy, tỷ lệ DN tư nhân nhận được khoản vay từ gói hỗ trợ lãi suất 2% rất thấp. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi và hiệu quả triển khai gói hỗ trợ này?
- Gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô giá trị 40.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022 và 2023. Khi triển khai, tỷ lệ DN tư nhân biết đến còn thấp (29,5%) và chỉ khoảng 2% DN tư nhân tiếp cận được nguồn vốn này.
Khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng (74,8% DN gặp phải). Theo phản ánh của nhiều DN và ngân hàng thương mại, tiêu chí "có khả năng phục hồi" (quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ) chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện. Dù nhiều DN có khả năng trả nợ nhưng cũng không chắc chắn đáp ứng được tiêu chí "có khả năng phục hồi". Muốn đáp ứng được tiêu chí này khi vay, nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường của DN đều phải tích cực.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn, việc đo lường các chỉ tiêu nêu trên và chứng minh đáp ứng được yêu cầu là một thách thức rất lớn với DN. Nhiều DN còn e ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận khoản hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, có khoảng 12% DN cho biết lo ngại sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, một số DN cho rằng thời hạn cho vay ngắn.
Theo tôi, cần xem xét lại các điều kiện cho vay đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, làm rõ tiêu chí "có khả năng phục hồi", minh bạch hóa các điều khoản cho vay để loại bỏ tâm lý e ngại của DN khi tiếp cận gói hỗ trợ. Tăng cường truyền thông để nhiều DN biết đến gói hỗ trợ và hỗ trợ DN cách thức làm hồ sơ trong quá trình tiếp cận khoản vay. Về phía DN, cần nỗ lực nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh.
* Cảm ơn ông!