Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, quê tôi khá rộng, tên xã là Tán Thuật. Sau hòa bình (1954) xã Tán Thuật chia làm xã Quảng Đức và xã Quảng Phong. Tuy phân chia địa giới hành chính làm hai nhưng nghề tre đan thì gắn kết thành làng nghề theo đúng nghĩa của từ này. Xin liệt kê mấy nghề nổi tiếng: Đan thúng (mủng), rổ, rá, dần, sàng, nong, nia, dậm, lừ (lời), lồng bàn, dỏ đựng bình tích ủ chè xanh.
Thời còn Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV 1949 -1991) của các nước xã hội chủ nghĩa, ngành lâm sản cử chuyên gia về tổ chức dạy cho bà con nông dân quê tôi sản xuất một số sản phẩm mỹ nghệ từ tre đan làm hàng xuất khẩu. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã làm cho nghề làm đồ mỹ nghệ mới khởi sắc tan rã theo, tuy nhiên nghề tre đan truyền thống phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp thì vẫn duy trì cho tới ngày nay.
Nghề tre đan phụ thuộc vào truyền thống của từng làng vốn được tạo dựng từ xa xưa. Làng Xuân Uyên, Chính Trung (Quảng Phong) cận quốc lộ 1A, ngoài đan thúng, nhiều hộ chuyên đan lồng bàn, ấm dỏ rất tinh xảo. Theo tôi biết, lồng bàn và ấm dỏ ở Việt Nam không nơi nào có được ngoài làng Xuân Uyên và Chính Trung.
Làng Thần Cốc (Quảng Đức) nằm sát vùng đồng trũng lại hình thành nghề đan lừ - dụng cụ dùng bắt cá đồng. Làng Tiền Thịnh, Quang Tiền, Hà Trung, Phú Đa (Quảng Đức) chuyên đan thúng. Riêng xóm Trang của làng Quang Tiền còn thêm nghề đan dậm - dụng cụ bắt tép đồng.
Từ sau rằm tháng Giêng đến giữa tháng Tư âm lịch và các tháng mùa mưa là thời gian nông nhàn, nhà nhà tập trung đan lát. Người cao tuổi thì quét lá tre, gom trấu nhóm lò hong phên đan, hong nạp, đảm bảo độ bền của thúng, mủng, dần, sàng. Trẻ con đi học về thì ngồi nức thúng, nức mủng hoặc luồn nan rốt.
Đàn ông khỏe mạnh ngoài đốn tre, bứt mây trong vườn nhà còn phải lên Cầu Bố, Cầu Cốc, Bến Than mua nứa đem về làm nguyên liệu đan. Đàn ông còn phải pha tre, chẻ nứa, róc nạp, uốn nạp... Phụ nữ thì ngồi đan, nức mây. Nói chung, ai cũng có việc làm thích hợp từ nghề tre đan.
Cách nay ba thập niên, thời kỳ bao cấp, hạt thóc làm ra cùng lúc phải cõng hàng chục khoản đóng góp, sau vụ mùa vài tháng, cả xóm lại đôn đáo chạy gạo ăn. Trong hoàn cảnh ấy, nghề tre đan của xã Quảng Đức, Quảng Phong đã cứu đói cho hàng trăm nông hộ. Nhà nhà, người người đan lát rồi chuyển sản phẩm lên tàu lửa đưa ra bán ở các tỉnh phía Bắc.
Những gia đình không phải chạy gạo cũng vẫn bám lấy nghề tre đan. Họ huy động lao động trong gia đình vừa để duy trì nghề đan lát, vừa tạo ra lượng sản phẩm dồi dào nhưng không vội đưa ra thị trường mà giữ lại chờ vào mùa thu hoạch lúa sẽ có thương lái từ các tỉnh đến thu gom, giá vừa cao lại hút hàng.
Để đan được một sản phẩm như nói trên, nghề tre đan phải cần nguyên liệu như tre, nứa, mây... Xưa kia, quanh bờ ao, bờ vườn nhà nào cũng trồng dăm ba bụi tre, bụi mây. Nứa thì rừng xứ Thanh nhiều không đâu sánh nổi.
Thợ sơn tràng chuyên khai thác gỗ, tre, nứa, mây và nhiều loại lâm sản khác coi sông Mã lắm thác ghềnh là tuyến đường huyết mạch vận chuyển tài nguyên về xuôi, tập kết ở bến Cầu Cốc, Bến Than rồi bán đi khắm nơi, trong đó có một phần bán cho người quê tôi đan lát.
Gíá nguyên liệu tre, nứa, mây từ rừng đưa về tương đối rẻ nên sản phẩm tre đan vì thế cũng không cao. Vào thập niên 1990, giá bán một "lồng thúng" (hai chiếc) chừng 7.000 đồng, lồng thúng ba chiếc giá 9.000 đồng. Một chiếc lồng bàn đường kính 0,8 mét vừa bền vừa đẹp, có hoa văn của người thợ tài hoa tạo ra chỉ bán được 12.000 đồng.
Giá rẻ là vậy, nhưng để có những sản phẩm tinh xảo như ấm dỏ, lồng bàn ánh màu khói như màu véc ni, người ta phải đắp lò đất hình trụ, băm nhỏ rơm rạ, lá cây khô nén chặt mồi lửa lấy khói hong. Sản phẩm được xếp trên mặt lò, nhờ khói âm ỷ mà ươm vàng, mối mọt không ăn được.
Ngày nay do nạn phá rừng nên cây nứa, cây mây theo đường sông Mã xuôi về cạn kiệt dần, trong khi đất vườn trồng tre, trồng mây gần như bị xoá sổ vì dân số ngày càng đông, không đủ đất cất nhà lấy đâu đất trồng cây lưu niên.
Đi kèm với nguồn nguyên liệu cạn kiệt, lực lượng thanh niên ly nông vào các khu công nghiệp ở mọi miền đất nước cộng với sự "lên ngôi" của các loại dụng cụ đựng sản phẩm nông nghiệp và đồ gia dụng được sản xuất từ nhựa, nhôm đang dần thay thế đồ tre đan đã làm nghề tre đan quê tôi thu hẹp trên 80% so với cách nay nửa thế kỷ. Thế nhưng, nhiều gia đình làm nghề đan ấm dỏ, lồng bàn, đan thúng, đan lừ vẫn duy trì công việc và truyền nghề cho con cháu.
Ông Nguyễn Văn Quyền ở thôn Xuân Uyên (Quảng Phong) tâm sự: "Gia đình tôi có sáu nhân khẩu nhưng chỉ được một sào rưỡi đất sản xuất, hằng năm thu chừng 1 tấn lúa, không đủ sống. Vì thế, gia đình tôi phải bám lấy nghề đan thúng, đan mủng như các cụ xưa".
Hai con đi làm công nhân, hai vợ chồng ông Quyền ở nhà vừa lo làm lúa, nuôi heo kết hợp đan lát. Cứ 7 ngày vợ chồng ông đan được 10 lồng thúng cặp đôi, năm 2018 giá bán 80.000 đồng/cặp, trừ chi phí, lãi 50%. Hiện nay thôn Xuân Uyên có 170 hộ canh tác 35ha lúa, nhưng chỉ có 40 hộ duy trì nghề tre đan.
Bà Đỗ Thị Hiệp người làng Thần Cốc có nghề đan lừ, lấy chồng về làng Hà Trung mang theo nghề về quê chồng. Suốt hơn nửa thế kỷ, nay bà có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn miệt mài đan lừ, lại còn chỉ dạy các con, các cháu giữ nghề. Từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, gia đình bà Hiệp tập trung đan lừ. Nghỉ đan lừ, bà và các con, các cháu chuyển sang đan thúng.
Bà Hiệp tính toán, một ngày hai lao động của gia đình đan được 10 cái lừ, nguyên liệu hết 10.000 đồng, mỗi lừ lãi 5.000 đồng. Nhờ có nghề đan lát nên bà không phải đem lúa bán lấy tiền đóng học phí cho các cháu và chi phí hằng ngày trong gia đình. Bà Hiệp tâm sự: "Chục năm trước, nhà tôi nghèo nhất làng, nay nhờ con dâu đi làm ngoài khu công nghiệp Lễ Môn, mẹ con tôi ở nhà vừa làm ruộng vừa đan lát nên đã xóa được nghèo, lại xây được ngôi nhà vừa to vừa đẹp".
Hơn nửa thế kỷ xa quê, mỗi khi có dịp trở về, lòng tôi nao nao thương quê nghèo âm thầm giữ được nghề tre đan...