Văn hóa doanh nghiệp

Giữ gìn khẩu nghiệp trong thế giới số

Nhan Húc Quân (*) 09/02/2025 07:00

Trong cả triết học phương Đông và phương Tây, lời nói có một sức mạnh to lớn, có thể nâng đỡ con người nhưng cũng có thể đẩy họ vào khổ đau. Phật giáo nhấn mạnh "khẩu nghiệp" như một trong những yếu tố quyết định nhân quả của đời người.

Sự phát triển của mạng xã hội càng khiến lời nói trở thành con dao hai lưỡi. Chỉ với một cú nhấp chuột, một phát ngôn có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, mang lại hệ quả không thể lường trước. Do đó, để giữ gìn đạo đức trong phát ngôn, mỗi cá nhân cần có ý thức trách nhiệm cao với lời nói của mình.

loi-noi.png

Những nguyên tắc đạo đức trong phát ngôn

1. Chân thật nhưng không làm tổn thương

Trong Kinh Thánh, Ê-phê-sô 4:15 khuyên: "Hãy lấy lòng yêu thương mà nói ra sự thật".

Phật giáo dạy về "Chánh ngữ" - nghĩa là nói lời chân thật, nhưng chân thật không có nghĩa là vô tâm. Một sự thật tàn nhẫn có thể làm tổn thương người khác không kém gì một lời dối trá.

Khi đưa ra nhận xét hoặc bình luận trên mạng xã hội, hãy suy xét xem lời nói của mình có thật sự cần thiết hay không. Nếu sự thật có thể gây tổn thương, hãy chọn cách diễn đạt phù hợp hơn.

2. Không nói lời gây chia rẽ, kích động

Phật giáo gọi đây là "ly gián ngữ", tức là những lời nói gieo rắc mâu thuẫn, làm sứt mẻ tình cảm giữa người với người. Trong Kinh Thánh, châm ngôn 16:28 cũng dạy: "Người gièm pha gây chia rẽ bạn hữu”.

Không chia sẻ tin tức giật gân, chưa được kiểm chứng. Hạn chế tranh luận gay gắt chỉ để chứng tỏ mình đúng.

3. Không nói lời thô tục, mắng chửi, xúc phạm

Những lời thô bạo không chỉ làm tổn thương người khác mà còn tạo ra năng lượng tiêu cực, ảnh hưởng đến chính người nói. Trong Kinh Thánh, Cô-lô-se 3:8 khuyên: "Hãy từ bỏ những lời thô tục ra khỏi miệng anh em".

Tránh sử dụng ngôn từ tiêu cực, ngay cả khi đối diện với sự bất đồng. Nếu cần góp ý, hãy chọn cách nói từ tốn, ôn hòa, mang tính xây dựng.

4. Không nói lời vu khống, xuyên tạc, dối trá

Lời nói dối, đặc biệt là trên mạng xã hội, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Phật giáo gọi đây là "vọng ngữ" - một trong năm giới cấm cơ bản. Trong Kinh Thánh, Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16 dạy: "Chớ làm chứng dối".

Trước khi chia sẻ một thông tin nào đó, hãy kiểm chứng nguồn gốc. Nếu không chắc chắn, tốt nhất không nên phát tán.

5. Không phán xét vội vàng, không phát ngôn trong lúc nóng giận

Người xưa có câu: "Giận quá mất khôn". Một lời nói trong lúc giận dữ có thể phá hủy mối quan hệ lâu dài. Phật giáo dạy rằng giận dữ là một trong những nguồn gốc của đau khổ. Trong Kinh Thánh, Gia-cơ 1:19 dạy: "Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm giận".

Khi cảm thấy tức giận, hãy tạm dừng và suy nghĩ trước khi phát ngôn. Hãy thay đổi môi trường giúp làm dịu cảm xúc.

6. Không nói lời khoe khoang, tự phụ

Sự kiêu ngạo trong lời nói có thể làm mất đi giá trị của chính người nói. Phật giáo khuyên nên nói lời khiêm nhường, tránh khoe khoang công đức. Trong Kinh Thánh, Châm ngôn 27:2 dạy: "Hãy để người khác ca ngợi con, chứ đừng để chính miệng con làm điều đó".

Thay vì khoe khoang về thành công của mình, hãy để hành động chứng minh giá trị của bản thân.

7. Nói lời khích lệ, xây dựng, mang lại giá trị

Một lời nói tích cực có thể làm thay đổi cuộc đời của một người. Phật giáo dạy về "ái ngữ", tức là lời nói có lòng từ bi. Trong Kinh Thánh, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11 khuyên: "Hãy khích lệ nhau và xây dựng nhau".

Khi giao tiếp, hãy tìm cách truyền động lực, tạo cảm hứng cho người khác thay vì chỉ trích, làm họ mất tinh thần.

Trong thời đại số, phát ngôn trên mạng xã hội có ảnh hưởng không kém gì phát ngôn ngoài đời thực. Vì vậy, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

  1. Kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ: Không trở thành công cụ lan truyền tin giả.
  2. Tôn trọng quan điểm khác biệt: Tránh tranh cãi vô ích, đặc biệt trên mạng xã hội.
  3. Không dùng lời nói để thao túng người khác: Đừng lợi dụng truyền thông để gây ảnh hưởng sai lệch về tư duy và hành vi nơi người khác.
  4. Học cách lắng nghe: Một người có trí tuệ không chỉ biết nói mà còn biết lắng nghe.

Lời nói có thể tạo ra phước báu nhưng cũng có thể gây ra nghiệp chướng. Giữ gìn khẩu nghiệp không chỉ giúp ta duy trì hình ảnh cá nhân mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái. Trong thế giới hiện đại, nơi mà mạng xã hội trở thành vũ khí hai lưỡi, mỗi người cần thận trọng trong từng câu chữ mình nói ra.

Cổ nhân dạy: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, nhấn mạnh sự cần thiết trong cẩn trọng trong lời nói. Bởi lẽ, lời nói không chỉ phản ảnh trí tuệ mà còn bộc lộ nhân cách của một con người. Người khôn ngoan biết khi nào lên tiếng và khi nào cần im lặng. Đôi khi, giữ lời cũng chính là giữ hòa khí cho cuộc đời.

(*) Tổng giám đốc Công ty New Toyo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ gìn khẩu nghiệp trong thế giới số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO