Giới quan sát chờ đợi gì từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung?
Ngày 15/11 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh, ngay trước thềm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco. Mục đích nhằm giảm căng thẳng trên hàng loạt lĩnh vực.
Đối đầu Mỹ - Trung được nhiều người xem là sự cạnh tranh nguy hiểm nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Các lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu toàn cầu đã biết nhau trong vài thập kỷ và chia sẻ nhiều giờ nói chuyện, trong 6 lần tương tác cả trực tuyến lẫn trực tiếp, từ khi ông Biden nhậm chức tháng 1/2021. Trước chuyến đi tới San Francisco, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần cuối thăm Hoa Kỳ vào năm 2017, dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Những vấn đề có thể thảo luận tại cuộc gặp
Nhà Trắng cho biết, mục đích của hội nghị thượng đỉnh San Francisco, để trao đổi thẳng thắn hàng loạt lĩnh vực, dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, nhằm ngăn chặn nguy cơ căng thẳng chuyển sang xung đột. Các lĩnh vực ưu tiên trong lịch trình đàm phán gồm quan hệ kinh tế, thương mại công bằng, trí tuệ nhân tạo, Đài Loan, xung đột Ukraine và bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Biden dự kiến nói với người đồng cấp từ bên kia đại dương rằng, Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng đồng minh ở châu Á, để bảo vệ môi trường ổn định tại eo biển Đài Loan, hành lang biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoài ra, Hoa Kỳ giữ vững cam kết trong thỏa thuận đã ký về an ninh với Philippines.
Trên mặt trận kinh tế, Hoa Kỳ kiên quyết phản đối tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, trợ cấp quá nhiều cho doanh nghiệp quốc doanh dẫn đến lũng đoạn thị trường, và tình trạng bất cân xứng trong thương mại hai chiều.
Những tín hiệu tích cực hai bên có thể đạt được sau cuộc gặp
Nhà Trắng cho biết, Washington hy vọng đạt được kết quả cụ thể, và thấy được tiến bộ trong quá trình hàn gắn quan hệ quân sự với Trung Quốc.
Bên cạnh đó là hợp tác chống buôn bán thuốc phiện tổng hợp fentanyl, vốn đã trở thành một vấn nạn ở Hoa Kỳ. Phần lớn fentanyl ở Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, bất kỳ thỏa thuận nào về fentanyl, đồng nghĩa với việc Washington cần dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt liên quan đến nhân quyền của cường quốc số một châu Á.
Về bầu cử ở Đài Loan đầu năm 2024, các nhà phân tích dự đoán, Trung Quốc muốn nhận được sự đảm bảo từ Mỹ, rằng Washington không khuyến khích phe ủng hộ độc lập.
Về cuộc chiến thuế quan, Chủ tịch Trung Quốc sẽ thuyết phục phía Mỹ giảm bớt thuế và nới lỏng kiểm soát xuất khẩu, để duy trì lượng chất bán dẫn tiên tiến được gửi đến Trung Quốc một cách bình thường. Thời gian qua, Hoa Kỳ liên tục siết chặt quy định, nhằm hạn chế chip tiên tiến, công cụ sản xuất chip tiên tiến và công nghệ sản xuất chip tiên tiến được chuyển đến Trung Quốc.
Trong bữa tối riêng với các lãnh đạo doanh nghiệp, Chủ tịch Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư đang suy yếu của Mỹ vào đất nước tỷ dân. Ngoài ra, ông cũng thuyết phục các doanh nghiệp không rút vốn hay rời đi.
Các lãnh đạo cũng dự kiến nêu bật kế hoạch tăng số lượng chuyến bay thương mại giữa hai nước. Song song đó, hai bên có thể nới lỏng hạn chế đối với thị thực của nhà báo. Điều này được dự đoán có lợi cho cả hai.
Tổng thống Biden cũng sẽ thúc giục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran, để ngăn các nhóm thân Tehran không mở rộng xung đột ở Trung Đông.
Môt số chuyên gia nhận định, hai bên có thể đạt được bước tiến tích cực, nhưng viễn cảnh suy nghĩ về nhau theo hướng tốt hơn, có lẽ vẫn còn xa.
Hai bên vẫn đang trong thời kỳ cạnh tranh. Căng thẳng sẽ tiếp tục kéo dài. Sẽ không có đột phá lớn nào. Sẽ không có bất kỳ sự thay đổi về bản chất nào. Khác biệt mang tính hệ thống là quá rộng. Có chăng hai bên sẽ điều chỉnh phản ứng, để kiểm soát mâu thuẫn tốt hơn, không làm cho tình hình đi quá giới hạn. Nói chung tôi cho rằng, những lĩnh vực hai bên có thể đồng thuận, là khá ít so với lĩnh vực còn khác biệt.
Ông Richard Fontaine, chuyên gia phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington (Washington's Center for a New American Security).
Cuộc gặp sẽ tác động đến thị trường như thế nào?
Một số nhà quan sát đánh giá, cuộc gặp sẽ tác động tích cực đến thị trường trong ngắn hạn. Ví dụ thị trường vàng, ngoại hối và dầu mỏ. Giảm căng thẳng Mỹ - Trung, nhà đầu tư giảm bất an, giảm tìm đến tài sản an toàn như vàng hay USD. Các quốc gia thứ 3 như ở Đông Nam Á, sẽ đón nhận tích cực về cuộc gặp này, với hy vọng đối đầu hạ nhiệt. Điều đó giúp ASEAN nhận vốn đầu tư từ 2 phía dễ dàng hơn.
21 thành viên APEC cũng hy vọng căng thẳng Mỹ - Trung giảm bớt. Lý do không chỉ có lợi về hợp tác kinh tế, ổn định địa chính trị, mà còn góp phần tích cực vào việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, như biến đổi khí hậu. Hiện nay Mỹ - Trung là hai quốc gia xả thải khí carbon nhiều nhất hành tinh.