Hội thảo do Đại học Nguyễn Tất Thành, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Công ty CP Green+ phối hợp tổ chức. Theo lời TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Tất Thành, khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và đối với các trường đại học về cơ bản không thể thực hiện đơn lẻ, mà phải tạo ra sự thay đổi, sự lan tỏa và hơn hết là phải kiến tạo hệ sinh thái liên quan, từ đó hình thành và thúc đẩy các giá trị văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để trường đại học đạt được sứ mệnh hoạt động của nhà trường.
Trải qua 24 năm kiến tạo và phát triển, Đại học Nguyễn Tất Thành đã đạt được nhiều thành tựu về đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Đại học Nguyễn Tất Thành hướng đến trở thành đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cũng như có sức cạnh tranh cao cho thị trường lao động; qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, thậm chí vươn xa tầm khu vực.
TS. Trần Ái Cầm chia sẻ tại hội thảo |
TS. Trần Ái Cầm khẳng định, Đại học Nguyễn Tất Thành cam kết luôn ưu tiên đầu tư, cũng như kiến tạo môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia vào nghiên cứu các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động đổi mới sáng tạo và dành nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án có tính khả thi, hiệu quả.
"Giáo dục để nuôi dưỡng và phát triển tinh thần khởi nghiệp", TS. Cầm nhấn mạnh. "Môi trường kinh doanh tại trường đại học là những yếu tố chính yếu quyết định đến các ý định và hoạt động kinh doanh của sinh viên. Đây cũng là một trong những sứ mệnh quan trọng mà Đại học Nguyễn Tất Thành đã, đang hướng đến".
TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, vai trò của nhà trường là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo là người dám tiên phong sự thay đổi, hoạch định sự phát triển của nhà trường, xây dựng cơ chế thu hút và phát triển nguồn lực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần và duy trì sự phát triển bền vững của mô hình đổi mới sáng tạo trong nhà trường, thúc đẩy sự phát triển của tri thức khoa học, kỹ thuật thông qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức khoa học và công nghệ, thể hiện tiềm năng của Việt Nam và kêu gọi nguồn lực quốc tế.
Bạn Huỳnh Quý Nguyệt - cựu sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ về quá trình khởi nghiệp |
Còn theo lời TS. Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (VSMA), lãnh đạo các trường đại học cần trang bị tư duy đổi mới sáng tạo, thích nghi sự thay đổi trong môi trường giáo dục cạnh tranh, từ đó giúp tìm ra các giải pháp mới, cách tiếp cận mới, sản phẩm mới, đồng thời giúp phát triển phương pháp, chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao nhằm đáp ứng nhu cầu sinh viên, doanh nghiệp và các tổ chức tuyển dụng.
Hay nói cách khác, việc trang bị tư duy đổi mới sáng tạo sẽ giúp lãnh đạo trường đại học tìm ra các giải pháp, phương pháp mới nhằm tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, xây dựng mô hình tổ chức hoạt động hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Từ đó giúp giải quyết các vấn đề phức tạp, tìm cách tiếp cận mới, đặt ra mục tiêu và tìm kiếm giải pháp, nguồn lực để thực hiện, đáp ứng nhu cầu của thế giới đang thay đổi từng ngày từng giờ, giúp cho việc phát triển bền vững trong tương lai.
Đối với việc quản trị đổi mới sáng tạo, TS. Thắng cũng đưa ra khuyến nghị rằng các trường nên tạo ra môi trường sáng tạo (khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, đón nhận và khuyến khích các ý tưởng mới); thúc đẩy tư duy sáng tạo (tổ chức các hoạt động đào tạo, tọa đàm, các hoạt động đổi mới sáng tạo cho giảng viên và sinh viên); quản lý các dự án đổi mới sáng tạo (thúc đẩy nghiên cứu các dự án đổi mới sáng tạo theo hướng thị trường, xây dựng các mô hình thương mại hóa công nghệ, các doanh nghiệp khởi nguồn); tạo ra liên kết đổi mới sáng tạo (tăng cường liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các cầu phần trong hệ sinh thái như doanh nghiệp, nhà đầu tư, các mạng lưới trong và ngoài nước nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm); đánh giá và quản lý đổi mới sáng tạo (đánh giá và đo lường các hoạt động đổi mới sáng tạo, đo lường hiệu quả và thành công của các hoạt động, dự án đổi mới sáng tạo).
Chia sẻ tại hội thảo, bạn Huỳnh Quý Nguyệt - Sáng lập viên, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ bền vững Sofa, cựu sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, khi mới bắt đầu khởi nghiệp thì gặp khó khăn trong khâu tiếp cận thị trường, đánh giá rủi ro dự án, và hoạch định tài chính, vì thế việc được hỗ trợ về kinh nghiệm khởi nghiệp và tham gia các chương trình khởi nghiệp ngay từ nhà trường là vô cùng cần thiết.
"Việc khởi nghiệp phải từ từ, không thể nóng vội, đặc biệt cần rất nhiều sự hỗ trợ từ phía các thầy cô. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động khởi nghiệp trong phạm vi nhà trường chắc chắn sẽ giúp sinh viên có kiến thức và kinh nghiệm để bắt đầu triển khai dự án ở quy mô lớn hơn từ các ý tưởng ban đầu", bạn Huỳnh Quý Nguyệt cho biết.