Sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Cần Thơ chiến thắng cuộc thi đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects

PV| 26/03/2023 07:48

Vòng chung kết và trưng bày sản phẩm cuộc thi "Dự án Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects" vừa diễn ra tại TP.HCM. Trong đó, dự án của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ giành chiến thắng.

Sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Cần Thơ chiến thắng cuộc thi đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy Hợp tác Trường Đại học và Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ” (gọi tắt là BUILDIT), do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện bởi Đại học Bang Arizona và Chương trình STEM của Dow Việt Nam.

7 đội thi của 37 sinh viên trình bày về dự án nguyên mẫu theo đề xuất của doanh nghiệp trước các sinh viên, giảng viên và các đại diện doanh nghiệp trên khắp Việt Nam. Trong chương trình eProjects được điều phối bởi BUILD-IT, các sinh viên, giảng viên và cố vấn từ Dow Việt Nam, Rockwell Automation, First Solar, Benkon và Gcalls, sinh viên đã phát triển các giải pháp độc đáo để giải quyết các thách thức về xử lý nước, giao thông vận tải, dịch vụ khách hàng, quy trình tái chế, thiết kế khuôn mẫu, du lịch, và đánh giá học tập số.

Kết quả giải thưởng của vòng chung kết thuộc về 3 dự án của 2 đổi tuyển thuộc Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM và 1 đội tuyển thuộc Trường ĐH Cần Thơ.

Dự án Ứng dụng Vận hành ảo và trình diễn máy của đội tuyển sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM dưới sự hướng dẫn của công ty Rockwell giành Giải thưởng poster trưng bày được khán giả bình chọn và Giải thưởng cho đội làm việc nhóm hiệu quả nhất. Huỳnh Tấn Ánh - thành viên nhóm cho biết: Ứng dụng Vận hành ảo (Virtual Commission) và trình diễn máy cho phép phát hiện sớm sự khác biệt giữa thiết kế hệ thống và hệ thống trong hoạt động thực tế, giúp giảm đáng kể rủi ro lỗi sau này trong quá trình phát triển. Emulate3D là một công cụ thiết kế ảo có thể đáp ứng được vấn đề được đề cập ở trên. Nó được sử dụng để minh họa bất kỳ hệ thống chuyển động thực tế (băng chuyền, dây chuyền lắp ráp robot, bãi đỗ xe di chuyển,...). Mục đích của dự án là phát triển một nguyên mẫu hệ thống có thể chạy trong môi trường ảo, sử dụng các thiết bị cho phép lập trình thực hiện các thuật toán điều khiển logic thực (Programmable logic controller - PLC) và các chương trình điều khiển robot.

-8383-1679827113.jpg

Dự án “Hệ thống xử lý nước trong nuôi tôm” của đội tuyển sinh viên đến từ Trường ĐH Cần Thơ đạt giải Giải pháp hiệu quả nhất và Phần trình bày xuất sắc nhất.

Giải thưởng poster trưng bày được hội đồng giám khảo bình chọn thuộc về Dự án First Solar của đội tuyển sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, dưới sự hướng dẫn của công ty First Solar. Nói về ý tưởng của đề tài, đại diện nhóm cho biết: “Với mục tiêu luôn hướng tới sự an toàn và phát triển bền vững của xã hội, First Solar tập trung vào việc có thể duy trì chu kỳ kinh tế một cách hiệu quả nhất và điều đó đến từ cách họ tái chế sản phẩm của họ một cách triệt để.

Dự án nhằm xây dựng và tính toán tổng chi phí mô hình phòng thí nghiệm để xử lý thu hồi kim loại từ một lít nước thải của nhà máy. Tuy chỉ là mục tiêu nhỏ là xử lý nước thải quy mô phòng thí nghiệm nhưng dự án này là tiền đề tốt để nhà máy có thể xử lý nguồn nước thải lớn trong tương lai”.

Dự án “Hệ thống xử lý nước trong nuôi tôm” của đội tuyển sinh viên đến từ Trường ĐH Cần Thơ đạt giải Giải pháp hiệu quả nhất và Phần trình bày xuất sắc nhất. Nói về ý tưởng của dự án, một thành viên của nhóm cho biết: “Hiện nay, tại các vùng nuôi tôm trên cả nước, việc xử lý nước đầu vào và nước thải nuôi tôm đều phải sử dụng một lượng lớn hóa chất thuốc tím (pemanganat) hoặc clo (Chlorine) để khử trùng và diệt vi sinh vật gây hại cho tôm nên môi trường ngày càng ô nhiễm và độc hại cho con người. Bên cạnh đó, chi phí để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn trong trang trại nuôi tôm lên đến hơn 2.000 đồng/m3. Nhóm đề xuất dự án “Hệ thống xử lý nước trong nuôi tôm” nhằm thay thế việc sử dụng thuốc tím (pemanganat) hoặc clo (Clo) bằng phương pháp điện hóa – siêu âm kết hợp với sục khí ozone nhằm giảm tác hại của hóa chất đối với môi trường và con người, cũng như giảm chi phí trong sản xuất.

Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ điện hóa nước biển để tạo ra dung dịch nước muối điện phân (nước anolyte), sau đó thông qua thiết bị siêu âm có công suất 150W hoạt động ở tần số 26kHz để tạo ra các bọt khí siêu nhỏ (nanobubbles) tiêu diệt hầu hết vi khuẩn và vi sinh vật có hại cho tôm, giúp khử mùi từ thức ăn thừa và hóa chất độc hại tồn đọng trong nước; Cuối cùng nước sẽ đi qua máy sục khí ozon để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại trong nước. Máy sục khí ozone cũng sẽ được sử dụng song song trong các bể nuôi tôm với nồng độ xác định. Hệ thống sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như giảm chi phí trong quá trình sản xuất”.

Chương trình eProjects kết nối sinh viên và doanh nghiệp tìm ra các giải pháp đổi mới sáng tạo cho các vấn đề thực tiễn. Sinh viên có thể phát huy các kỹ năng quản lý dự án, làm việc nhóm và giao tiếp; đồng thời có thể áp dụng các kiến thức mới học vào môi trường làm việc có trong chương trình. Thông qua sự cố vấn tỉ mì, sinh viên có thể học thêm kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm. Đây là những kỹ năng cần phải có để thành công trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật tiên tiến.

Với mục tiêu phát triển bền vững nhằm giảm khí thải carbon, ngăn chặn chất thải nhựa cũng như khép kín vòng tuần hoàn nhựa, năm nay, Dow tiếp tục hợp tác với BUILD-IT để truyền cảm hứng cho sinh viên Việt Nam về sự đổi mới và tinh thần kinh doanh. Các dự án ứng dụng không những phát triển các kỹ năng về kỹ thuật, mà còn trau dồi các kỹ năng mới của thế kỷ 21 mà sinh viên tốt nghiệp cần để phát triển trong công việc và cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Cần Thơ chiến thắng cuộc thi đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO