Quản trị

Giản hóa thương hiệu, không chỉ bên ngoài

Lê Duy 14/08/2024 - 11:40

Vài năm qua, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã giản hóa logo của mình, giảm sự nhấn mạnh vào tên thương hiệu hoặc bỏ hẳn nó khỏi logo trên các sản phẩm và dịch vụ của mình. Xu hướng này được gọi là debranding hoặc decorporatizing.

Tối ưu điểm chạm khách hàng

Có nhiều lý do để DN lựa chọn giản hóa logo của mình và một trong số đó là để tối ưu điểm chạm khách hàng trên thiết bị di động, trong bối cảnh thị trường chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của các kênh truyền thông trực tuyến. Thời kỳ truyền thông online nở rộ và lấn át các kênh quảng cáo truyền thống đòi hỏi DN tìm kiếm phương pháp mới để thu hút khách hàng cũng như tối ưu điểm chạm với họ.

Theo đó, kích thước màn hình nhỏ, giao diện cảm ứng và độ phân giải khác nhau trên các thiết bị di động đều là những yếu tố khiến hình ảnh thương hiệu truyền thống phức tạp trở nên cồng kềnh và có thể kém hiệu quả trong việc hiển thị. Thay vì yêu cầu làm cho logo lớn hơn như trước đây, yêu cầu hiện đại là làm thế nào để thu nhỏ toàn bộ danh tính của thương hiệu vào một chiếc hộp nhỏ hình vuông, đồng nghĩa với việc quay trở lại phong cách 2D truyền thống.

Các logo chi tiết với bộ chữ nhiều nét, có chân (serif) đi cùng bảng màu phức tạp cũng gặp khó khăn khi phải chuyển đổi giữa các loại màn hình di động, dẫn đến nguy cơ trải nghiệm người dùng rối rắm và kém hấp dẫn. Nên, việc giản hóa có thể giúp giải quyết rủi ro này, nhờ đó đảm bảo thương hiệu được hiển thị rõ ràng và dễ nhận biết ngay cả với kích thước nhỏ.

Logo đã giản hóa cũng có thể dễ dàng được điều chỉnh kích thước, duy trì sự nhất quán trên nhiều thiết bị khác nhau. Sự thích ứng này rất quan trọng trong thời đại người tiêu dùng tương tác với thương hiệu qua nhiều điểm chạm, từ điện thoại thông minh, máy tính bảng cho đến đồng hồ thông minh.

Ngoài việc biểu tượng (hình ảnh) hoạt động tốt hơn tên (chữ) dài trên ứng dụng hay màn hình máy tính, chúng cũng mang đến sự linh hoạt cho DN nếu muốn tham gia vào nhiều lĩnh vực cùng lúc. Hơn nữa, các dấu hiệu trực quan cũng phù hợp để quảng bá thương hiệu ra nhiều quốc gia hơn, bởi chúng đã loại bỏ việc các yếu tố cần phải diễn dịch: khi không còn chữ trên logo, người dùng có thể tự do suy đoán ý nghĩa của thương hiệu theo cách hiểu của mình.

anh-dnsg-1-.jpg

Thể hiện sự trưởng thành và hướng đi mới

Logo tinh giản cũng đóng vai trò thể hiện sự trưởng thành với nhiều DN. Trong giai đoạn đầu của startup, thương hiệu có xu hướng sặc sỡ, màu sắc và phức tạp hơn - cách tiếp cận thường được thúc đẩy bởi nhu cầu phải nổi bật giữa một thị trường đông đúc. Một logo động, nhiều màu sắc, nhiều đường nét có thể giúp thu hút sự chú ý và truyền đạt thông điệp đổi mới. Tuy nhiên, khi DN phát triển và rủi ro gia tăng, nhu cầu thương hiệu buộc phải thay đổi: chuyển từ thu hút chú ý sang xây dựng niềm tin cũng như mối quan hệ dài hạn với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác.

Nên, debrand là bước đi chiến lược phản ánh sự thay đổi này, gợi ý rằng DN đã vượt qua nhu cầu phải bắt mắt ban đầu và đang tập trung cung cấp giá trị nhất quán và đáng tin cậy. Có thể lấy ví dụ về sự trưởng thành của một số thương hiệu lớn dưới đây, với mỗi lần thay đổi logo đều tinh giản hơn lần trước và cho thấy bước tiến đến sự chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, logo tinh giản cũng là cách để DN công bố hướng đi mới của thương hiệu. Một trong những điều khó khăn nhất với DN là thay đổi nhận thức của khách hàng về thương hiệu và đây là lý do nhiều DN thường công bố chiến lược mới bằng debrand. Không chỉ logo, cả khẩu hiệu và cửa hàng cũng được giới thiệu để cho thấy hướng đi mới của thương hiệu. Một ví dụ điển hình là Kia - nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc, nơi từ trước đến nay cạnh tranh về giá. Đồng nghĩa, thương hiệu này đại diện cho những chiếc xe tốt có giá rẻ.

Trong thị trường hiện đại, các thương hiệu phải linh hoạt và nhạy bén với sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, xu hướng thị trường và cả bối cảnh cạnh tranh. Thông qua debrand, DN có thể tạo điều kiện cho sự đa dạng trong chiến lược thương hiệu, giúp dễ dàng tùy chỉnh thương hiệu và thích ứng với nhiều bối cảnh, thị trường và đối tượng khác nhau. Cách tiếp cận này đặc biệt có lợi cho các DN hoạt động trên nhiều thể loại, dòng sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau.

Ví dụ điển hình

debrand-gian-hoa-thuong-hieu-de-phat-trien-1.jpg

Starbucks: Từ năm 2011, Starbucks chính thức bỏ dòng chữ Starbucks coffee trên logo và chỉ để lại hình ảnh tiên cá Siren. Quyết định debrand này được đưa ra khi thương hiệu tiến hành mở rộng tệp sản phẩm nhằm mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn ngoài cà phê.

Dunkin Donuts: Năm 2018, thương hiệu đã thay đổi thành Dunkin để phản ánh sự tập trung ngày càng tăng vào cà phê và các sản phẩm khác ngoài bánh rán vòng (donut). Sự thay đổi này đã giúp định vị Dunkin như một thương hiệu linh hoạt và toàn diện hơn, cho phép thu hút nhiều đối tượng hơn, ngoài các fan của bánh rán.

anh-dnsg.jpg

Cần biết rằng sức mạnh của debrand không chỉ đến từ vẻ ngoài. Tinh giản logo chỉ là một phần, còn trọng tâm của chiến lược thương hiệu phải được đặt vào các giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh của sản phẩm lẫn thương hiệu. Đây mới là chìa khóa để xây dựng một thương hiệu bền vững, và là cách để một thương hiệu lâu đời có thể tái sinh với diện mạo mới.

Tóm lại, debrand không có nghĩa là xuề xoà hơn trong quản trị thương hiệu mà là đơn giản trong hình thức nhưng sâu sắc trong triết lý và mỗi sự thay đổi đều cần thiết động lực lẫn chiến lược rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giản hóa thương hiệu, không chỉ bên ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO