Một điều đáng mừng là giới trẻ hiện nay khi bước vào đời nhìn chung đều có khát khao và rất chủ động trong tìm kiếm việc làm, tìm kiếm thu nhập và mơ ước khởi nghiệp làm giàu.
Động cơ khởi nghiệp của các bạn trẻ về cơ bản là chính đáng, mục đích kinh doanh rất đa dạng: để làm giàu, để trải nghiệm, để khẳng định bản thân, để thể hiện trách nhiệm với gia đình, với xã hội, để giải quyết các vấn đề của cộng đồng... Tất cả những mục đích đó đều đáng quý và cần được khuyến khích.
Không chỉ những bạn trẻ được đào tạo bài bản về kinh doanh mới ham làm giàu. Nhiều thanh niên nông thôn, miền núi... vì một lý do nào đó phải gác lại việc học tập nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ít người với hai bàn tay trắng đã khởi nghiệp ngay chính trên quê hương mình và đã thành công.
Đơn cử về trường hợp chàng trai Trần Xuân Phong (sinh năm 1984) ở xã An Khang, thành phố Tuyên Quang sau khi không đậu đại học đã quyết định khởi nghiệp từ vốn vay, nuôi ong lấy mật, qua bao khó khăn, thất bại vẫn không lùi bước và đã có được cơ nghiệp 1.700 đàn ong với thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh Phong còn nhiều gương bạn trẻ bằng quyết tâm, sáng tạo đã khởi nghiệp và thành công trên chính mảnh đất quê hương mình.
Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2014 đã thu hút 3.853 thí sinh là sinh viên của hơn 40 trường đại học - cao đẳng trong và ngoài nước tham gia. Trải qua 3 vòng thi (kiểm tra kiến thức - Anh ngữ; phát triển ý tưởng và bảo vệ đề án), BGK đã quyết định trao 26 giải thưởng TN LVC cho 20 thí sinh khu vực miền Nam và 6 thí sinh khu vực miền Bắc. |
Giới trẻ ngày nay thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường, thị hiếu xã hội nên họ nắm bắt khá nhanh các cơ hội kinh doanh, làm giàu, nhất là những lĩnh vực mới, tăng trưởng nhanh...
Nhưng ở một khía cạnh khác rất đáng quan tâm và nên cảnh báo là một số bạn trẻ không chọn con đường làm giàu chính đáng mà chạy theo lợi nhuận, ham giàu nhanh nên kiếm tiền bằng những hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích xã hội, cộng đồng như: kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu..., thậm chí tiếp tay cho kẻ xấu để chiếm đoạt tiền bạc của chính những người thân, anh em, bạn bè.
Có nhận định cho rằng, giới trẻ chỉ được đào tạo kỹ năng, còn thiếu việc được truyền lý tưởng kinh doanh, mục đích kinh doanh gắn với yếu tố cộng đồng, đạo đức xã hội và phát triển bền vững.
Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi thực tế sinh viên các ngành kinh doanh không chỉ được đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp mà còn được học nhiều kiến thức về kinh tế, kinh doanh, trong đó có những nội dung về triết lý, lý tưởng kinh doanh, mục đích kinh doanh gắn liền với đạo đức xã hội và trách nhiệm cộng đồng...
Cái chính là những lý tưởng, triết lý ấy chưa được truyền tải một cách thật thuyết phục, chưa trở thành niềm tin thực tế đối với người học để họ có thể tâm niệm biến nó thành hành động và mang lại hiệu quả khi tham gia kinh doanh. Lương tâm, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh luôn bị thử thách trong môi trường kinh doanh, môi trường lợi nhuận.
Chính vì thế cần phải không ngừng khơi gợi, khuyến khích để làm nảy nở, nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp trong kinh doanh đối với doanh nhân tương lai ngay từ khi họ còn ngồi trên giảng đường.
Đó là những giá trị đáng quý từ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can đang mở rộng trong cộng đồng sinh viên. Tư tưởng của danh nhân được coi là người thầy của giới doanh nhân Việt Nam đã khơi gợi những giá trị còn thiếu đối với những người kinh doanh hiện nay.
Tư tưởng về kinh doanh của ông trong hai cuốn sách "Thương học phương châm" và "Kim cổ cách ngôn" có thể nói là rất xác đáng, đầy tinh thần đổi mới và còn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay.
Không chỉ nêu những cái thiếu mà ít nhiều ngày nay hậu thế đã có, Lương Văn Can còn chỉ rõ cái thiếu tồn tại trong những cái đã có: "Ta không có thương phẩm, không có thương hiệu, không có chữ tín, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao tiếp, không biết tiết kiệm và khinh hàng nội hóa".
Nếu chúng ta thấm nhuần triết lý "cho trước nhận sau trong kinh doanh" của cha ông qua câu ngạn ngữ "Sống có đức mặc sức mà ăn" thì tôi tin đất nước ngày một nhiều doanh nhân, doanh nghiệp thành công cả về phương diện tài chính và đóng góp cho xã hội, môi trường...
Xã hội rất trân trọng những người giỏi trong kinh doanh với những đóng góp của họ cho cộng đồng. Việc các doanh nhân kết hợp với nhà trường, xã hội để tạo nên những giải thưởng, phong trào khuyến khích làm giàu chính đáng là rất quý báu và cần thiết, mang nhiều ý nghĩa xã hội.
Đó là những đóng góp thiết thực cho nền giáo dục nước nhà. Nhà trường (nhất là các cơ sở đào tạo nhân lực các ngành kinh tế) cũng cần tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt huyết, thành tựu của doanh nhân (nhất là những người thành đạt) vào quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực các ngành kinh tế nói chung, các lớp doanh nhân tương lai cho đất nước nói riêng.
Bên cạnh những công cụ pháp lý làm lành mạnh môi trường kinh doanh, thương mại, giải thưởng mang tên danh nhân Lương Văn Can đã góp phần tuyên truyền, giáo dục đạo đức kinh doanh một cách căn cơ, thường xuyên, có ý nghĩa lâu dài và bền vững.
Cùng với việc duy trì giải thưởng mang tên danh nhân Lương Văn Can, Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn, Báo Doanh Nhân Sài Gòn và các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để tuyên truyền và phát huy tác động tích cực của giải thưởng, đồng thời gắn kết kinh doanh thực tiễn với đào tạo (mô hình liên kết nhà trường và doanh nghiệp) để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
>26 Tài năng Lương Văn Can 2014
>GTTN Lương Văn Can 2014: Chuẩn bị chu đáo, tự tin dự thi