Ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Tính riêng 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng số khách du lịch nội địa đạt 79,5 triệu lượt.
Vừa qua, Tạp chí Du lịch TP.HCM tổ chức Tọa đàm Quảng bá du lịch từ giải thưởng uy tín: Góc nhìn của chuyên gia, nhằm thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành, các KOLs cũng như các doanh nghiệp về việc vì sao Việt Nam cần một giải thưởng du lịch uy tín và tầm quan trọng của giải thưởng này đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam liên tiếp đón nhận những nhiều giải thưởng quốc tế, khẳng định sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam, góp phần nâng tầm vị thế điểm đến quốc gia trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Theo các thống kê từ ngành du lịch, du lịch nội địa Việt Nam đang chứng kiến một sự bùng nổ chưa từng thấy kể từ sau thời điểm dịch Covid-19. Đây được xem như một cơ hội vàng để phát triển cũng như khai thác tiềm năng du lịch thông qua việc khuyến khích du khách áp dụng các phương pháp quảng bá du lịch sáng tạo, nhằm truyền tải những giá trị đặc sắc của từng vùng miền.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM cho biết, việc tổ chức một giải thưởng cho ngành du lịch Việt bởi các chuyên gia Việt được xem là đúng thời điểm bởi đây là giai đoạn du lịch nội địa tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Đây cũng là bước đệm để thúc đẩy ngành du lịch Việt từng bước tiệm cận chất lượng quốc tế, liên tục đổi mới sáng tạo và hài hòa bền vững các giá trị nội địa đặc sắc nói chung.
“Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, đồng thuận và chung sức hợp tác, đóng góp các ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia cũng như các cơ quan đầu ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, nhà hàng - khách sạn và dịch vụ trên cả nước”, bà Hà mong muốn.
Bên cạnh đó, TS. Daisy Gayathri - Đại học RMIT Việt Nam, cũng đồng tình bằng cách chỉ ra rằng việc tham gia các giải thưởng quốc tế sẽ góp phần quảng bá thương hiệu và đưa khách hàng đến gần hơn với doanh nghiệp.
Để đóng góp cho quan điểm của bà Thu Hà, TS. Nguyễn Đức Trí - Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, giải thưởng du lịch mang ý nghĩa như một sự củng cố đáng tin cậy cho các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, được phản ánh dựa vào những thông điệp quảng bá được truyền tải đi.
Ngoài ra TS. Trí còn đưa ra nhận định, cần có một quy trình đánh giá chặt chẽ và minh bạch. Lấy ví dụ như Giải thưởng World Travel Awards, quá trình bình chọn thường kéo dài một năm, bao gồm nhiều vòng loại và vòng chung kết, điều này giúp đảm bảo tính công bằng và uy tín của giải thưởng. Vịệc kết nối với khách hàng, cộng đồng và nhân viên cũng là yếu tố quan trọng.
Còn theo ông Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, để tổ chức thành công các giải thưởng, các đơn vị cần có có những tiêu chuẩn, quy định cụ thể... Do đó mà các giá trị về mặt chuyên môn và độ tin cậy được ưu tiên và đánh giá cao.
Tại tọa đàm, nhiều tham luận đã được trình bày chia sẻ về góc nhìn của chuyên gia đối với việc tổ chức giải thưởng du lịch uy tín. Qua những chia sẻ của các chuyên gia, có thể thấy rằng việc tổ chức các giải thưởng du lịch trong nước không chỉ là một hoạt động mang tính hình thức mà còn là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Giải thưởng không chỉ vinh danh những thành công trong hiện tại mà còn là động lực để các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo,hướng tới những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.