Giá trị thương hiệu, người nổi tiếng và mạng xã hội

Lê Phan| 01/02/2021 07:00

Mối quan hệ giữa người nổi tiếng và nhà mốt như đi trên sợi dây, đòi hỏi phải thật thăng bằng. Nếu không chỉ cần người nổi tiếng sẩy chân một chút, ngay lập tức thương hiệu sẽ chao đảo...

Mười một ngày sau khi trở thành người đại diện của nhà mốt Prada tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, ngôi sao hạng A Trịnh Sảng liên tục bị phanh phui scandal từ giả tạo, ngoại tình... danh tiếng của cô lao dốc không phanh. 

Con đường để cô gái này trở lại làng giải trí có lẽ còn hẹp hơn Phạm Băng Băng sau scandal trốn thuế vài năm trước. Đáng nói, danh tiếng của Prada cũng ảnh hưởng ít nhiều. Trước đó, mặc dù cổ phiếu của Prada đang trên đà đi xuống nhưng scandal của Trịnh Sảng khiến cổ phiếu của nhà mốt giảm tốc phi mã trong thời gian ngắn, giảm đến 1,7% xuống còn 5,96 USD vào chiều ngày 18/1/2021. Để cứu vãn tình hình, nhà mốt đã gỡ bỏ tất cả hình ảnh liên quan đến Trịnh Sảng trên mạng xã hội và trang web chính thức. Nhiều thương hiệu thời trang cao cấp khác đang hợp tác với Trịnh Sảng như Lola Rose Watch, Chioture cũng có động thái tương tự.

Khi ngành thời trang bắt đầu bước vào con đường công nghiệp, đó cũng là thời điểm các đại sứ thương hiệu và người đại diện thương hiệu xuất hiện. Họ có thể là những người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, điện ảnh cho đến thời trang... miễn là giữa họ và thương hiệu có sự tương đồng về quan niệm sáng tạo, cái đẹp và tìm được tiếng nói chung. Khi mạng xã hội phát triển, khái niệm đại sứ thương hiệu mở rộng hơn, bao gồm cả các ngôi sao trên mạng xã hội (influencers, KOLs). Điều này còn mang hàm ý, không phải người nổi tiếng nào cũng là ngôi sao trên mạng xã hội và chắc chắn là yếu tố này luôn được các thương hiệu cân nhắc.

nguoi-noi-tieng-thuong-hieu-ma-5071-3753

Trịnh Sảng khi còn là đại diện thương hiệu cho Prada tại Trung Quốc. Ảnh: Prada

Nhà mốt luôn muốn tận dụng tầm ảnh hưởng của ngôi sao mạng xã hội nhằm quảng bá hình ảnh đến công chúng rộng rãi hơn. Hiệu suất bán hàng từ các chiến dịch truyền thông trên mạng, hay tương tác trên trang cá nhân cũng là vấn đề đáng quan tâm, bởi đối tượng chính mua sắm ngày nay, không ai khác chính là thế hệ Millennials - những người gắn liền với chiếc smartphone. Thêm nữa, nhiều năm gần đây, các thương hiệu chuyển hướng tập trung vào thị trường châu Á, đó là lý do tại sao các ngôi sao tại châu lục này được trọng dụng và có nhiều ảnh hưởng đến như vậy.

Ngay khi thông tin nhóm nhạc Hàn Quốc đình đám BTS mặc trang phục Dior trong các tour diễn được hé lộ, lượt tìm kiếm thương hiệu ngay lập tức tăng lên 420%, doanh số bán hàng tăng 21,6%, một con số rất ấn tượng mà bất kỳ thương hiệu nào cũng khao khát, theo Korea Times. Theo Wall Street Journal, nền tảng mua sắm Lyst tiết lộ lượt tìm kiếm chiếc túi Celine Triomphe trên toàn cầu tăng 66% trong ngày ca sĩ Lisa thuộc nhóm Black Pink đăng ảnh món phụ kiện này lên mạng.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người nổi tiếng và nhà mốt như đi trên một sợi dây đòi hỏi nhiều thăng bằng, và người hâm mộ châu Á luôn khắt khe hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Chuẩn mực đặt ra cho người nổi tiếng luôn cao hơn gấp nhiều lần, từ hình thể, lối sống, hành xử cho đến tỉ ti thứ khác liên quan đến cuộc sống cá nhân. Chỉ cần người nổi tiếng sẩy chân một chút, ngay lập tức, thương hiệu cũng chao đảo theo. Trường hợp của Trịnh Sảng và Prada là minh chứng điển hình. Và không phải thương hiệu nào cũng đủ niềm tin dành cho nhân vật họ chọn như trường hợp Dior Men bảo vệ Johnny Depp quanh lùm xùm với vợ cũ. (Tất nhiên, phía sau câu chuyện này, Depp cũng nhận được sự ủng hộ không ít từ người hâm mộ và bạn bè, cả những người tình từng gắn bó với anh).

Mời người nổi tiếng đại diện thương hiệu, các nhà mốt có cơ hội tăng nhận diện thương hiệu và sản phẩm, thúc đẩy doanh thu nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng đầy rẫy. Nghệ sĩ có thể bị người hâm mộ quay lưng, còn nhà mốt có thể bị tẩy chay. Ở chiều ngược lại, khi nhà mốt vấp phải scandal như trường hợp phân biệt chủng tộc, thiếu hiểu biết về văn hóa, danh tiếng và hình ảnh của người nổi tiếng cũng ảnh hưởng không kém như trường hợp Dolce & Gabana hồi năm 2018, cũng tại thị trường Trung Quốc. Cũng chính mạng xã hội, lan tỏa điều này nhanh hơn bao giờ hết và khiến vấn đề trầm trọng hơn nếu cả hai không biết xử lý khủng hoảng truyền thông.

Mối quan hệ giữa đại sứ thương hiệu là người nổi tiếng và các thương hiệu là con dao hai lưỡi mà cả hai đều cần tìm hiểu, thăm dò nhau kỹ càng trước khi bước lên bàn cân hợp tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá trị thương hiệu, người nổi tiếng và mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO