Bông hồng cài áo

Thu Trân| 15/08/2019 08:00

Bước vào tháng 8 dương lịch (tháng 7 âm lịch), ở miền Nam, khi thời tiết âm âm, mưa lất phất từng cơn, ấy là mùa ngâu đến. Mùa ngâu không chỉ là câu chuyện chia ly của đôi lứa Ngưu Lang - Chức Nữ với cánh quạ làm thành cầu Ô Thước cho sự trùng phùng mỗi năm một lần, mà còn là mùa nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Sâu đậm hơn, những người con Việt thường dành thời gian này để nhớ về công đức mẹ, nên mùa ngâu còn được gọi là mùa vu lan báo hiếu.

Bông hồng cài áo

Mùa vu lan báo hiếu, mọi người thường đi lễ chùa để nguyện cầu cho cha mẹ được mạnh khỏe, sống lâu vui vầy cùng con cháu, nếu may mắn còn hai đấng sinh thành. Nếu một trong hai người mất đi, hoặc mất cả hai, con cháu đến chùa với lòng trọng vọng thương nhớ vô biên, cầu cho đấng sinh thành nhẹ nhàng siêu thoát. Bất cứ nhà chùa nào cũng làm thật nhiều hoa hồng bằng vải (hoặc giấy). Trước khi vào lễ chùa, Phật tử của nhà chùa sẽ nhẹ nhàng nói với bạn, nếu còn đủ cả cha, mẹ thì cài bông hồng màu đỏ tươi, nếu chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu nhạt hơn chút, người nào mất cả cha, mẹ thì cài bông hồng trắng.

Tự thân màu của bông hoa đã nói với bạn được nhiều điều. Hoa hồng trắng u buồn tượng trưng cho sự mất mát, nhưng thanh sạch và tinh khiết. Ai mất mẹ, được cài hoa hồng trắng lên áo là đã được nhà chùa hồi hướng về bên vong linh mẹ, để cầu cho mẹ siêu thoát và không bao giờ quên công ơn mẹ. Ai còn mẹ, được cài hoa màu hồng lên áo, để biết mình may mắn tận hưởng niềm hạnh phúc có mẹ, để còn thời gian đối nhân xử thế đàng hoàng và yêu kính đấng sinh thành nhiều hơn.

Cảm giác được cài một bông hoa (đỏ, hồng hoặc trắng) lên áo trong suốt ngày rằm tháng 7 thật vô cùng thánh thiện. Khi nhớ về mẹ, bạn sẽ sống đàng hoàng hơn, chuẩn mực hơn. Sự đàng hoàng, chuẩn mực ấy, không chỉ riêng dành cho mẹ, cho hai đấng sinh thành, mà còn dành cho xã hội và cả cộng đồng quanh mình. Người Việt Nam khi chọn rể hay chọn dâu, trước tiên thường nhắm đến việc chú rể (hoặc cô dâu đó) đối đãi với cha mẹ mình có hiếu nghĩa hay không. Sự hiếu nghĩa của một con người là nền tảng để xây dựng một gia đình tốt, một cộng đồng tốt.

Mới đây, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn đã tổ chức chương trình “Bông hồng cài áo” để các doanh nhân có dịp bày tỏ lòng tri ân đến các đấng sinh thành. Trên thương trường, dù phải cạnh tranh khốc liệt đến đâu để tồn tại, doanh nhân vẫn phải giữ lấy hai chữ “nhân nghĩa” làm đầu xuất phát từ sự tri ân này, từ nghĩa cử đẹp này. Doanh nhân sống có nhân nghĩa, có trước có sau, kinh doanh ắt thành công. Đây là điều kiện cần. Tất nhiên, các điều kiện đủ kèm theo phải kể như là một tố chất của doanh nhân (trình độ, năng lực, nắm bắt thị trường...) cũng không thể loại trừ ở đây. Không có chuyện một doanh nhân thành công mà không có hậu phương vững chắc phía sau là một gia đình thuận hòa, êm ấm. Mà trong đó, cha mẹ già như cột kèo vững chãi cho con cháu và các thế hệ doanh nhân trong gia đình tựa vào.

Không chỉ riêng với “nghề” doanh nhân, người làm nghề nào trong xã hội cũng cần một gia đình vững chắc để tựa vào, mà trong đó cha mẹ còn sống cùng cả nhà là niềm hạnh phúc vô biên. Cho nên, ngày rằm tháng bảy này, khi đi chùa, nếu bạn được cài một bông hoa màu đỏ bên ngực áo trái thì hãy vui sướng đi. Đó là quà tặng vô biên của thế giới này, của vũ trụ này, của sự may mắn mà không phải ai muốn cũng được. Chỉ khi bạn mất mẹ thì mới cảm nhận được hết sự vô giá của bông hoa hồng đó. Tôi vừa mất mẹ, bông hoa hồng xa xăm đó của tôi đang ở chốn nào? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bông hồng cài áo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO