OCB là mã cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HoSE năm 2021. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của OCB là 22.900 đồng/ cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu, tương ứng vốn hoá Ngân hàng đạt 25.096 tỷ đồng. Đây được cho là mức giá khá hấp dẫn với thị trường.
Trước đó, tại sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư được tổ chức tại Tp. HCM, chia sẻ về chiến lược cho giai đoạn 05 năm tới 2021-2025, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn kỳ vọng ngân hàng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20% - 25%/năm.
OCB đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm qua: Vốn chủ sở hữu tăng gần 8 lần; Lợi nhuận tăng hơn 16 lần và Tổng tài sản tăng 12 lần. Qua đó, OCB trở thành ngân hàng TMCP giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, số 3 về hiệu quả lợi nhuận trên vốn. OCB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II vào năm 2017. Được Moody's xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác CRA và CRR lên mức Ba3, thuộc top cao nhất tại Việt Nam.
Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 4.420 tỷ, tăng 37% so với năm 2019, tổng tài sản của OCB đạt 152.687 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.462 tỷ, tăng 27%, tổng dư nợ tín dụng đạt 90.237 tỷ, tăng 24% so với 2019.
Đặc biệt, vào tháng 6/2020, sau gần 02 năm trao đổi, OCB đã lựa chọn được đối tác chiến lược, đồng hành trong chặng đường phát triển sắp tới là ngân hàng Aozora – Nhật Bản, 01 trong những nhà băng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản, đầu tư 15% vốn cổ phần tại OCB. Giao dịch này được vinh danh trong top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019 – 2020 tại Việt Nam.