Du lịch an toàn: Không nhanh chân sẽ thua cuộc

Ý Nhi| 30/10/2020 06:00

Ngành du lịch Việt Nam đã sẵn sàng tái khởi động sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Du khách cũng sẽ an tâm lên kế hoạch du lịch Việt Nam nếu...

Du lịch an toàn: Không nhanh chân sẽ thua cuộc

Cần sớm có các quy chuẩn

Chưa bao giờ ngành du lịch lại bị ảnh hưởng nặng nề như đại dịch Covid-19, vì vậy để  nhanh chóng tái khởi động ngành du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, theo các doanh nghiệp trong ngành, cần sớm có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về du lịch an toàn, áp dụng cho cả doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, nhân viên du lịch và du khách...

Ông Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau khi dịch Covid-19 khi lần thứ hai tạm thời được khống chế, ngành du lịch đã sẵn sàng quay trở lại đón khách. Thế nhưng, những thay đổi lớn trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành đã khiến hành vi, suy nghĩ của người dân và khách du lịch thay đổi. 

Điều này đặt ra thách thức lớn hơn cho ngành du lịch trong việc xây dựng diện mạo du lịch an toàn. Theo đó, không chỉ vài chương trình khuyến mãi, vài hoạt động quảng cáo... là có thể kéo được khách du lịch đến với mình. Thay vào đó, phải làm sao để khách cảm thấy được an toàn trước dịch bệnh. Doanh nghiệp nào không làm được việc này chắc chắn sẽ bị đào thải.

Ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc Công ty Outbox Consulting cho rằng,  “du lịch an toàn” đang là từ khóa nổi bật trên thế giới hiện nay. Các khảo sát của Outbox Consulting cho thấy, hai nỗi lo lớn nhất của du khách là nhiễm bệnh và phải cách ly. 

Do đó, yêu cầu mới cho ngành du lịch là phải thiết lập một tiêu chuẩn an toàn chung với quy trình áp dụng rõ ràng và minh bạch. Có hơn 10 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện được việc này, trong đó có Thái Lan và Singapore. 

Ông Phước gợi ý đưa ra Bộ tiêu chí an toàn với 4 mục tiêu cốt lõi, được triển khai đồng nhất tại tất cả đơn vị cung ứng dịch vụ và đối với du khách. Bộ tiêu chí này nhằm mang đến trải nghiệm tích cực và nâng cao sự tư tin cho du khách, doanh nghiệp và nhân lực ngành du lịch, được thực hiện thống nhất ở cấp độ quốc gia, do cơ quan du lịch quốc gia quản lý. Bộ tiêu chí cũng có quy trình đăng ký, cấp nhãn, kiểm tra và thu hồi rõ ràng cho các đơn vị, cá nhân tham gia. 

Một khảo sát mới đây do nền tảng đặt du lịch trực tuyến Agoda thực hiện cũng đã chỉ ra những tiêu chí của du khách Việt khi chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các tour du lịch  cho chuyến đi của mình trong thời điểm “bình thường mới”. Theo đó, 24% du khách Việt cho biết yếu tố “khử trùng phòng hằng ngày” là ưu tiên hàng đầu mà họ cân nhắc khi lựa chọn nơi lưu trú. Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu trong khu vực về “tính bền vững” (thân thiện với môi trường) khi 17% người được hỏi chọn đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn khách sạn. Điều này cho thấy ngay cả khi phải đối mặt với dịch bệnh đang diễn ra, du khách Việt vẫn hy vọng các khách sạn lưu tâm đến vấn đề môi trường thông qua việc giảm thiểu rác thải và hạn chế sử dụng tài nguyên. 

Chia sẻ định hướng phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết : “Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều gói kích cầu và cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và nhà đầu tư làm việc, đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Việt Nam. Nhờ vào việc phát động các chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", du lịch Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng trong ba tháng (từ tháng 5-7/2020) với số lượng khách nội địa tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang tiếp tục chuẩn bị phát động chiến dịch kích cầu mới với tên gọi “Việt Nam - Đi để trải nghiệm”. Hãy cùng chung tay giúp ngành du lịch Việt Nam sớm hồi phục và phát triển hơn nữa”.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng: “Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua. Một số khách sạn thậm chí hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở mức một chữ số. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó TP.HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính phủ, nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và 10, mở đầu cho quá trình hồi phục sau làn sóng Covid-19 thứ hai”.

Ông Mauro cũng đánh giá: “Năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức cho du lịch và nguồn khách nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của du lịch. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội tốt vì Việt Nam có nguồn khách nội địa lớn, chiếm 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thế hệ trẻ (Millennials và Gen Z) ngày càng yêu thích xu hướng du lịch trải nghiệm. Nhu cầu đối với các mô hình sản phẩm như resort cao cấp, nghỉ dưỡng nội đô (staycation), khách sạn chú trọng thiết kế, resort chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B độc đáo hoặc nghỉ dưỡng cuối tuần không ngừng gia tăng. Nếu các khách sạn và resort biết nắm bắt cơ hội, mang đến những gói dịch vụ với mức giá hợp lý thì sẽ khai thác được nguồn khách nội địa tiềm năng này. Đây cũng là cơ hội để khách nội địa, khách nước ngoài đang sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm mới hoặc khám phá những thị trường mới. Đặc biệt, những địa điểm có thể thuận tiện tiếp cận bằng xe như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt có ưu thế trở thành địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần yêu thích của những du khách ngại di chuyển bằng đường hàng không”.

dulich-phu-quoc-2099-1603959427.jpg

Bắt đầu từ những việc nhỏ

Bên cạnh tính cấp thiết, các ý kiến cũng cho rằng nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong hành trình xây dựng diện mạo du lịch an toàn. 

Ông Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, năm 2020 là năm kinh tế vô cùng khó khăn, đặc biệt là ngành du lịch. Đến lúc này, toàn ngành du lịch quay trở lại với tình hình mới lần thứ hai và mặc dù chúng ta đưa ra chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn” nhưng tâm lý của khách cũng đang lo lắng có thật an toàn?

Vì vậy, Sở Du lịch cũng đang triển khai một số giải pháp. Đầu tiên phải xác định được điểm đến an toàn. Theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19, gửi đến các doanh nghiệp. Tiếp theo là đẩy mạnh truyền thông cho du khách, người tiêu dùng thông điệp điểm đến an toàn và hấp dẫn của TP.HCM. 

Song bên cạnh vấn đề an toàn, phải có sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn. TP.HCM cũng ký kết hợp tác với 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ và Bình Thuận, các tỉnh cam kết tuyên truyền và đảm bảo an toàn cho du lịch. 

Đặc biệt, triển khai app du lịch Việt Nam an toàn, xác định các điểm đến an toàn ở Việt Nam. Các điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở... tham gia vào app phải cam kết đảm bảo an toàn cho du khách. 

Để giúp du khách yên tâm, Agoda cũng ra mắt tính năng chứng nhận HygienePlus trên nền tảng của mình, cho phép du khách biết được về các biện pháp bảo vệ sức khỏe và vệ sinh được nhà cung cấp nơi lưu trú thực hiện. Khi thị trường du lịch phục hồi, tính năng HygienePlus giúp du khách đảm bảo tìm được các khách sạn và căn hộ đáp ứng các phương pháp phòng dịch đạt tiêu chuẩn. 

Ông Omri Morgenstern - Giám đốc điều hành Agoda cho biết: “Tính năng HygienePlus có thể nhanh chóng và dễ dàng xác định được khách sạn nào đảm bảo môi trường an toàn và sạch sẽ. Tất nhiên, trên Agoda, du khách cũng có thể tham khảo đánh giá của các khách từng lưu trú về mức độ vệ sinh của khách sạn để củng cố quyết định của mình”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch an toàn: Không nhanh chân sẽ thua cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO