Du lịch golf: Từ sân cỏ đến sân chơi tỷ USD
Du lịch golf không chỉ đơn thuần là một hoạt động thể thao giải trí. Trong bối cảnh mới, nó đang trở thành một ngành kinh tế đầy tiềm năng với sức hút mạnh mẽ, đặc biệt đối với giới doanh nhân và các nhà đầu tư toàn cầu. Việt Nam, với lợi thế thiên nhiên và định hướng phát triển chiến lược, đang đứng trước cơ hội bứt phá để trở thành điểm đến golf hàng đầu châu Á.
.jpg)
Du lịch golf không chỉ đơn thuần là một hoạt động thể thao giải trí. Trong bối cảnh mới, nó đang trở thành một ngành kinh tế đầy tiềm năng với sức hút mạnh mẽ, đặc biệt đối với giới doanh nhân và các nhà đầu tư toàn cầu. Việt Nam, với lợi thế thiên nhiên và định hướng phát triển chiến lược, đang đứng trước cơ hội bứt phá để trở thành điểm đến golf hàng đầu châu Á.

Từ lâu, golf được xem là môn thể thao của giới thượng lưu. Thế nhưng, trong thập kỷ gần đây, golf đã vươn lên trở thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp du lịch toàn cầu. Theo số liệu từ Hiệp hội Golf Thế giới (IGF), đến năm 2023, thế giới có khoảng 66,6 triệu người chơi golf, tăng 5% so với năm 2020. Sự kết hợp giữa thể thao và trải nghiệm du lịch đã giúp ngành du lịch golf đạt quy mô doanh thu 20 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/năm từ 2020 đến 2023.

Các quốc gia như Mỹ, Scotland, Ireland, Thái Lan đã sớm nắm bắt xu hướng này để xây dựng những điểm đến golf hàng đầu thế giới. Riêng tại Mỹ, ngành công nghiệp golf đóng góp đến 84 tỷ USD mỗi năm, đón tiếp hơn 16 triệu khách du lịch golf. Trong khi đó, Thái Lan - một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam - mỗi năm thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch golf, tạo ra khoảng 800 triệu USD doanh thu.
Điểm đáng chú ý là tỷ trọng đóng góp của du lịch golf trong tổng thu nhập ngành du lịch tại một số nước là khá cao. Mexico, chẳng hạn, có tỷ lệ đóng góp 3,46%, còn Thái Lan ở mức 3,4%. Đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Ngoài ra, xu hướng kết hợp giữa golf và mô hình du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Những khu nghỉ dưỡng tích hợp sân golf, spa, trung tâm hội nghị đang được giới doanh nhân đặc biệt ưa chuộng - nơi vừa rèn luyện sức khỏe, thư giãn, vừa là “sân chơi” kết nối đối tác và xúc tiến thương mại.

Với lợi thế cảnh quan đa dạng, khí hậu nhiệt đới ôn hòa và đường bờ biển dài tuyệt đẹp, Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch golf. Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, hiện cả nước có trên 80 sân golf, nhiều sân trong số đó được thiết kế bởi các kiến trúc sư hàng đầu thế giới. Không chỉ đáp ứng yêu cầu chuyên môn, những sân golf tại Việt Nam còn được đặt trong các không gian thiên nhiên hấp dẫn - từ núi rừng Tây Nguyên đến biển xanh Phú Quốc.

Từ năm 1994, Việt Nam đã 8 lần được vinh danh là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á”, và 2 lần đoạt giải “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới”. Những địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội và TP.HCM hiện đang trở thành trung tâm du lịch golf nhờ sự hội tụ giữa dịch vụ cao cấp, hạ tầng du lịch hiện đại và tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Năm 2023, Việt Nam đón khoảng 150.000 lượt khách du lịch golf, tăng 20% so với năm 2022. Doanh thu từ lĩnh vực này đạt khoảng 200 triệu USD, đóng góp trực tiếp vào ngân sách địa phương và tạo ra hàng nghìn việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, vận tải, lữ hành...

Không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí, du lịch golf đang mở ra một thị trường đầu tư hấp dẫn. IGF dự báo, đến năm 2025, thế giới sẽ có hơn 100 triệu người chơi golf. Riêng tại Việt Nam, lượng khách du lịch golf được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi, đạt 300.000 lượt với doanh thu khoảng 300 triệu USD.
Những xu hướng đầu tư nổi bật hiện nay gồm: xây dựng resort tích hợp sân golf, khách sạn, spa, trung tâm hội nghị, phát triển hệ sinh thái dịch vụ golf gồm cửa hàng dụng cụ, trung tâm huấn luyện, và ứng dụng công nghệ trong quản lý sân bãi, tổ chức các giải đấu, sự kiện thể thao.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Nam Giang, trong chiến lược phát triển golf, điều cốt lõi là hướng đến phát triển bền vững. “Việt Nam cần tránh tư duy phát triển nóng, không nên chạy theo số lượng sân golf mà quên mất yếu tố môi trường và tính dài hạn. Một sân golf không chỉ là nơi đánh bóng, mà là một sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa, sinh thái và thương hiệu quốc gia”, ông nhấn mạnh.

Dù tiềm năng lớn, ngành du lịch golf tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. So với Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam chưa có nhiều khu phức hợp golf quy mô quốc tế. Hạ tầng giao thông đến các sân golf ở vùng xa còn hạn chế, nguồn nhân lực có tay nghề trong lĩnh vực dịch vụ golf còn thiếu, và chiến lược quảng bá ra thế giới chưa đồng bộ.

Để bứt phá, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh hợp tác công - tư, và quan trọng nhất là đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp cho ngành golf - từ caddie, hướng dẫn viên đến quản lý sân bãi, tổ chức sự kiện.
Du lịch golf không còn là cuộc dạo chơi mang tính thời điểm, mà đang thực sự trở thành một “sân chơi” lớn của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang có cơ hội để bứt phá, không chỉ để đón khách mà còn để khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thể thao quốc tế. Muốn làm được điều đó, cần một chiến lược bài bản, dài hạn và sự đồng hành từ nhiều phía - doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng với những bước đi quyết đoán.