Sự kiện kinh tế

Đồng bằng sông Cửu Long bổ sung 4.000 tỷ đồng phòng, chống sạt lở

Nguyễn An 09/10/2023 - 14:17

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, dù chưa vào cao điểm mùa mưa bão nhưng hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển đã xảy ra tại hầu hết địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại về tài sản của người dân cùng nhiều công trình do Nhà nước đầu tư. Vì vậy, hạn chế và khắc phục tình trạng sạt lở một cách bền vững là vấn đề lớn, cấp thiết đang đặt ra ở vùng châu thổ trù phú này.

t3.jpg
Tình trạng sạt lở đang trở thành vấn đề nhức nhối của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Để tiến hành hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ứng phó trước nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là quyết định quan trọng của Chính phủ đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang có tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vô cùng phức tạp.

Nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 được phân bổ cho các địa phương gồm Long An 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng.

Chính phủ cũng yêu cầu căn cứ mức vốn bổ sung được giao trên, chủ tịch UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cần bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư; chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo đúng quy định.

Không sử dụng vốn dự phòng ngân sách trung ương được bổ sung ở trên trái mục đích (trong đó có việc chỉnh trang đô thị); thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực...

Công tác phòng chống thiên tai, sạt lở tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan đã tiến hành thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra định kỳ việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trường hợp phát hiện phân bổ, sử dụng không đúng đối tượng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, triển khai không đúng quy định của pháp luật và quy định tại quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi về ngân sách trung ương và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng bằng sông Cửu Long bổ sung 4.000 tỷ đồng phòng, chống sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO