![]() |
Trong khi Uber đối đầu với xe tự lái, Facebook so kè với trò chơi điện tử thì Netflix mới đây tiết lộ đối thủ lớn nhất của Hãng chính là giấc ngủ của con người.
Cuộc chiến giành giấc ngủ
Hôm 18/4, CEO Netflix Reed Hastings tuyên bố với giới truyền thông rằng đối thủ lớn nhất của Hãng chính là nhu cầu ngủ của con người. "Khi 'nghiện' một chương trình của Netflix, mọi người thường cố gắng thức khuya để xem cho bằng hết. Do đó, có thể nói chúng tôi đang phải cạnh tranh với giấc ngủ. Đó là một biển thời gian rộng mênh mông", USA Today dẫn lời Hastings.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy, có đến một phần ba người Mỹ hiện không ngủ đủ giấc. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc dành nhiều thời gian xem ti vi, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Khán giả của Netflix sẽ "xén bớt" vài giờ ngủ sau đó thức dậy muộn vào sáng hôm sau hoặc thậm chí không cần ngủ bù.
Thực tế, việc xem tivi hay sử dụng các thiết bị điện tử trên giường ngủ sẽ khiến mọi người ngủ ít hơn, một phần do ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này khiến não ngừng sản xuất melatonin – một loại hormone giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ. Giáo sư Orfeu Buxton - chuyên gia về hành vi sức khỏe của Đại học Pennsylvania phân tích, nếu đang xem chương trình Murder TV, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình ti vi sẽ che lấp cơn buồn ngủ chưa kể nội dung phát sóng có thể khiến bạn trằn trọc, khó ngủ hơn.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên CEO Netflix đề cập tới vấn đề này. Trang MarketWatch cho biết, tại Hội thảo công nghệ toàn cầu WSJD Live hồi năm ngoái, Hastings cũng đã ngụ ý rằng "kẻ thù" thực sự của Netflix không phải là HBO hay Amazon mà là cơn buồn ngủ của con người. Netflix từ lâu đã cố gắng khiến người dùng đi ngủ trễ hơn nhằm tăng thời lượng theo dõi chương trình phát sóng dù cho hành động này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Một trong số đó phải kể đến chứng trầm cảm, béo phì, thậm chí tử vong sớm.
>>9 quan niệm sai lầm về giấc ngủ phá hỏng sự nghiệp
Việc thiếu ngủ còn làm suy yếu hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Ngủ không đủ giấc không chỉ khiến sức khỏe tồi tệ hơn mà còn ảnh hưởng đến ví tiền của bạn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có giấc ngủ tốt thường có năng suất làm việc cao hơn và hiệu quả hơn, dẫn tới nguồn thu nhập cao hơn.
Raj Dasgupta - Giáo sư bộ môn y học lâm sàng của Đại học Nam California khuyên, giường ngủ chỉ nên là nơi để ngủ, tránh dùng chúng để xem phim, làm việc hay ăn vặt. Ông khuyến khích mọi người nên đặt ra mốc "thời gian xem phim" cụ thể vào ban ngày hoặc thời gian cố định trong tuần đủ để chúng không ảnh hưởng đến việc thư giãn trước khi đi ngủ.
Trong khi Netflix tuyên chuyến với cơn buồn ngủ của nhân loại thì hồi tháng 10 năm ngoái, một kênh truyền hình trực tuyến trên Youtube được tung ra với tên gọi Napflix nhằm mục đích… "ru ngủ" người xem. Đây là một nền tảng video miễn phí chuyên đăng tải những đoạn video "nhàm chán nhất, đơn điệu nhất", được lặp đi lặp lại nhằm giúp não bộ thư giãn và khiến người xem dễ chìm vào giấc ngủ, theo miêu tả của Daily Mail.
Victor Gutierrez de Tena, 32 tuổi, một trong hai nhà đồng sáng lập nói với Mashable, ý tưởng tạo ra Napflix bắt nguồn từ một trận đấu bóng nhàm chán mà ông từng coi. Hiện nội dung trên Napflix khá đa dạng, từ thể thao, âm nhạc, nấu ăn cho đến vật lý lượng tử. "Có rất nhiều video trên Youtube mà chúng tôi có thể sử dụng cho kênh của mình khiến mọi người ngủ gục trong lúc xem", Telegraph dẫn lời de Tena nói trên chương trình phát thanh Caden Ser (Tây Ban Nha) hồi năm ngoái.
Dù giấc ngủ là lợi thế cạnh tranh của Napflix hay là đối thủ không đội trời chung của Netflix thì đó vẫn là nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, điều khiến giới công nghệ quan tâm là thái độ của Netflix khi không công nhận các hãng công nghệ khác là đối thủ của mình.
>>Khách hàng nhí - mục tiêu mới của truyền hình trực tuyến
Đối thủ xuất hiện từ cơ hội
Khi được hỏi về HBO, Amazon, Youtube - những cái tên được xem là đối thủ hiện tại của Netflix, Hastings tỏ ra không lo lắng về họ bởi "thị trường hiện tại vốn quá rộng lớn". Các công ty đó và những đối thủ truyền thông khác giống như giọt nước giữa "đại dương thời gian" và "đại dương chi tiêu" rộng lớn của nhân loại, The Guardian dẫn so sánh của Hasting hôm 18/4.
Được biết, hồi tháng Tư năm ngoái, Amazon đã công khai cạnh tranh trực tiếp với Netflix trong ngành công nghiệp điện ảnh trong mảng phát hành phim. Hãng này đã cho ra mắt một dịch vụ video độc lập với nhiều quyền lợi dành cho khách hàng. Chỉ với 9 USD tiền thuê bao mỗi tháng, khách hàng có thể truy cập thẳng vào các bộ phim và chương trình ti vi có trên cơ sở dữ liệu của Amazon, theo CNN.
"Amazon có thể làm tốt công việc của mình nhưng sẽ rất vất vả để có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi. Họ chỉ hoạt động trong mảng giải trí gia đình chứ chưa phải là trận chiến sống còn. Và một lần nữa, sự thành công của HBO, khác với thành công to lớn của chúng tôi, cũng là một ví dụ điển hình minh họa cho điều này", Hastings nói.
Rõ ràng, nhận định của Hastings không làm nổ ra cuộc chiến giữa Netflix với HBO, hay với Amazon như trông đợi của nhiều người. "Khi là một công ty công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu, bạn nên khiến mọi người có cái nhìn hoang tưởng về đối thủ của mình", The Guardian hài hước bình luận.
Netflix không phải là công ty duy nhất có ý tưởng khác thường về đối thủ cạnh tranh, Uber và Facebook cũng là hai cái tên gợi nhớ cho khá nhiều người.
Cách đây vài năm, Uber từng tuyên bố "kình địch" thực sự của họ không phải là ứng dụng gọi xe Lyft mà là dự án xe tự lái của Google. Thậm chí, trong tuyên bố tầm nhìn chiến lược tương lai, Uber cho biết điều quan trọng duy nhất đối với Hãng là tồn tại đủ lâu đến ngày có thể thay thế toàn bộ tài xế taxi bằng công nghệ robot.
Về điều này, The Guardian lý giải, đôi lúc các công ty công nghệ có góc nhìn khác với mọi người về đối thủ của họ bởi chúng còn tùy thuộc vào định hướng phát triển họ đề ra trong tương lai.
Chẳng hạn, Google có thể nghĩ Google+ là một đối thủ của Facebook, trong khi Facebook lại cho rằng đối thủ của Hãng lại là trò chơi điện tử (video game) và các chương trình truyền hình trên ti vi. Người ta sẽ không bỏ Facebook để chơi một mạng xã hội khác và Facebook biết điều đó. Do đó, công việc của Hãng là kéo dài tối đa thời gian người dùng lưu lại trên Facebook. Điều này buộc Facebook phải trở nên hấp dẫn hơn tất thảy những thứ khác để người dùng dồn tâm trí cho một mình nó.
Sau cùng, thông qua cách xác định đối thủ, điều quan trọng mà các "ông lớn" công nghệ như Facebook, Uber và Netflix muốn gửi đến mọi người chính là tiềm năng phát triển lâu dài của công ty. Họ không "phớt lờ" những công ty đối thủ nhưng việc nói lời "tuyên chiến" với ai đó cũng không phải là cách hay so với việc tìm cho mình một đối thủ hoang tưởng nào đó, như lời bình luận của The Guardian.