Xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp và vấn đề lợi ích

ThS. Nguyễn Minh Hải (*)| 05/12/2021 06:00

Chúng ta thường nghe nhiều điều liên quan đến văn hóa đọc, như cảnh báo về sự sụt giảm của văn hóa đọc trong đời sống, lưu ý về những thay đổi tiêu cực trong giới trẻ về văn hóa đọc, đề xuất các giải pháp xây dựng văn hóa đọc… Nhưng có lẽ chúng ta hiếm khi đặt vấn đề lợi ích của văn hóa đọc đối với các chủ thể, đặc biệt là khi xem xét văn hóa đọc trong doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp và vấn đề lợi ích

Một trong những định nghĩa về văn hóa đọc được nhiều người nhắc đến là thái độ, ứng xử đọc, giá trị đọc, chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu đặt trong doanh nghiệp thì văn hóa đọc là thái độ, ứng xử, giá trị đọc, cách thức đọc của công nhân, người lao động, của nhà quản lý doanh nghiệp, thể hiện cả trong và ngoài doanh nghiệp, có thể góp phần tạo nên bản sắc hay giá trị riêng của doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa rằng, việc tạo thói quen đọc và xây dựng văn hóa đọc cho mỗi cá nhân, trong đó có công nhân, người lao động, người quản lý đang làm việc tại doanh nghiệp là rất tốt, nhưng khi đặt trong khuôn khổ của một doanh nghiệp thì văn hóa đọc phải tạo nên những ích lợi gì đó cho doanh nghiệp cũng như các chủ thể trong doanh nghiệp. Bởi nếu không, chúng ta không cần bàn về thực trạng hay giải pháp xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp làm gì!

Văn hóa đọc đương nhiên là nói đến đọc, nhưng có lẽ nên khu biệt trong đọc sách. Bởi hiện nay, nhiều người đọc báo, đọc thông tin trên mạng Internet, mạng xã hội... hơn là đọc sách và tự nhận rằng mình đọc một cách chăm chỉ, tích cực thì xem như đã có văn hóa đọc.

Nhìn chung là tạm xem điều đó hợp lý, nhưng trên thực tế, thông tin trên báo thì tản mạn, rời rạc, ít có hệ thống nên đọc để biết sơ sơ và để giải trí là chính, chưa tạo ra kiến thức mang tính hệ thống và có chiều sâu. Còn đọc trên mạng Internet và mạng xã hội lại đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức, chiều sâu văn hóa, thậm chí cả nhận thức chính trị đúng đắn, để không vơ lấy “cám” mà tưởng là “vàng”, không tin theo một cách lệch lạc, sai trái…

Doanh nghiệp muốn có được lợi ích từ việc xây dựng văn hóa đọc thì phải làm cho công nhân, người lao động và mọi người trong doanh nghiệp thấy rằng việc đọc sách thực sự có ích cho bản thân họ và cho doanh nghiệp. Các giải pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích… đọc trong công nhân, người lao động phải đồng thời đem đến cho họ nhiều lợi ích.

Họ đọc trước hết là để mọi người mở mang kiến thức, tự làm giàu vốn kiến thức, vốn sống, vốn văn hóa… cho bản thân, sau nữa là gợi mở những suy nghĩ, ý tưởng và hành động mới một cách tích cực. Lợi ích này lớn lắm, quan trọng lắm nhưng không phải ai cũng chịu thực hiện, dù gần như người nào cũng thấy.

Việc thì có ích nhưng làm không dễ vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn chưa hình thành được thói quen đọc, không biết đọc sách gì, không biết đọc như thế nào, không có điều kiện thực hành những điều mình đọc được, không có động lực để đọc…

Với những người ham đọc sách thì có thể đọc ngấu nghiến bất cứ thứ gì và tìm ra được những lợi ích cụ thể từ điều mình đã đọc; nhưng với những người khác, cần phải có giải pháp kích thích, thúc đẩy họ đọc. Đó là phải tìm cách tạo ra những ích lợi khác các lợi ích ở trên cho công nhân, người lao động ở doanh nghiệp.

Lợi ích vật chất đương nhiên là quan trọng và cần thiết. Có nhiều cách thức để tác động liên quan đến lợi ích vật chất. Chẳng hạn, phát động một cuộc thi tìm hiểu sách hoặc về một vấn đề nào đó mà người tham gia phải đọc sách mà giải thưởng không chỉ có giá trị động viên hoặc mang tính tượng trưng.

Link bài viết

Đương nhiên cuộc thi đó phải được tổ chức thế nào để có đông đảo người tham gia, dù là anh quản đốc có trình độ thạc sĩ hay chị tạp vụ có trình độ trung học cơ sở và cơ hội có giải thưởng không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ mà chủ yếu ở khả năng “cảm”, sự gợi mở để hình thành những ý tưởng… Do đó, một cuộc thi đại loại “Hãy tóm tắt tác phẩm X trong một trang giấy, đồng thời nêu điều tâm đắc nhất trong tác phẩm; từ điều tâm đắc đó, anh, chị có thể vận dụng để cải tiến, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc của mình trong công ty như thế nào?...

Từ đó, lợi ích tiếp theo phải chú ý là từ điều đọc được trong sách, người lao động đã vận dụng như thế nào và đem lại kết quả gì tích cực trong công việc cụ thể. Rồi kết quả đó góp phần tích cực vào việc tăng năng suất lao động để được tăng thu nhập, vào việc cải tiến kỹ thuật để được thăng tiến… Tức là, tính thiết thực từ việc thâu thái các kiến thức cần thiết khi đọc sách phải được thể hiện rõ nét.

Thí dụ, một nhân viên tiếp tân sau khi đọc sách về văn hóa giao tiếp đã có sự tiến bộ vượt bậc trong tiếp khách, ứng xử với khách thì được đánh giá là nhân viên tiến bộ của năm, được nhận một phần thưởng và năm tiếp theo đã được bổ nhiệm làm phó phòng hành chính, phụ trách giao tế… Như vậy, điều mà nhân viên tích lũy được tuy trước hết là bồi bổ cho chính bản thân người đó, nhưng sau nữa thì đem lại lợi ích vật chất cho họ và từ đó góp phần đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Lợi ích vật chất đương nhiên là quan trọng và cần thiết nhưng lợi ích tinh thần cũng rất cần được quan tâm. Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu về muốn được tin cậy, muốn được tôn trọng, muốn được thể hiện là những đòi hỏi cao của một cá nhân, sau khi vượt lên trên các nhu cầu về vật chất mang tính sinh học.

Trong một tập thể như doanh nghiệp, chắc chắn luôn có những cá nhân mong muốn được mọi người tin tưởng, giao những công việc đặc biệt, khi họ hoàn thành thì mong muốn được tôn trọng, từ đó muốn được khẳng định mình và thể hiện năng lực, vai trò, vị trí của cá nhân. Do đó, trong việc khuyến khích đọc sách, lãnh đạo doanh nghiệp cần thúc đẩy mọi người bộc lộ năng lực cá nhân để được tin tưởng, được tôn trọng, được yêu quý, được khẳng định giá trị bản thân… Tất nhiên, thực hiện cụ thể như thế nào là một nghệ thuật để không trở nên hình thức hoặc tạo ra tâm lý “ảo tưởng sức mạnh”, chuộng hư danh ở một số người.

Lợi ích tinh thần còn thể hiện ở việc người chăm đọc sách cần được biểu dương, khích lệ bằng những cách thức phù hợp. Chẳng hạn, khi trao giải thưởng cho các nhân ở cuộc thi tìm hiểu sách, dù giá trị vật chất không được xem nhẹ nhưng giá trị tinh thần ở tấm giấy khen, biểu trưng ghi dấu thành tích, hình thức trao thưởng, cách thức lan tỏa… cũng cần được quan tâm. Một phần thưởng bằng tiền có thể dùng hết rất nhanh nhưng một biểu trưng bằng pha lê hoặc gốm sứ trang trọng, đẹp mắt có thể tồn tại rất lâu và chính nó có ý nghĩa thúc đẩy sự thường xuyên đọc sách của người được tặng…

3-2045-1638686623.jpg

Khi doanh nghiệp xây dựng văn hóa đọc thành một nền nếp có tính chất bền vững thì chắc chắn sẽ hình thành nên một bản sắc riêng của doanh nghiệp đó. Bản sắc đó hẳn được thể hiện trong cách tổ chức, hoạt động và xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp, đồng thời thể hiện ở thói quen, nếp nghĩ, cách làm của từng cá nhân.

Suy cho cùng, đây cũng là một loại văn hóa của doanh nghiệp, một thứ quyền lực mềm của doanh nghiệp để người lao động không chỉ được làm việc, được kiếm sống mà còn được trải nghiệm, được chia sẻ, được khẳng định trong doanh nghiệp, có nghĩa là họ sẽ cảm thấy được hạnh phúc với công việc mình đang làm và với nơi mình đang làm. Điều đó thúc đẩy sự tận tâm, sự gắn bó và cống hiến của người lao động.

Đương nhiên, để khích lệ công nhân, người lao động đọc sách thì lãnh đạo và những người quản lý của doanh nghiệp phải thực sự yêu thích đọc sách và biết đọc. Không thích đọc thì không thể đòi hỏi người khác thích đọc, chịu đọc, càng không thể truyền cảm hứng tình yêu đọc sách, xây dựng văn hóa đọc đến với người khác. Không biết đọc thì cũng sẽ không biết chọn sách gì cho người lao động của mình, không biết hướng dẫn, gợi ý cho công nhân đọc ra sao, không biết cách tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu hay đơn giản hơn là phong trào, đợt đọc sách sao cho hay, hấp dẫn, có ý nghĩa…

Bản thân người lãnh đạo không đọc sách thì tự nhiên đã không xây dựng được văn hóa đọc trong doanh nghiệp, cho dù bằng cách nọ cách kia có thể thúc ép nhiều người đọc một cách gượng gạo. Và đương nhiên, người lãnh đạo không làm gương thì không thể thu hút hay thuyết phục người khác, không chỉ riêng trong việc đọc sách!

Có nhiều giải pháp để xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Tùy điều kiện cụ thể mà có thể áp dụng cho phù hợp. Chẳng hạn, lập tủ sách, kệ sách và phòng đọc, nơi đọc; khuyến khích người đọc tự giác chọn sách, tự giác đọc và tự giác trả lại chỗ cũ. Thường xuyên bổ sung sách mới và có danh mục sách để mọi người dễ nắm bắt (có thể giới thiệu trên trang thông tin điện tử hoặc fanpage của doanh nghiệp).

Thường xuyên tặng sách cho công nhân và con em họ vào một số dịp trong năm, như ngày thành lập doanh nghiệp, ngày Tết, ngày Gia đình Việt Nam, ngày Quốc tế Thiếu nhi… Định kỳ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách bằng những hình thức phù hợp gắn với các đợt sinh hoạt văn thể mỹ của doanh nghiệp. Thường xuyên phát động các đợt đọc sách trong doanh nghiệp theo những chủ đề nhất định và có cách thức đánh giá kết quả, hiệu quả việc đợt phát động đó. Ở bảng tin hoặc ở website hay fanpage doanh nghiệp nên thường xuyên có nội dung liên quan đến sách và việc đọc sách để nhắc nhở mọi người không quên đọc sách…

Đương nhiên, doanh nghiệp khích lệ đọc sách và nỗ lực xây dựng văn hóa đọc nhưng không có nghĩa là không xem trọng cách hình thức đọc khác hay các biện pháp nâng cao kiến thức khác. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng không quá cứng nhắc, nghiêm trọng hóa vấn đề xây dựng văn hóa đọc với các đòi hỏi quá cao hoặc đồng nhất với tất cả các đối tượng. Suy cho cùng, đọc không chỉ để biết, để làm mà còn để cảm, để vui, để lan tỏa. Cần có sự kết hợp hài hòa các hình thức, các biện pháp sao cho hiệu quả, tiện lợi, linh hoạt.

Và doanh nghiệp đừng vội cho rằng đầu tư cho sách và văn hóa đọc là đầu tư không biết bao giờ sinh lợi. Các lợi ích của doanh nghiệp và của người lao động tại doanh nghiệp không chỉ gồm những điều đã phân tích ở trên mà còn ở việc tham gia vào xây dựng những cá nhân ham đọc, ham hiểu biết, có lẽ sống tốt, có nhận thức tích cực… từ đó đóng góp cho xã hội những công dân gương mẫu, có ích. Một xã hội có nhiều cá nhân, nhiều công dân như thế thì sẽ tác động tích cực đến nhiều điều cho chính doanh nghiệp, trong tầm nhìn rộng và dài hạn.

Tóm lại, xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp. Do đó, để thực hiện được điều này, lãnh đạo doanh nghiệp cần tác động đến những yếu tố lợi ích cho công nhân, người lao động bằng nhiều hình thức, từ vật chất đến tinh thần, từ nhu cầu sinh học cho đến nhu cầu xã hội. Phát triển văn hóa đọc phải hướng đến sự tự giác, tự nguyện, chủ động chứ không phải thúc ép, cưỡng bức và trong quá trình đó, lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp phải thực sự làm gương. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều cách thức linh hoạt, tiện lợi và xem công nhân, người lao động thực sự là chủ thể trong việc xây dựng văn hóa đọc.

(*) Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp và vấn đề lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO