Truyện tranh nội - gia công ngoại

MAI ANH| 24/12/2008 06:41

Khi nguồn nhân lực phát triển, truyện tranh trong nước bị thiếu hụt cả về chất lượng lẫn số lượng thì việc gia công ở nước ngoài là giải pháp cho các công ty phát triển nhân vật.

Truyện tranh nội - gia công ngoại

Khi nguồn nhân lực phát triển, truyện tranh trong nước bị thiếu hụt cả về chất lượng lẫn số lượng thì việc gia công ở nước ngoài là giải pháp cho các công ty phát triển nhân vật.

Thiếu hụt trầm trọng nguồn lực


Thử dạo một vòng các sạp báo, nhà sách sẽ thấy hầu hết truyện tranh bày bán là của nước ngoài - chủ yếu là Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, theo lối vẽ manga do Nhật khởi xướng. Ngoài ra, còn có một số truyện theo lối vẽ Pháp/Bỉ, thường được hỗ trợ theo con đường phát triển văn hóa.

Cũng dễ hiểu. Mua bản quyền các bộ truyện tranh là giải pháp an toàn cho các nhà xuất bản trong nước. Những bộ truyện này vốn đã “đình đám” ở thị trường bản xứ, lại còn được hỗ trợ từ phim truyền hình, màn ảnh rộng và game online nên ít nhiều bảo chứng cho sự thành công khi tung ra.

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp có thể “sống chung với lũ” như Phan Thị với Thần đồng đất Việt, NXB Trẻ và Kim Đồng. Những truyện tranh của các NXB này thường gắn liền với nhân vật dân gian hoặc lịch sử Việt, nên không bị cạnh tranh nhiều.

“Có thể nói, phát triển truyện tranh ở Việt Nam hầu như rất khó vì chi phí cao nhưng giá bán lại thấp và số lượng in ít, chỉ 5.000 - 6.000 bản cho một kỳ in. Đặc biệt, chiết khấu cho phát hành khá cao: lên đến 30 - 45%”, họa sĩ Nguyễn Sơn, Phó chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ cho biết. “Vì thế, chỉ còn một số ít họa sĩ vẽ truyện tranh kỳ cựu là còn bám nghề, số còn lại chuyển sang thiết kế đồ họa, quảng cáo!”.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có các khóa đào tạo chuyên ngành vẽ truyện tranh, phim hoạt hình. Các họa sĩ vẽ truyện tranh thường tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, sau đó chuyển sang vẽ truyện tranh vì những đam mê từ thuở nhỏ. Một số trường cũng tổ chức những lớp ngắn hạn nhưng hầu hết là do các công ty gia công phim hoạt hình nước ngoài tổ chức để phục vụ cho xưởng phim hoạt hình thành lập ở Việt Nam. Gần đây, Đại học Hồng Bàng đã bắt đầu mở khoa vẽ truyện tranh (manga) và Đại học Mỹ thuật TP.HCM cũng tổ chức những khóa ngắn hạn đào tạo ngành này.

Ước tính Việt Nam chỉ có chưa đến 200 người thực sự kiếm sống bằng ngành vẽ truyện tranh, phim hoạt hình. Trong khi đó, ở Hàn Quốc có đến hơn 30.000 người, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc đã xác định truyện tranh, phim hoạt hình là ngành kinh doanh mũi nhọn, không chỉ đáp ứng cho thị trường nội địa 13 tỉ đô la hàng năm mà còn có tham vọng xuất khẩu. Không chỉ nói suông, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã đưa ra một kế hoạch cụ thể mà theo đó sẽ thành lập 15 “căn cứ địa” tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến.

Ngõ hẹp nhượng quyền nhân vật cho Việt Nam

“Những năm sắp tới, châu Á sẽ tràn ngập truyện tranh từ Trung Quốc. Hầu như không có cửa cho Việt Nam trong cuộc chơi lớn này vì đầu tư cho một ngành cần có sự phát triển đồng bộ của cả chuỗi giá trị. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tập trung vào một phần trong chuỗi giá trị đó. Cụ thể như có thể phát triển nhân vật để nhượng quyền, còn phần thực hiện truyện tranh hay phim hoạt hình thì để những nơi khác gia công - Họa sĩ Nguyễn Sơn cho biết - Ngay cả Mỹ cũng vậy, những truyện tranh xuất bản ở Mỹ hầu hết được gia công ở các nước khác!”.

“Thần đồng đất Việt”, truyện tranh chiếm được thị phần rộng nhờ gắn liền với một nhân vật dân gian


Cũng cần nói thêm, nhượng quyền nhân vật (Character licensing) đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho các công ty sở hữu nhân vật như Disney (Mickey, Winnie the Pooh, Princess) hay Cartoon Network (Ben Ten). Những công ty này sở hữu hàng trăm con át chủ bài là các nhân vật mà các nhà sản xuất - từ dầu gội, sữa tắm cho đến thực phẩm, nước giải khát, đồ chơi; các chuỗi bán lẻ mong muốn đưa hình ảnh lên bao bì. Họ sẵn sàng trả phí nhượng quyền lên đến 15% trên giá bán.

Một số công ty trong nước như McKids đang đi theo hướng phát triển nhân vật để nhượng quyền hơn là kinh doanh truyện tranh thuần túy. Và họ chấp nhận đầu tư lâu dài từ kịch bản cho vẽ, in ấn đến phát hành nhằm tăng sự nhận biết và yêu thích nơi công chúng. Nhân vật đầu tiên mà McKids phát triển là Cảnh sát trưởng tí hon, nhắm đến đối tượng học sinh cấp 1. Phối hợp với NXB Trẻ, tập truyện định kỳ hàng tháng nói về những vụ án học đường cùng với những thông tin khoa học và giáo dục. Đến nay, họ đã phát hành được 4 tập truyện.

Tuy nhiên, McKids cũng gặp phải khó khăn lớn là nguồn nhân lực có chất lượng. Để giải quyết vấn đề này, song song với nhóm họa sĩ trong nước, Công ty đã thuê Glass House Graphics (GHG) vẽ theo kịch bản cho những tập truyện độc lập. Có trụ sở ở Mỹ, GHG chuyên gia công cho những hãng truyện tranh lớn như Marvel, DC Comics nhờ sử dụng nguồn lực chất lượng cao nhưng trả lương rẻ ở Philippines, Brazil và Ấn Độ.

“Mặc dù ê-kíp làm truyện tranh của chúng tôi có đến 6 người nhưng vẫn không đáp ứng được kế hoạch xuất bản định kỳ hàng tháng. Chúng tôi luôn ở trong tình trạng “ăn đong từng bữa” và rất khó tìm được những người vừa được đào tạo bài bản lại vừa yêu thích truyện tranh.

Vì lẽ đó, chúng tôi buộc phải gia công thêm ở nước ngoài dù giá thành đắt hơn nhiều so với làm trong nước”, anh Nguyễn Phương Thụy, trưởng nhóm McKids cho biết. “Philippines là một trong những sân sau hậu thuẫn cho ngành truyện tranh của Mỹ. Phong cách vẽ của họ hợp với truyện tranh Cảnh sát trưởng tí hon của chúng tôi”.

Khi đã xác định được hướng nhượng quyền thì những công ty như McKids chỉ tập trung vào phát triển kịch bản. “Chúng tôi luôn phải dành hẳn cả ngày để tìm ý tưởng cho những tập truyện với mong muốn sao cho kịch bản hấp dẫn, bất ngờ. Vẽ cho đẹp chỉ là một phần, phần quan trọng là phải có cốt truyện hay. Điều này luôn ám ảnh chúng tôi”, anh Thụy cho biết thêm. “Tất nhiên, một khi có nhân vật hấp dẫn được nhiều người biết đến và yêu thích thì vấn đề nhượng quyền nhân vật chỉ còn là thời gian”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyện tranh nội - gia công ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO