Thời phim truyền hình Việt "Bắc tiến"

XUÂN HƯƠNG| 17/07/2018 06:25

Ngày càng nhiều phim truyền hình và diễn viên miền Nam "Bắc tiến". Đây được xem là xu hướng góp phần giúp phim truyền hình Việt luôn giữ được chỗ đứng trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ.

Thời phim truyền hình Việt

Cảnh trong phim Ngày ấy mình đã yêu

Qua rồi thời hoàng kim

Cách nay chục năm, khi tư nhân được tham gia sản xuất phim truyền hình, miền Nam nhanh chóng trở thành thị trường chính đóng góp lớn vào thời hoàng kim của phim truyện Việt (45 phút/tập) trên màn ảnh nhỏ. Với mức xuất xưởng trung bình tăng dần từ 2 - 3 nghìn tập/năm, phim truyền hình miền Nam đã giúp khai trương và nuôi dưỡng hầu hết các giờ chiếu phim Việt trên các kênh truyền hình lớn, nhỏ ở miền Nam và miền Trung. Các đài truyền hình đạt được chỉ tiêu phát sóng từ 30 đến hơn 50% phim Việt chủ yếu nhờ vào phim truyền hình miền Nam.

Có những năm hầu hết các đoàn làm phim miền Bắc thuộc Hãng Phim truyện I, Hãng Phim truyện Việt Nam gần như "ăn dầm nằm dề" ở miền Nam để hợp tác sản xuất hay nhận làm gia công phim truyền hình cho các công ty tư nhân. Nhiều diễn viên miền Bắc như Bảo Thanh, Chiều Xuân, Lã Thanh Huyền..., rồi các đạo diễn như Dũng Nghệ, Đặng Tất Bình... rất đắt sô ở miền Nam.

Link bài viết

Tất nhiên, phim miền Nam cũng "Bắc tiến" phát sóng trên VTV1, VTV3... nhưng số lượng ít và rải rác. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất miền Nam còn "chảnh", không "bán" phim cho VTV.

Khoảng 5 năm trở lại đây, miền Nam không còn là "miền đất hứa" cho phim truyền hình (45 phút/tập) nữa. Sự bùng nổ của gameshow trên truyền hình và cả phim chiếu rạp, rồi gần như mọi chi phí tăng, áp lực từ doanh thu quảng cáo, rating (chỉ số người xem) quá thấp, thu hồi vốn chậm khiến các nhà sản xuất nản lòng. Điều này đã đẩy phim truyền hình rơi vào cảnh "chợ chiều".

Năm ngoái từng có những cuộc tranh luận gay gắt cho rằng phim miền Nam "ngủ đông" vì diễn viên mải chạy theo gameshow, đóng phim điện ảnh... Các nhà sản xuất lớn như M&T Pictures, Sóng Vàng từng xuất xưởng cả nghìn tập phim mới/năm thì nay chỉ còn đầu tư cầm chừng vài trăm tập/năm, trong khi nhiều nhà sản xuất khác chuyển sang chủ yếu sản xuất phim sitcom hoặc gameshow.

Ngoài ra, khung giờ phát sóng dành cho phim truyền hình (45 phút/tập) trên nhiều đài truyền hình bị rút dần, nhường cho gameshow. Chẳng hạn, Đài Truyền hình TP.HCM đã cắt khung giờ chiếu phim (45 phút/tập) lúc 12h30 và 20h trên kênh HTV7. Các kênh THVL1 hay SCTV 14 và một số đài truyền hình cáp, đài tỉnh cũng có động thái tương tự.

Nếu trước kia phim truyền hình mang lại nguồn thu chính cho các đài, thì nay gameshow đã thế chỗ. Ngoài ra, vào thời hoàng kim, phim truyền hình được sản xuất ồ ạt khiến nhiều sản phẩm kém chất lượng lên sóng, dẫn đến khán giả mất dần niềm tin và quay lưng.

Đất lành chim đậu

Theo nhận định của các nhà sản xuất, năm nay phim truyền hình miền Nam tiếp tục rơi vào tình trạng èo uột. Sức ép rating, quảng cáo khiến phim truyền hình bị co cụm lại và chỉ xuất hiện trên vài đài truyền hình lớn. Trong khi đó, ở phía Bắc, kể từ sau cơn bão của Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai..., phim truyền hình được xem là đang khởi sắc.

Các bộ phim phát sóng vào các khung giờ của VTV1, VTV3 hằng ngày và chương trình Rubick 8 (chiều thứ bảy và chủ nhật) đều có rating khá cao, thậm chí rất cao. Điều này đã trở thành động lực để nhiều nhà sản xuất ở miền Nam tìm đường "Bắc tiến".

Từ đầu năm đến nay có các phim như Mộng phù hoa (36 tập) lấy cảm hứng từ cuộc đời cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà) được xem là "đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn" những năm 1930 - 1940, hay Mỹ nhân Sài Thành (49 tập) là câu chuyện diễn ra vào năm 1950 trong cuộc thi Người đẹp xứ Nam Kỳ được tổ chức tại Nhà hát Lớn... phát sóng trên VTV3 đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả với phong cách đậm chất Nam bộ.

Hoặc Nếu còn có ngày mai (34 tập) được phát sóng trên Rubick 8 có đề tài về gia đình và tệ nạn xã hội... cũng phát huy được thành quả mà Thương nhớ ở ai đã tạo dựng được. Và Cung đường tội lỗi tiếp tục được VTV chấp thuận cho lên sóng Rubick 8 vào cuối tháng này.

phim truyền hình việt Tình khúc Bạch Dương doanhnhansaigon

Cảnh trong phim Tình khúc Bạch Dương

Bên cạnh việc các nhà sản xuất miền Nam mang phim "Bắc tiến", cũng có nhiều diễn viên miền Nam đóng phim của miền Bắc. Có thể kể đến Chi Bảo, Thanh Mai, Hồng Loan, Nhã Phương... trong phim Tình khúc bạch dương, hay Hồng Kim Hạnh (vai Hơn) trong phim Thương nhớ ở ai, rồi NSƯT Mỹ Uyên, Lan Phương... trong phim Cả một đời ân oán, Hà Việt Dũng trong phim Ngược chiều nước mắt, Cao Thái Hà trong phim Đồng tiền quỷ ám, Nhã Phương, Nhan Phúc Vinh, Lương Thế Thành... trong phim Ngày ấy mình đã yêu (đang phát sóng trên VTV).

Lý giải về việc "Bắc tiến", một số diễn viên cho rằng chất lượng phim truyền hình phía Nam ngày càng giảm, nên họ ngược ra Bắc, hòa vào không khí làm phim đang sôi động với những kịch bản chất lượng của VFC (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam).

Ngoài ra, việc theo dõi tỷ suất khán giả của các phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai... của VIETNAM-TAM từng cho thấy, tại miền Bắc, rating trung bình là 14,28%, trong khi tại TP.HCM chỉ đạt 0,94%... nên việc đưa diễn viên miền Nam tham gia vào các bộ phim của miền Bắc là cách để thu hút khán giả cả 2 miền.

Nhiều bộ phim của miền Bắc như Ngược chiều nước mắt, Cả một đời ân oán, Tuổi thanh xuân, Tình khúc Bạch Dương... có sự kết hợp của dàn diễn viên 2 miền còn nhằm tạo sự tươi mới. Một số phim của miền Bắc như Những ngọn nến trong đêm - phần 2, Ngày ấy mình đã yêu... cũng mang quân vào Nam quay để có bối cảnh "chiều lòng" khán giả 2 miền. Việc vào Nam ra Bắc này còn khai thác được các ưu thế của giới làm phim truyền hình 2 miền, đồng thời giúp phim truyền hình Việt dần xóa đi yếu tố vùng miền, chỉ còn tập trung vào vấn đề quan trọng hơn cả là chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời phim truyền hình Việt "Bắc tiến"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO