Thấy gì ở làn sóng phim "remake"?

HOÀNG LINH LAN| 22/12/2015 04:40

Em là bà nội của anh, bộ phim được "remake" (tạm dịch: Việt hóa từ phim nước ngoài) từ phim Miss Granny của Hàn Quốc, mở đầu cho xu hướng "remake" phim nước ngoài tại Việt Nam.

Thấy gì ở làn sóng phim

Em là bà nội của anh, bộ phim được "remake" (tạm dịch: Việt hóa từ phim nước ngoài) từ phim Miss Granny của Hàn Quốc, mở đầu cho xu hướng "remake" phim nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh niềm vui Việt hóa thành công một tác phẩm điện ảnh nước ngoài là nỗi lo liệu xu hướng "remake" có nhấn chìm phim nội địa?

Đọc E-paper

 1. Sau một tuần công chiếu, Em là bà nội của anh do Phan Xine - nhà tuyển phim quen thuộc của Yxineff - đạo diễn đã thu về hơn 16,5 tỷ đồng và con số này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiệu ứng của bộ phim lan khắp các trang mạng, diễn đàn, báo chí và cả giới phê bình với những lời bình luận mà đa phần là khen ngợi, gây nên sự tò mò và tạo cú hích "truyền miệng" cho phim.

Ngay cả những người tỏ ra "dị ứng" với tựa phim cũng tò mò đến rạp xem một lần cho biết "sao khen dữ vậy". Những tràng cười thả ga, những giọt nước mắt lắng đọng, những "tỉnh ngộ” trong mối quan hệ lỏng lẻo ở các thế hệ gia đình được giải quyết thuyết phục. Người ta cảm thấy yêu thương nhau thiết tha hơn và biết quan tâm, lắng nghe hơn.

Chừng ấy thứ được chuyển tải trong một bộ phim mà người già xem thấy thích thú, người trẻ xem thấy hào hứng thì quả là đáng để các đạo diễn hay nhà làm phim khác ganh tỵ. Bởi, "remake" một bộ phim không đơn giản là "bắt chước y hệt" bản gốc, nó đòi hỏi đạo diễn và biên kịch phải thực sự hiểu, thực sự yêu cũng như có vốn sống nhất định để mang không khí, văn hóa của nước sở tại vào bản làm lại, từ thoại, nhạc phim cho đến món ăn, trang phục, tình tiết. Có quá nhiều ví dụ về việc đi xa bản gốc hoặc thất bại đớn đau của những bộ phim "remake". Ngay cả Hollywood lắm tiền nhiều của và đủ chiêu trò cũng không tránh được.

Ra rạp trước Em là bà nội của anh, Yêu - bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt Max - lấy cảm hứng từ The Love of Siam (2007), một bộ phim của Thái Lan, kể về chuyện tình của Tú và Nhi, cũng gây tiếng vang không kém. Song, do giới hạn độ tuổi cũng như còn vài hạt sạn nên phim không tạo được độ lan tỏa mạnh mẽ như Em là bà nội của anh. Tuy nhiên, sự tươi mới của phim đã thổi một làn gió sáng tạo trước hiện trạng phim Việt hài nhảm và "cố gắng" dọa ma khán giả đang tung hoành rạp chiếu.

Thế nhưng, như đã nói, bên cạnh niềm vui Việt hóa thành công những sản phẩm điện ảnh của nước ngoài là không ít băn khoăn liệu xu hướng "remake" có giết chết phim nội?

2. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, trong năm 2015, Việt Nam có 40 phim điện ảnh ra rạp. Con số này ước chừng sẽ là 60 trong năm 2017, điều mà cách đây 10 năm tưởng chừng không thể xảy ra theo quy định "20% phim nội trong tổng số phim chiếu tại rạp mỗi năm". Đi kèm với tốc độ nảy nở phim chiếu rạp là sự nở rộ của các cụm rạp trên khắp cả nước.

Tương tự sự bùng nổ của phim truyền hình cách đây vài năm, điện ảnh Việt đang rơi vào tình trạng thiếu đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp nên cũng thiếu kịch bản gần gũi với đời sống, có thể chạm vào trái tim người xem. Để giải cơn khát điện ảnh, nhiều nhà biên kịch "tự phong" mọc lên, chạy theo thị hiếu dễ dãi của khán giả.

Trong khi kỹ thuật quay, máy móc, trang thiết bị, kỹ thuật hậu kỳ ngày một cải thiện thì kịch bản vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều năm qua, đa số phim Việt là các phim tấu hài liên miên, dọa ma nhát quỷ tung hoành rạp chiếu, khiến khán giả ngán ngẩm, thậm chí gây mất niềm tin, nghe tới phim Việt là "lắc đầu nguầy nguậy", mà nguyên nhân đầu tiên và chủ chốt bắt nguồn từ khâu kịch bản quá hời hợt, quá nhảm.

Vậy thì, làn sóng "remake" những tác phẩm cực kỳ ăn khách tại nước ngoài trước nhất sẽ mang khán giả đến rạp, cống hiến cho họ những bộ phim chỉn chu, tử tế, có thể cười thư giãn nhưng cũng có sự lắng đọng nhất định, giúp họ quên đi các màn chọc cười lộ liễu, kém duyên. Nó còn nâng tầm thị hiếu thẩm mỹ của đạo diễn, của nhà sản xuất - người bỏ tiền làm phim - bởi khi khán giả đã chán hài nhạt, hài nhảm thì làm cho ai xem? Nó đồng thời chọn lọc tác giả kịch bản, buộc họ phải tìm tòi, đầu tư chất xám thay vì làm chiếu lệ, qua quýt như hiện nay. Những ai không đủ khả năng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Nói như vậy không có nghĩa điện ảnh Việt vắng những kịch bản hay, thiếu những nhà biên kịch giỏi, song những người này đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Và thay vì lo lắng, băn khoăn, các nhà biên kịch, các đạo diễn... hãy nhìn theo hướng tích cực nhất, trau dồi tay nghề để có thể sản xuất những bộ phim hay hơn.

>Điện ảnh Việt vào mùa "Yêu"

>Liên hoan Phim Việt: Khi nào mới hết cảnh "cả nhà cùng vui"?

>Diễn viên Hoàng Phúc: 2015 là năm bùng nổ phim Việt

>Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền: 16 câu thoại và một tuyệt tác

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thấy gì ở làn sóng phim "remake"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO