Sân khấu kịch còn lắm gian nan

ĐINH NGUYỄN| 28/10/2018 06:26

Với sự phát triển của internet và sự bùng nổ của gameshow trên truyền hình, phim chiếu rạp những năm gần đây, sân khấu kịch TP.HCM rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều sân khấu nhỏ phải tạm ngưng hoặc chỉ diễn vài suất một tháng để cầm cự.

Sân khấu kịch còn lắm gian nan

Cảnh trong vở Tiên Nga của Sân khấu IDECAF

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, NSƯT Thành Lộc chia sẻ: "Nhiều người nói kịch đang ngày càng mai một, còn với tôi, kịch có mai một hay không thì sân khấu phải tự giải quyết bài toán đó chứ không phải là khán giả. Chính chúng tôi đã cho khán giả "ăn mì gói" nhiều đến nỗi khi ăn một tô mì được kéo sợi thủ công, họ không thể cảm nhận được sự khác biệt nữa".

Lép vế vì công nghệ

Cũng mới đây, trong chuyến vào Nam biểu diễn giao lưu và phục vụ khán giả TP.HCM, NSND Lệ Ngọc - chủ Câu lạc bộ Sân khấu Lệ Ngọc (một trong số ít đơn vị nghệ thuật xã hội hóa của thủ đô) đã nói: "Các nghệ sĩ sân khấu chẳng cần phải diễn vì danh hiệu NSND này, NSƯT kia, chỉ cốt làm sao để sân khấu sáng đèn đều đặn, ít khán giả cũng được, quan trọng là họ tự bỏ tiền ra mua vé vào xem. Tôi rất ngưỡng mộ và muốn học hỏi cách làm của các sân khấu tư nhân tại TP.HCM. Trong đợt du diễn ngắn hạn lần này, tôi mang 2 vở tốt nhất để "đo nhiệt", sẵn sàng đối thoại cùng khán giả, họ khen hay chê tôi đều vui. Nếu họ còn muốn xem và muốn Lệ Ngọc thay đổi, tôi sẵn sàng thay đổi để chiều lòng họ, vì theo tôi chỉ có khán giả mới cứu được sân khấu Việt Nam".

Link bài viết

Trên thực tế, thị trường sân khấu kịch tại TP.HCM luôn được đánh giá là sôi động khi có nhiều sân khấu xã hội hóa ra đời và gặt hái được ít nhiều thành công, như IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Thế Giới Trẻ, TKC, Hồng Hạc, Minh Nhí, Quốc Thảo... Nhưng không phải vì thế mà dễ làm và dễ có khán giả. Với sự phát triển của internet và sự bùng nổ của gameshow trên truyền hình, phim chiếu rạp những năm gần đây, sân khấu TP.HCM rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều sân khấu nhỏ phải tạm ngưng hoặc chỉ diễn vài suất một tháng để cầm cự.

NSƯT Trịnh Kim Chi - chủ Sân khấu TKC than thở: "Bây giờ khán giả ngồi ở nhà cũng có thể xem được rất nhiều chương trình giải trí trên truyền hình nên để tồn tại, nhiều chủ sân khấu phải gồng gánh nhiều chi phí đầu tư dựng vở mới hay chịu lỗ để lôi kéo thêm khán giả".

Ngay cả Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra vào tháng 4 vừa qua ở TP.HCM, quy tụ nhiều vở đặc sắc của các đoàn kịch trên toàn quốc, dù phát vé miễn phí cũng không nhận được sự hưởng ứng của khán giả.

Diễn viên Nam Thư cảm thán: "Đúng là tâm lý chung thì ai cũng thích xem miễn phí nhưng sân khấu vẫn có lượng khán giả riêng. Làm sao để khán giả trẻ thích xem miễn phí trên mạng xã hội hiện nay sẽ đến sân khấu thưởng thức là điều những người làm nghệ thuật trăn trở và vô cùng khó khăn để thực hiện bởi còn phụ thuộc vào sở thích lẫn cảm nhận của mỗi người".

Phải tự làm mới mình

Thế nhưng, việc thay đổi cho phù hợp với thời cuộc phải bắt nguồn từ nội lực của chính người làm sân khấu. "Theo tôi, điều quan trọng hơn hết là sân khấu kịch phải có cái mới, cái lạ, thậm chí hoành tráng để kéo khán giả quay lại với mình", NSƯT Trịnh Kim Chi nói. Nhiều sân khấu phải tìm nhà tài trợ mua vé và có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho các tập thể mua vé xem kịch, nói chung là làm đủ cách để níu kéo khán giả đến với sân khấu.

Ngọc Hùng của Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cho biết: "Bấy lâu nay thường chỉ tập trung đầu tư cho vở diễn mà quên quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm sân khấu đến với công chúng. Việc đầu tư cho vở diễn trước giờ mới chỉ dừng ở những chi phí cho kịch bản, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên... Để đưa sân khấu đến với công chúng, cần có những đột phá trong việc quảng bá”.

Thông thường, khi một vở diễn ra đời, các sân khấu chủ yếu nhờ báo chí truyền thông chứ chưa có mấy vở được quảng bá rầm rộ trên băng rôn treo khắp đường phố cho nhiều người biết. Phương tiện truyền thông, mạng xã hội phát triển là cách quảng bá hữu hiệu, song nhiều vở diễn chưa khai thác được lợi thế từ các phương tiện này.

Trong khi vở Tiên Nga của Sân khấu IDECAF biểu diễn được nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài cả tháng với những suất bao cả nhà hát của các trường học là nhờ sự đầu tư, dàn dựng kỹ lưỡng về kịch mục và phương thức tiếp thị bán vé một cách chuyên nghiệp và sâu rộng của đơn vị tổ chức.

"Tôi may mắn được sang thành phố New York bên Mỹ dự một liên hoan sân khấu và tôi thấy ở đó có một trục đường người ta chỉ diễn nhạc kịch. Ngoài con đường đó ra còn có những trục đường khác là nơi dân kịch nói làm việc. Có những đoàn chỉ bán 70 vé cho một suất diễn và họ làm những vở kịch đi sâu vào sự thể nghiệm, là nghệ thuật 100%. Còn ở Việt Nam, sân khấu kịch chỉ có một màu. Bản thân chúng tôi là những người làm nghề thường bị áp lực về việc bán vé. Dần dần các tác phẩm cứ có gam màu giống nhau và người xem thì không có sự lựa chọn. Suy cho cùng, thay vì đổ thừa cho khán giả, chúng tôi phải vận động nhiều hơn", NSƯT Thành Lộc - đạo diễn của vở Tiên Nga chia sẻ.

TS. Nguyễn Thị Minh Thái - nhà phê bình sân khấu, cố vấn nghệ thuật và truyền thông của Câu lạc bộ Sân khấu Lệ Ngọc nhìn nhận: "Bi kịch lớn nhất của sân khấu Việt Nam hiện nay là làm sao tìm lại được lượng khán giả đã mất sau những năm tháng diễn các vở khá mờ nhạt về kịch bản, xa rời việc đối thoại với đời sống khiến khán giả mất niềm tin nên dần quay lưng với sân khấu để tìm đến những nơi dễ dàng đối thoại hơn như mạng xã hội chẳng hạn".

Như vậy, thay vì ngồi chờ khán giả đến với mình, bây giờ các sân khấu phải chủ động tiếp cận công chúng, nghĩa là phải biết cách quảng bá các vở diễn tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sân khấu kịch còn lắm gian nan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO