Hậu kịch Tết 2018, sân khấu kịch nỗ lực cho mùa mới

HƯƠNG BÌNH| 15/04/2018 06:22

Sau mùa diễn Tết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng sân khấu kịch ở TP.HCM vẫn nỗ lực đầu tư vở mới để phục vụ khán giả.

Hậu kịch Tết 2018, sân khấu kịch nỗ lực cho mùa mới

Cảnh trong vở Châu về hợp phố của Sân khấu kịch Phú Nhuận

Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 11 - 26/4. Dịp này, các sân khấu kịch cũng tập trung làm vở mới vừa dự Liên hoan, vừa phục vụ công chúng trong mùa hè sắp tới.

Đầu tiên là sự trở lại của Sân khấu kịch 5B với vở Gương mặt kẻ khác, sau 2 năm đóng cửa. Ngoài vở diễn tham dự Liên hoan lần này, 5B sẽ có một vở diễn được làm mới lại và một vở hoàn toàn mới khác.

Sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân tham gia Liên hoan với vở Đàn bà dễ có mấy tay được làm mới lại và Châu về hợp phố được Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM đầu tư, hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Bên cạnh đó, Lục sắc là vở kịch mới được NSND Hồng Vân đầu tư cho Sân khấu kịch Super Bowl.

Sân khấu Thế Giới Trẻ dựng một vở mới đề tài về ngư dân, lòng dũng cảm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc để tham gia Liên hoan và phục vụ khán giả vào dịp 30/4 tới.

Link bài viết

Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi tham gia Liên hoan với 2 vở Rặng trâm bầu, Một thời để nhớ thuộc thể loại chính kịch, đề tài chiến tranh cách mạng.

Sân khấu kịch Minh Nhí mang Tiếng vạc sành dự thi Liên hoan và sẽ ra mắt vở mới Thương nhau ngày mưa vào cuối tháng 4 này.

Không tham gia Liên hoan do vướng quy định thời lượng vở diễn chỉ từ 90 - 120 phút, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh và IDECAF vẫn làm vở mới. Hoàng Thái Thanh ra mắt vở Con ma nhà họ Hứa, không đi theo hướng ma quái, kinh dị, rùng rợn mà là thông điệp về tình yêu, tình người, thuộc thể loại tâm lý, xã hội. Còn IDECAF ra mắt vở mới Tứ đại mỹ nhân.

Chưa đủ thời gian "thôi nôi" để được dự Liên hoan, Sân khấu kịch Quốc Thảo chính thức ra mắt với vở mới Nắng chiều nói về sự cô đơn của con người trong cuộc sống hiện đại. Sân khấu kịch Hồng Hạc vừa ra mắt vở mới Eugénie Grandet có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Pháp Honoré de Balzac. Đặc biệt, Sân khấu kịch Lê Hoàng bắt tay với NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ và doanh nhân - nghệ sĩ Kim Ngân đầu tư vở Thái hậu Dương Vân Nga nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương trong tháng 5 tới.

Có thể thấy, trong bối cảnh gameshow giải trí xuất hiện dày đặc trên truyền hình, phim chiếu rạp nở rộ thì việc các sân khấu kịch vẫn làm vở mới phục vụ khán giả là nỗ lực rất lớn. Nói như nghệ sĩ Ái Như của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thì để có thể giữ cho sân khấu sáng đèn, họ phải cố gắng mỗi năm cho ra mắt ít nhất 3 vở vào ngày thường, cuối năm và dịp Tết.

sân khấu kịch 5B doanhnhansaigon

Cảnh trong vở Gương mặt kẻ khác của Nhà hát kịch 5B

Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất của các sân khấu không phải là kinh phí đầu tư vở diễn mà là chi phí cố định hằng đêm cho mặt bằng, cát-xê của nghệ sĩ, lương của nhân viên sân khấu để duy trì sự sáng đèn. Sân khấu Hoàng Thái Thanh do NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như cùng góp vốn thành lập và tồn tại được 8 năm. Nhưng suốt 8 năm qua, họ chưa lấy lại được vốn bỏ ra. Mỗi suất diễn bán được 140 vé thì họ sẽ không phải bù lỗ, chưa tính đến việc hoàn vốn. Nhưng một đêm diễn bán dưới 100 vé là thường xuyên, còn dưới 50 vé thì sân khấu không thể sáng đèn.

NSND Hồng Vân từng chia sẻ chị phải cố duy trì cả 2 điểm diễn vì mở một sân khấu là việc rất khó. Tiền thuê mặt bằng chính là khoản lỗ sân khấu gánh chịu, còn tiền bán vé chỉ đủ để trang trải cuộc sống diễn viên. Sân khấu Phú Nhuận là nơi nuôi Sân khấu Super Bowl và Hồng Vân nhiều lần phải bỏ tiền để nuôi sân khấu theo kiểu "giật gấu vá vai".

Từ nhiều năm qua, ngay cả thời điểm sân khấu kịch "ăn nên làm ra", mặt bằng vẫn luôn là nỗi lo lớn vì ảnh hưởng không ít đến sự sống còn của sân khấu. Năm ngoái, Sân khấu kịch IDECAF có tuổi đời hơn 20 năm rút lại chỉ còn một điểm diễn ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1), còn điểm diễn ở đường Trần Cao Vân đã hoạt động 17 năm phải tạm ngưng với lý do sửa chữa. Hồi tháng 2 vừa qua, Sân khấu Super Bowl của bà bầu Hồng Vân suýt phải đóng cửa, may mắn là bên công ty cho thuê mặt bằng đã giảm 50% giá thuê nên mới sáng đèn lại.

So với các sân khấu khác, Super Bowl gặp bất lợi về đường sá xa xôi, kẹt xe liên miên do tình trạng quá tải của đường vào sân bay Tân Sơn Nhất. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh ở Trung tâm Văn hóa quận 10 có mặt bằng rộng nhưng lại không đông dân cư và quá gần thủ phủ cà phê khu cư xá Bắc Hải nên khán giả xem kịch chủ yếu là người thực sự yêu mến sân khấu và các nghệ sĩ kịch.

Được biết, bên cạnh tổ chức các suất diễn hằng đêm, một số sân khấu tích cực liên hệ với các trường học, công ty, khu chế xuất... biểu diễn phục vụ học sinh, công nhân. Các sân khấu như Minh Nhí, Hồng Vân, 5B, Trịnh Kim Chi... đều mở lớp đào tạo diễn viên để có nguồn nhân lực trẻ và có thêm nguồn kinh phí phục vụ hoạt động biểu diễn.

Gần đây, Hội Sân khấu TP.HCM đã đầu tư để Nhà hát 5B thực hiện vở kịch mới Kỳ án xứ Mặt trời, hay Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM giao cho Sân khấu kịch Phú Nhuận làm vở Châu về hợp phố phục vụ khán giả trong thành phố và ở các tỉnh. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho nghệ thuật vẫn chỉ như "muối bỏ bể". Nhưng "dù tài chính vẫn là chuyện đau đầu thì chúng tôi vẫn không nhụt chí và đang bừng bừng lửa làm nghề”, Nghệ sĩ Quốc Thảo chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hậu kịch Tết 2018, sân khấu kịch nỗ lực cho mùa mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO