Phim truyền hình khởi sắc nhờ Việt hóa?

NHƯ THỦY| 15/04/2017 06:32

Phản hồi tích cực của khán giả dành cho Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gia đình là số 1, Gia đình vui nhộn có kịch bản Việt hóa có giúp phim truyền hình Việt khởi sắc hơn?

Phim truyền hình khởi sắc nhờ Việt hóa?

Phản hồi tích cực của khán giả dành cho Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gia đình là số 1, Gia đình vui nhộn có kịch bản Việt hóa, đang phát sóng trên VTV, HTV liệu có giúp phim truyền hình Việt khởi sắc hơn?

Đọc E-paper

Khoảng hơn 10 năm trước, đã từng "nở rộ" trào lưu Việt hóa kịch bản phim nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bộ phim không thành công đã khiến trào lưu này nhanh chóng bị thoái trào. Nhưng từ đầu năm đến nay, phim có kịch bản Việt hóa đang được "ưu ái" phát sóng vào các khung giờ vàng của cả Đài Truyền hình quốc gia. Có thể kể: Gia đình là số 1 (280 tập) có kịch bản xuất xứ từ Hàn Quốc, Gia đình vui nhộn (100 tập) được "Việt hóa" từ Home improvement của Mỹ, Người phán xử (46 tập) có kịch bản gốc của Israel, Sống chung với mẹ chồng (32 tập) chuyển thể từ kịch bản của Trung Quốc.

Điểm chung là cả 4 bộ phim này đều có phiên bản gốc ăn khách ở nước sở tại, ví như The Abitrator của Người phán xử từng đạt 6 tỷ lượt xem và là phim thương mại thành công nhất ở Israel. Nhờ vậy, từ những tập đầu lên sóng, Người phán xử đã tạo được "cơn sốt" trên các diễn đàn mạng, bởi kịch bản mới lạ và táo bạo, nhân vật sắc sảo, lời thoại ấn tượng... so với các phim hình sự trước đây của Việt Nam.

Xoay quanh "cuộc chiến" giữa bà mẹ chồng khó tính, cay nghiệt và cô con dâu cá tính, hiện đại, Sống chung với mẹ chồng chỉ mới tung trailer mà fanpage của phim đã có gần 130.000 lượt "like" cùng nhiều diễn đàn được lập ra để thảo luận và phỏng đoán về các tình tiết của phim. Đây là điều rất ít phim truyền hình Việt Nam làm được. Và VTV đã quyết định tăng thời lượng phát sóng Sống chung với mẹ chồng từ 2 buổi lên 3 buổi (thứ Tư đến thứ Sáu hằng tuần) trên kênh VTV1.

Trước hiệu ứng ban đầu của phim "Việt hóa" đang phát sóng, nhiều người dự đoán trào lưu này sắp tới sẽ "bùng nổ” và lấn át các dòng phim khác. Bởi khi phim truyền hình Việt đang sụt giảm rating, thu hút quảng cáo kém thì làm phim "Việt hóa" là cách giúp các nhà sản xuất dễ dàng thu hồi vốn.

Theo nhà biên kịch và nhà sản xuất Châu Thổ của Công ty Senafilm, khán giả xem phim ngày nay tập trung hơn vào yếu tố kịch bản nên cần những câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ. Nhưng người viết kịch bản đáp ứng được yêu cầu này ở Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhu cầu sản xuất phim rất cao.

>>Phim truyền hình Việt: Về với ruộng đồng

Cũng có ý kiến cho rằng, chọn cách Việt hóa phim ăn khách có sẵn đồng nghĩa với việc nhà sản xuất đặt mục tiêu doanh thu cao hơn những sáng tạo trong nghề. Đấy là một lý do khiến giải thưởng Cánh diều mấy năm nay nói "không" với cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình Việt hóa.

Nhưng trên thực tế, không dễ dàng cứ bê nguyên xi kịch bản gốc đưa vào làm phim. Ví dụ, Người phán xử ở phiên bản gốc, các cảnh sex, bạo lực, hành động xuất hiện khá nhiều vì văn hóa Israel tương đối cởi mở. Khi về Việt Nam, để phù hợp với văn hóa của người Việt, các nhà biên kịch đã phải cắt giảm tối đa các cảnh này.

Đang chuẩn bị bấm máy bộ phim Mối tình đầu của tôi dài 32 tập, có kịch bản gốc từ She was pretty - phim truyền hình từng gây "sốt" khắp châu Á, đại diện TV Hub cho biết, do mong muốn mang đến cho khán giả một bộ phim đạt chất lượng, đáng theo dõi nên TV Hub mới quyết định mua bản quyền phim nước ngoài về thực hiện.

Nhưng phần Việt hóa, theo nhà sản xuất này, là thử thách thật sự, vì chủ trương không Việt hóa một cách máy móc mà phải có một số điểm khác biệt so với kịch bản gốc nên đã có tới 3 nhóm biên kịch được mời tham gia, và 2 nhóm đã "chào thua", bỏ chạy giữa chừng.

Bên cạnh kịch bản, phim Việt hóa vẫn cần được đầu tư nhiều khiến kinh phí đội lên cao. Ví như với Gia đình là số 1, nhà sản xuất Điền Quân cho biết phải chi ra gần 50 tỷ đồng cho 208 tập phim; hay Người phán xử được thu tiếng đồng bộ, và theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC, phim đạt chuẩn về kỹ thuật lẫn nghệ thuật nên có thể xuất khẩu. Như vậy, kinh phí cho Người phán xử chắc chắn cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất chung của phim truyền hình hiện nay.

Thừa nhận Mối tình đầu của tôi không thể sánh được với phiên bản gốc về mức độ đầu tư, khi Hàn Quốc chi gần 7 tỷ đồng/tập phim, nhưng để phim vẫn giữ nguyên tinh thần của dòng phim chick-flick (nữ quyền) hiện đại thì nhà sản xuất cho biết là "cầm chắc lỗ, chỉ hy vọng lỗ nhẹ". Dù vậy, hiện đã có thêm những dự án phim Việt hóa từ kịch bản của Columbia, Mexicô, Thái Lan... đang và sắp được triển khai.

>>Những khuynh hướng của truyền hình thế giới 2017

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim truyền hình khởi sắc nhờ Việt hóa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO