Nhà văn và doanh nhân cần tạo mối liên kết theo “tình tri kỷ”

Hồng Nga| 05/10/2022 06:58

Sách viết về doanh nhân rất cần cho giới trẻ lập thân, lập nghiệp, vì vậy, để có những cuốn sách hay, nhiều thông tin giá trị, cần tạo mối quan hệ “tình tri kỷ” giữa nhà văn và doanh nhân.

Chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề "Doanh nhân viết và viết về doanh nhân"sáng ngày 5/10, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM cho rằng, lực lượng doanh nhân không chỉ giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế đất nước mà còn góp phần tác động đến sự thay đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu. Sản phẩm được làm ra từ doanh nhân và doanh nghiệp (DN) giúp xã hội có cuộc sống đủ đầy hơn về vật chất và làm bệ phóng vươn đến những tầm cao mới, những khát vọng mới. Trong khi đó, sản phẩm được sáng tạo bởi các nhà văn là dưỡng chất của tâm hồn, giúp đời sống con người thêm phong phú và đa dạng.

Nhà văn và doanh nhân tuy khác nhau về nghề và cũng không giống nhau về nghiệp nhưng có cùng triết lý hành động. Đó là với tác phẩm sáng tạo của mình (giá trị vật chất và tinh thần), góp phần mang lại giá trị thụ hưởng cho con người, cho cộng đồng, dân tộc và có thể vượt qua ranh giới của quốc gia, nhà văn và doanh nhân còn có thể góp giá trị từ sản phẩm sáng tạo của mình cho nhân loại. 

-4757-1664963882.jpg

Các doanh nhân và nhà văn chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm - Ảnh: Ngô Thế Bảo.

Với nhà văn Bích Ngân, doanh nhân là đội ngũ giàu trí tuệ, đầy trách nhiệm với cộng đồng. Họ dám thay đổi, dám bứt phá để vươn lên, giành lấy cơ hội hội nhập toàn cầu… Vì vậy, họ đã trở thành “đối tượng” quyến rũ đối với nhà văn, để nhà văn có thể tiếp cận, khám phá… Và qua sự trải nghiệm, qua cuộc đời thăng trầm, qua sự được mất và cả những trăn trở, ưu tư, những hoài mong, khát vọng của doanh nhân, nhà văn có thể nắm bắt được những mạch nguồn có giá trị nhân văn. Từ đó, tác phẩm văn chương có thể được hình thành, có thể được in thành sách và quyển sách đó có thể tạo nên giá trị tinh thần quý báu cho nhiều người, cho xã hội hôm nay và có thể còn giá trị đến mai sau.

Nhận xét về giới doanh nhân, nhà văn Trầm Hương cho rằng, mỗi cuộc đời doanh nhân gợi mở những quyển sách chưa viết ra, hay những quyển sách đã được viết để chúng ta tìm đọc, tôn vinh và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, viết về doanh nhân rất khó... Bởi, nhà văn và doanh nhân phải hiểu nhau, yêu mến nhau, trân quý những giá trị của nhau. Tiếc là mối quan hệ này đôi khi chỉ một chiều. Nhiều doanh nhân nghĩ rằng có tiền là có được tác phẩm, thậm chí phải là những tác phẩm hay.

-4256-1664963882.jpg

Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Ngô Thế Bảo.

Doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm nên tác phẩm viết về họ. Đôi khi, họ có những vấn đề riêng tư, những bí mật phải chôn vùi, những bí quyết khó có thể chia sẻ. Và thành công của họ thật đáng học hỏi, cần được chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua số phận, những giới hạn, rào cản...

“Viết về doanh nhân rất khó. Đường đi một quyển sách viết về doanh nhân đến với công chúng cũng là câu chuyện đáng bàn. Nhà văn không phải là người viết thuê (ngoại trừ khi họ tự nguyện) mà đồng sở hữu tác phẩm. Sự thành công tác phẩm, sách "lăn" vào tay nhiều bạn đọc sẽ mang lại sự khích lệ, động viên về tinh thần lẫn vật chất cho những người cùng kiến tạo nên tác phẩm”, nhà văn Trầm Hương đúc rút.

Để có những tác phẩm viết về doanh nhân hay, các nhà văn cho rằng, doanh nhân và nhà văn có thể “sánh vai nhau, đi cùng nhau” để doanh nhân làm nên những sản phẩm tốt hơn còn nhà văn có thể viết nên những tác phẩm hay hơn. Bởi văn học nghệ thuật là tinh hoa của văn hóa mà văn hóa vừa là động lực vừa là đối tượng của kinh tế. 

-2970-1664960324.jpg

Nhà văn Trầm Hương cho rằng, để có những tác phẩm hay viết về doanh nhân, cần có "tình  tri  kỷ" giữa doanh nhân và nhà văn với nhau - Ảnh: Thanh Lâm.

Thậm chí, theo nhà văn Trầm Hương, làm sao có được “tình tri kỷ” giữa nhà và doanh nhân, để họ tin cậy, gởi gắm tâm tự, sẵn sàng trả lời những câu hỏi khó, tự nguyện dành thời gian vô hạn định cho mình, sẵn sàng bộc lộ tính cách, nội tâm con người đầy mâu thuẩn, xung đột và nghịch lý của họ; những bước đi táo bạo, những bức phá và quyết liệt hành động... Và để có “tình tri kỷ” ấy, nhà văn phải học tư duy của doanh nhân, phải có kiến thức về lĩnh vực DN mình thể hiện. Và nhà văn cần phải đặt mình vào vai trò doanh nhân để thể hiện được nội tâm của họ.

Đó là nguyện vọng của giới văn chương để Việt Nam có những tác phẩm viết về doanh nhân Việt Nam hấp dẫn. Bởi hiện nay, sách viết về doanh nhân Việt chưa nhiều và chưa có tác phẩm xuất sắc như những cuốn viết về Steve Jobs, Bill Gates hay Lý Gia Thành.

-7377-1664963882.jpg

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) chia sẻ cảm nghĩ của mình tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Lâm.

Như chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh đồng thời cũng là một tác giả sách, mỗi năm Việt Nam xuất bản hơn 30.000 đầu sách mới, trong khi đó, sách về doanh nhân chỉ khoảng 100 cuốn. Có khá nhiều doanh nhân viết sách trên thế giới trở thành sách bán chạy nhất trên thế giới hiện nay với hàng triệu bản, và những cuốn sách này cũng bán rất chạy tại Việt Nam. Bạn đọc Việt Nam đang mong muốn và kỳ vọng được đọc sách của doanh nhân viết. 

Những trăn trở của doanh nhân, nhà văn cũng là lý do để Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM, Công ty Đường sách TP.HCM, Hội đồng sách doanh nhân, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tổ chức tọa đàm“Doanh nhân viết và viết về doanh nhân”. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn kỳ vọng, trong thời gian tới giới cầm bút sẽ có tương tác và kết nối gần gũi hơn, để có thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị văn học về doanh nhân, DN, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Các đầu sách này cũng sẽ được đưa vào Tủ sách Doanh nhân Việt Nam để lưu truyền cho các thế hệ tương lai. 

-4326-1664960324.jpg

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng bạn đọc Việt Nam đang mong muốn và kỳ vọng được đọc sách của doanh nhân viết - Ảnh: Thanh Lâm.

Để kỳ vọng này thành hiện thực, bên cạnh tọa đàm, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rất nhiều hoạt động, đặc biệt là việc mắt Tử sách doanh nhân Việt Nam. Tạp chí cùng với nhiều đơn vị cố gắng làm nhịp cầu kết nối giữa nhà văn và doanh nhân, kết nối bằng trách nhiệm và cả sứ mệnh, nhằm góp phần xây dựng một xã hội vừa giàu mạnh về kinh tế, vừa phong phú về giá trị tinh thần và biết tôn vinh giá trị vĩnh hằng của cái đẹp và sự vĩnh hằng của giá trị nhân văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà văn và doanh nhân cần tạo mối liên kết theo “tình tri kỷ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO