Giữ gìn văn hóa dòng sông: Cứ tưởng thời ấu trĩ đã qua

BÍCH HỒNG| 10/06/2015 07:32

Tôi đã tận mắt thấy những con tàu vét cát làm con sông đỏ ngầu, những ngư dân cần mẫn lặn xuống đáy sông mò vớt cổ vật theo đơn đặt hàng của các nhà sưu tầm văn hóa.

 Giữ gìn văn hóa dòng sông: Cứ tưởng thời ấu trĩ đã qua

Khái niệm không gian văn hóa của các dòng sông đã rõ ràng và cụ thể khi liên quan đến quy hoạch cảnh quan kiến trúc của đô thị. Nhưng ngoài quy hoạch đô thị, không gian đó không chỉ gói gọn ở các điểm nhấn kiến trúc nhà cửa, cầu và cây xanh.

Đọc E-paper

Tôi cảm nhận rõ điều đó khi một lần ngồi trên thuyền đi dọc theo sông Hương, từ thượng nguồn đến trung tâm thành phố, đã tận mắt thấy những con tàu vét cát làm con sông đỏ ngầu, những ngư dân cần mẫn lặn xuống đáy sông mò vớt cổ vật theo đơn đặt hàng của các nhà sưu tầm văn hóa.

Cảm nhận rõ ràng Huế đang sở hữu một không gian văn hóa sông Hương đậm đặc nhất trong những dòng sông ở Việt Nam. Ven hai bên bờ, những ngôi làng còn nguyên vẹn, làng nghề, làng cổ, đình chùa vẫn an nhiên tự tại.

Ở trung tâm thành phố, người Huế tự hào vì là thành phố duy nhất đã dành những biệt thự đẹp cho mục đích lập bảo tàng, kể cả khu nhà lớn như UBND thành phố Huế. Một số biệt thự ven sông trở thành nơi triển lãm cổ vật và sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như nối thêm dòng chảy văn hóa vật thể đến du khách. Người Huế có quyền tự hào về biệt thự trưng bày tác phẩm của Điềm Phùng Thị, trung tâm mỹ thuật Lê Bá Đảng, đó là những nghệ sĩ thành danh trên thế giới rồi trở về với Huế.

Một chợ cổ vật ở ven sông như vết son đẹp hoàn tất bức tranh không gian văn hóa của một dòng sông, bởi vì toàn bộ cổ vật ấy đều được vớt lên từ đáy sông Hương, chúng lưu giữ lịch sử người Chăm, người Việt từng sống ở đây. Bởi vậy, khi đến tham quan Huế, dù không đúng dịp Festival Văn hóa, chỉ cần tiếp cận hệ thống văn hóa vật thể, ngắm dòng sông Hương lãng mạn cũng thấy thỏa mãn phần nào.

Hầu như ai cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp và sự hòa hợp giữa hai phong cách kiến trúc thuộc địa và bản địa tạo bản sắc cho sông Hương. Tuy nhiên, giữ gìn sự hòa hợp hoàn hảo đó luôn là cuộc đấu tranh của phát triển khi phong trào lấn ra mặt tiền trở thành cảm hứng thị trường bất động sản.

Không gian kiến trúc sông Hương nhiều lần bị đe dọa bởi lợi ích phát triển, lúc thì xây dựng khu du lịch trên đồi Vọng Cảnh, lúc lại xuất hiện dự án resort trên cồn Dã Viên, và rất nhiều công trình lăm le chiếm "đất vàng" hai bên bờ sông, nơi những thảm cỏ xanh mịn bình yên, là nơi người Huế nghỉ chân ngắm cảnh hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa.

Cứ tưởng giai đoạn ấu trĩ trong quản lý đô thị đã qua, nhưng mới đây, ngày 24/4, tại một hội thảo về quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, đơn vị tư vấn Hàn Quốc do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mời đã công bố phương án với quá nhiều công trình hạ tầng giải trí hai bên bờ sông.

Dù mới ở giai đoạn tư vấn, nhưng dư luận trong giới chuyên môn và các nhà nghiên cứu Huế đã có nhiều ý kiến lo lắng cho số phận của không gian văn hóa sông Hương với những nhu cầu về phim trường, dịch vụ nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch... Không thể không lo lắng bởi vì sức ép khai thác những "không gian vàng" tại các đô thị là rất lớn.

Những thành phố khác cũng đang quyết liệt xây dựng bản sắc cho không gian văn hóa những con sông, đặc biệt khi con sông chảy ngang qua các khu vực trung tâm đô thị. Lấy ví dụ con sông Hàn chảy qua trung tâm thành phố Đà Nẵng. Sông Hàn là một điểm nhấn quan trọng, và thành phố đã đầu tư những cây cầu bắc qua sông với nhiều kiểu kiến trúc nghệ thuật.

Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ có thể tạo ra một không gian văn hóa mới cho thành phố chứ không thể bảo tồn không gian cũ. Hầu hết các biệt thự ven bờ sông đều đã bị phá bỏ, thay vào đó là một số tòa nhà mới có kiến trúc hiện đại, các khách sạn cao tầng. Những làng chài bị giải tỏa toàn bộ, nhường chỗ cho kiến trúc mới. Các bảo tàng và thư viện chưa nâng cấp thành điểm nhấn văn hóa.

Không gian văn hóa của sông Hàn bắt buộc phải nhìn về tương lai. Tuy nhiên, người dân cũng được an ủi là đang sở hữu một dòng sông rất sang trọng. Sự khác biệt toát ra ở chỗ trên sông không hề có thuyền dịch vụ du lịch chạy ồn ào, nó cứ lặng lẽ cả ngày và đêm, hài lòng với những cây cầu có kiến trúc đẹp.

Người Đà Nẵng mong mỏi các nhà đầu tư đừng có thêm sáng kiến đặt công trình hay dịch vụ lên dòng sông ấy. Trong năm nay, một bến du thuyền quốc tế sẽ được khai trương. Mặc dù hướng đến các dịch vụ cao cấp nhưng không gian văn hóa của sông Hàn có thể tiếp tục đi theo con đường không bản sắc rõ rệt, những nét văn hóa Pháp đã thật sự phôi pha và không mấy hòa hợp với các công trình mới.

Mới đây, một cầu tàu cũ được cải tạo thành cầu tình yêu, có trang trí mỹ thuật, với công năng cho các cặp đôi yêu nhau đến cài một cái khóa chứng nhận tình yêu, cũng coi như một điểm nhấn của đời sống văn hóa.

Đà Nẵng chấp nhận không phải là dòng sông lưu giữ nhiều ký ức. Nhưng nhìn con sông Sài Gòn thật không cam lòng để mất quá khứ. Tôi đã có dịp theo một tour ngắn hai tiếng đồng hồ dạo chơi sông Sài Gòn. Con thuyền lướt qua những cao ốc mới xây, bắt đầu từ quận 1 đi về phía quận Bình Thạnh, cảm giác thật tù túng khi nhìn vào bờ thấy mật độ xây dựng quá dày cũng như chiều cao của khu vực ven sông.

Hai bên bờ sông cũng còn đôi chút của quá khứ như khu nhà cổ của Cảng Ba Son, đình Thủ Thiêm cần được tôn tạo để lưu giữ một nét lịch sử 300 năm Sài Gòn. Trong quy hoạch chung, người thành phố vẫn mong có những điểm nhấn nghỉ ngơi và sinh hoạt văn hóa. Nhưng nếu hai bên bờ sông tập trung các khu vực chỉ bao gồm các trung tâm thương mại, quán cà phê, cửa hàng thì chưa đủ để tạo ra bản sắc văn hóa cho TP.HCM.

Giải cứu những giá trị còn sót lại, giữ gìn không gian văn hóa của một dòng sông chảy ngang qua các đô thị là rất cần thiết và phải làm ngay. Đừng để công cuộc phát triển làm trước rồi sau đó phải khắc phục hậu quả của những quyết định sai lầm! 

>Chợ hoa bên sông

>Đầu nguồn ánh sáng Sông Đà

>Ở một góc Sài Gòn sông nước

>Nghề đáy sông Cầu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ gìn văn hóa dòng sông: Cứ tưởng thời ấu trĩ đã qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO