Điện ảnh Việt hoài cổ

NHƯ THỦY| 25/03/2017 06:37

Dạ cổ hoài lang"", "Lô tô" sẽ lần lượt được công chiếu trong nửa cuối tháng 3 này, như là sự nối tiếp của xu hướng làm phim tìm về những giá trị văn hóa xưa, hay nói ngắn gọn là hoài cổ.

Điện ảnh Việt hoài cổ

Tập trung khai thác số phận con người, nhấn mạnh vào khía cạnh tình cảm và những hoài niệm xưa, Dạ cổ hoài lang kể về ông Tư Lành và ông Năm Triều - 2 người bạn thân thiết từ thời thơ bé, rồi từng là tình địch của nhau, và giờ là hàng xóm cùng tha hương trên đất Mỹ. Từ những lát cắt của hiện tại, phim đưa câu chuyện của 2 người bạn già về với những ký ức của thời trẻ thơ, của những buổi hát đình và chuyện tình tay ba trong sáng.

Liệu những ký ức tuyệt đẹp, tình yêu thương trong trái tim 2 ông già có đủ sức để chống chọi nghịch cảnh, kết nối những đứa con xa quê trở về với nguồn cội?

Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra rạp vào ngày 24/3, được đánh giá cao bởi kịch bản phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của NSƯT Thanh Hoàng đã diễn hơn 1.000 suất trên sân khấu TP.HCM và ở hải ngoại.

Link bài viết

Với người Nam bộ và Nam Trung bộ, lô tô là một nét văn hóa, nó như những gánh hát cải lương xưa. Chỉ khác là gánh cải lương có đào, có kép, có tuồng tích,... còn gánh lô tô là những "cô đào" trai giả gái ăn mặc diêm dúa, vừa gọi dò xổ số, vừa giễu hài bằng đủ mọi loại hình âm nhạc dân gian. Trong ký ức nhiều người, các gánh lô tô luôn mang đến nỗi buồn, sự mạo hiểm, đôi khi bất chấp cuộc đời "trôi sông lạc chợ".

Và lần đầu tiên lô tô - gánh hát hội chợ "đặc sản" ngày xưa ấy cùng những mảnh đời "đào - kép" được tái hiện trong bộ phim Lô tô của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, sẽ công chiếu vào ngày 31/3 tới.

Trước 2 bộ phim này, Sài Gòn, anh yêu em với nghệ thuật cải lương được lồng ghép đầy tính nhân văn thông qua cặp đôi nghệ sĩ ở tuổi về chiều (NSND Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Nam đóng) đã trở thành điểm nhấn hút hồn khán giả; Em là bà nội của anh có nhiều hình ảnh nhắc nhớ về thời trang Sài Gòn xưa; Cuộc đời của Yến tái hiện không gian làng quê Bắc bộ trước năm 1945 với nhiều giá trị truyền thống chưa tàn phai...

Ở thời điểm này, ekip của Lý Minh Thắng (phim Sài Gòn, anh yêu emLô tô) đang chuẩn bị bấm máy phim Mẹ chồng. Tuy chọn đề tài mẹ chồng - nàng dâu được nhắc đến muôn thuở, song Mẹ chồng tập trung khai thác giá trị văn hóa đặc trưng như cải lương, đám giỗ xưa của miền Tây Nam bộ... Ekip của Ngô Thanh Vân cũng sắp quay phim Cô Ba Sài Gòn không chỉ tái hiện cuộc đời của một "đệ nhất mỹ nhân" xưa mà còn là thời trang, phong cách sống...

Khi được hỏi vì sao lại làm phim Dạ cổ hoài lang, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: "Trong thời điểm mà theo tôi, điện ảnh Việt đang thiếu những câu chuyện mang đến cảm xúc chân thật cho khán giả, tôi muốn có một bộ phim sâu lắng, có thể chạm vào trái tim người xem. Hơn nữa, hiện nay lượng người xem mà phim Việt hướng đến là khán giả trẻ, thành ra từ nhân vật, đề tài cho đến diễn viên đều là người trẻ. Người trung niên, lớn tuổi thì chỉ ở nhà xem các chương trình giải trí, phim truyền hình".

Đạo diễn - nhà sản xuất Lý Minh Thắng cũng chia sẻ: "Thời hiện đại, khán giả có tâm lý thích trở về với những hoài niệm. Bản thân tôi cũng muốn gợi cho người xem nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy mà theo năm tháng có thể dần đi vào quên lãng".

Trên thực tế, mấy năm nay, người xem đã chán những bộ phim hài vô thưởng vô phạt, hay phim hành động làm không tới, trong khi các phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Sài Gòn, anh yêu em, Em là bà nội của anh... rõ ràng tạo được hiệu ứng tốt với sự lắng đọng, khơi gợi những hoài niệm về con người, về những giá trị văn hóa.

Bởi thế, hy vọng Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng... sẽ mang đến sự "đổi màu" cho thị trường điện ảnh Việt năm nay, và được tiếp nối trong các năm tới.

Tất nhiên, hoài cổ không có nghĩa là chỉ đủ để khán giả luống tuổi nhớ thương, hay nuối tiếc quá khứ, lý tưởng hóa thời gian đã qua, mà phải làm sao để cả khán giả trẻ yêu thích, có được thái độ gìn giữ, trân trọng những vẻ đẹp sắp mai một.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết thêm, nếu trước đây vở kịch Dạ cổ hoài lang được kể lại dưới góc nhìn của những người già xa xứ, thì giờ đây, thông qua phim này, anh muốn mang đến một góc nhìn khác với tâm hồn của một người trẻ.

Ngoài việc khơi gợi cảm xúc nhớ quê của người xa xứ, phim còn xoay quanh mâu thuẫn giữa 2 thế hệ già và trẻ, giữa những tư tưởng hiện đại Tây phương và những quan niệm truyền thống Việt Nam. Qua đó, hy vọng bộ phim chạm được tới trái tim của các khán giả trẻ, nhắc nhớ họ gìn giữ mối quan hệ với người thân - cha mẹ - ông bà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện ảnh Việt hoài cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO