Chờ đợi gì ở phim Việt mùa cuối năm?

XUÂN HƯƠNG| 13/10/2017 06:28

Khán giả vẫn háo hức chờ đợi những bộ phim "Cô Ba Sài Gòn", "Lôi báo", "Mẹ chồng"... sẽ có cái để xem, đồng thời kết lại một năm 2017 với nhiều nốt trầm của phim Việt.

Chờ đợi gì ở phim Việt mùa cuối năm?

Nhìn vào những gì mà Cô Ba Sài Gòn, Lôi báo, Mẹ chồng... đã "khoe", có thể thấy khán giả vẫn háo hức chờ đợi những bộ phim này sẽ có cái để xem, đồng thời kết lại một năm 2017 với nhiều nốt trầm của phim Việt.

Đọc E-paper

Cứ ngỡ với "cú hích" từ Em chưa 18, phim Việt chiếu rạp sẽ có sự khởi sắc, nhưng 4 tháng đã trôi qua trong chơi vơi, lưng chừng. Bởi Em chưa 18 quá thành công về doanh thu (đạt kỷ lục 169 tỷ đồng) nên mọi sự cạnh tranh phòng vé đều trở nên mất cân bằng, khi một số bộ phim, trong đó có Cô Ba Sài Gòn đã phải quyết định lùi ngày khởi chiếu.

Những tác phẩm đáng lý ra được trông chờ sẽ bùng nổ như Cô gái đến từ hôm qua, Yêu đi đừng sợ, Sắc đẹp ngàn cân, Nắngphần 2 không chỉ quy tụ dàn diễn viên đang nổi mà còn có chiến dịch marketing rất bài bản, nhưng cũng chỉ giống như "viên sỏi ném ao bèo" khi hiệu ứng khán giả rõ ràng là không có gì đáng nói.

Chưa kể, một số bộ phim như Chí Phèo ngoại truyện, S.O.S Sói trắng, Lời nguyền gia tộc... nếu không bị đặt vào hàng "thảm họa" mới của điện ảnh Việt thì cũng chỉ góp thêm gam màu xám cho bức tranh chung vốn đã ảm đạm.

Tất nhiên, không hẳn mọi kỳ vọng của khán giả và người quan tâm đến phim Việt đã bị dập tắt. Ở thời điểm này, đang có những bộ phim mà những gì được "khoe" qua "teaser trailer" và "teaser poster" hứa hẹn tiếp tục thổi bùng lên sự trông chờ mới cho mùa cuối năm.

Đầu tiên là Cô Ba Sài Gòn (dự kiến công chiếu từ 10/11) kể câu chuyện về bảo tồn nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống xưa, với dàn diễn viên chỉ nghe qua tên là khán giả đã háo hức mong chờ như Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 6X, Diễm My 9X, Oanh Kiều, NSND Hồng Vân và S.T... "Teaser trailer" và "teaser poster" mang đậm màu sắc hoài niệm của phim cũng đang sôi nổi trên các diễn đàn mạng. Nhà sản xuất phim này chính là Ngô Thanh Vân - người đã tạo được niềm tin với Tấm Cám: Chuyện chưa kể.

Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), đạo diễn Victor Vũ sẽ trở lại với Lôi báo (dự kiến công chiếu từ 22/12 - thời điểm diễn ra ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới). Phim có câu chuyện lấy cảm hứng từ sự kiện khoa học "đổi đầu" trên cơ thể người. Có thể nói, giữa thời thịnh hành những trào lưu như hài, kinh dị và ngôn tình, Lôi báo mang đến ý tưởng hiện đại, mới mẻ và gai góc cho thị trường phim Việt. Quan trọng hơn, đó là sản phẩm của Victor Vũ - đạo diễn luôn khiến công chúng và giới chuyên môn phải "nóng lòng" chờ đợi để được chứng kiến khả năng sáng tạo bằng ngôn ngữ điện ảnh không lặp lại của mình.

>>Điện ảnh Việt "khát" kịch bản hay

Ngay từ khi bấm máy, phim điện ảnh Mẹ chồng (dự kiến công chiếu từ 1/12) của Lý Minh Thắng - người làm nên bộ phim Sài Gòn, anh yêu em đoạt giải Cánh diều vàng tháng 3/2017 - đã gây chú ý với dàn diễn viên như Thanh Hằng, Lan Khuê, Diễm My 6X, Midu, Lâm Vinh Hải, Song Luân...

Đặc biệt, những hình ảnh có sự giao thoa giữa nền văn hóa hiện đại và truyền thống, lồng ghép các yếu tố quyền lực, âm mưu, sự xa hoa, lộng lẫy (vốn được truyền cảm hứng từ các bộ phim nổi tiếng như Maleficent hay Snow White and the Huntsman) xuất hiện trên những "teaser poster" giới thiệu nhân vật chính trong phim Mẹ chồng cũng tạo ấn tượng mạnh và đạt hiệu quả lan truyền trong cộng đồng mạng.

Dù việc quay ngoại cảnh ở nước ngoài đã trở nên phổ biến, song câu chuyện có liên quan đến cuộc sống của người Việt ở hải ngoại, tiếp sau Dạ cổ hoài lang, vẫn còn thu hút được sự tò mò của công chúng. Và Giấc mơ Mỹ (dự kiến công chiếu từ 8/12) là phim điện ảnh Việt đầu tiên khai thác đề tài y khoa với bối cảnh chính được quay ở TP.HCM và các địa danh nổi tiếng của 15 thành phố lớn thuộc bang Califormia (Mỹ). Nhà sản xuất cũng rất "chịu chơi" khi thuê du thuyền 5 sao, máy bay trực thăng và một đoàn mô tô phân khối lớn để thực hiện các cảnh quay sang trọng và hoành tráng.

Tuy nhiên, trước khi chính thức "đo lường" hiệu quả của những bộ phim kể trên, mùa cuối năm còn có sự ra mắt của một số phim Việt khác với các đạo diễn và nhà sản xuất ít tiếng tăm hơn, như Ở đây có nắng của đạo diễn trẻ Đỗ Nam, kịch bản của NSƯT - đạo diễn Việt Linh; Ngày mai Mai cưới (công chiếu từ 29/9) - phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước và nhà sản xuất Minh Beta; Kẻ trộm chó (công chiếu từ 6/10) - phim đầu tay của đạo diễn Ngụy Minh Khang; Chơi thì chịu (công chiếu từ 20/10) - phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Lâm, một "người quen" của các vở diễn tại Sân khấu kịch 5B... Chúng nối dài danh sách phim đầu tay của những đạo diễn trẻ ra mắt trước đó ít lâu như Tao không xa mày (đạo diễn Thái Minh Nhiên - Rony Hòa), Đời cho ta bao lần đôi mươi (đạo diễn Văn Anh), Chí Phèo ngoại truyện (đạo diễn Danny Đỗ)...

Đi vào thị trường ngách, chọn đề tài không phổ biến, hoặc phổ biến đến mức ít ai nghĩ có thể lên phim đang là con đường được những đạo diễn trẻ này theo đuổi. Do kinh phí thấp và còn non tay nghề, song những gì họ thể hiện qua tác phẩm cũng cho thấy nỗ lực của một thế hệ trẻ đang say nghề và đầy tâm huyết.

Cuối cùng, liệu sẽ có một, 2 hay 3 trong số phim được điểm danh ở trên tiếp nối Em chưa 18 tạo điểm nhấn cho phim Việt năm 2017? Dường như suốt bao nhiêu năm nay, điện ảnh Việt cứ lâu lâu lại có được một phim "bùng nổ", rồi sau đó lại là thời gian dài tắt lịm. Hiển nhiên là do phim Việt không có chiến lược và định hướng rõ ràng, mà luôn "ăn đong" và trông chờ "ăn may"!

>>Góc nhìn phim Việt tại Busan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chờ đợi gì ở phim Việt mùa cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO