Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống qua các lễ hội

Đinh Hương| 12/02/2023 01:00

Sau hai mùa không thể tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay các lễ hội trở lại và khá nhộn nhịp. Thông qua các lễ hội này, nhiều di sản văn hóa truyền thống Việt Nam được giới thiệu và quảng bá...

Tháng giêng nhộn nhịp lễ hội 

-7185-1676009664.jpg

Khai hội Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2023

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Hằng năm vào tháng giêng, nhiều lễ hội nổi tiếng tầm vóc di sản văn hóa quốc gia và tỉnh, thành được tổ chức, vừa linh thiêng về phần lễ vừa vui vẻ về phần hội. Tháng giêng Quý Mão 2023 này, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hàng loạt lễ hội truyền thống đã và đang được tổ chức trở lại. 

Mở đầu từ mùng 5 Tết (ngày 26/1), Lễ hội Gò Đống Đa được UBND thành phố Hà Nội tổ chức. Tiếp đó là Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (mùng 6), Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (mùng 7 ở Hà Nam), Lễ hội Yên Tử (mùng 10), Hội Lim (13 tháng giêng), Lễ hội Đền Trần (11-16 tháng giêng), Lễ hội Đền Và (Sơn Tây), Lễ hội Minh Thề (Hải Phòng), Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Gầu Tào (vùng Tây Bắc), Hội Xoan (Phú Thọ), Hội Chùa Thầy (Hà Nội), Lễ hội Cầu Ngư (hay Lễ hội Cá Ông), Lễ hội Vía Bà (Bình Định), Hội Gióng Phù Đổng, Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa (Phú Thọ), Lễ hội Đền vua Mai (Nghệ An), Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông và Festival khèn Mông (Hà Giang), Lễ hội Tết Nguyên tiêu (TP.HCM và Hội An), Lễ hội Đinh thần Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang)...

-9514-1676009664.jpg

Lễ rước kiệu Bà và rước voi ở Lễ hội Đền Hai Bà Trưng 2023

Cũng trong tháng giêng này, một số lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như mùng 5 Tết, tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Lễ hội Cổ Loa. Tết Nguyên tiêu Hội An vừa nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” ở mục “Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng”. Lễ hội Khai hạ của người Mường tỉnh Hòa Bình và Lễ hội Đền Đông Cuông (Yên Bái) cũng vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”...

-6784-1676009664.jpg

Lễ rước kiệu ngọc lộc và rước cá ở đền Trần 2023

Ngày 1/2/2023, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký ban hành công văn số 46/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023. Công văn nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các sở tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023 trên địa bàn. Các địa phương tổ chức lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Kênh bảo tồn di sản văn hóa 

Nhiều lễ hội năm nay tổ chức hoành tráng hơn nhiều năm trước, nhưng phần lễ được chọn lọc (bỏ bớt) theo hướng bảo tồn, phục dựng nghi thức lễ truyền thống đặc sắc và phần hội được mở rộng, đa dạng và phong phú với nhiều trò chơi dân gian, hay biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như đấu vật, kéo co, leo dây, đánh đu, đua thuyền, múa võ, đấu cờ người, ném còn, chọi gà, hát tuồng, ca trù, hát chèo, múa lân, hát thờ hậu, thi dệt cửi, nấu cơm... Đặc biệt, Lễ hội Bà Chúa Xứ có những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, như múa mâm thao, múa đĩa chén... Festival khèn Mông tái hiện các giá trị văn hóa của dân tộc Mông và giới thiệu về lịch sử hình thành cây khèn Mông, tục cúng xin khèn, màn đồng diễn múa khèn Mông. Lễ hội đền Trần 2023 tổ chức đầy đủ hoạt động lễ hội truyền thống, như lễ rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá, phát ấn, múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật... Người dân làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng với điệu múa Con đĩ đánh bồng độc đáo.

-5562-1676009665.jpg

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông và Festival khèn Mông 2023

Nhiều lễ hội cổ truyền (diễn ra từ trước năm 1945) vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa là sự kiện văn hóa, tín ngưỡng giàu truyền thống, tôn vinh trời đất, non sông, đất nước. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh, lễ hội truyền thống là một di sản văn hóa, một dạng tài nguyên tinh thần vô giá cần bảo tồn, phát huy và phát triển. Về lễ hội cổ truyền, mỗi lễ hội về lịch sử văn hóa, danh nhân, tôn giáo hay về nông nghiệp, ngư nghiệp đều có giá trị và nội dung chủ đạo riêng, nhưng chung ý nghĩa hướng về cội nguồn. Ở các lễ hội sử dụng hình thức biểu diễn như tế lễ, diễn trò, trình diễn nghệ thuật, trang trí, thể thao, ẩm thực là sự bừng nở các giá trị văn hóa, giúp gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong đó, Lễ hội Thánh Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Hiện Việt Nam đang đệ trình UNESCO xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong các lễ hội ở nước ta lưu tồn rất nhiều bản sắc của văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc nên yêu cầu bản sắc là yêu cầu tiên quyết. Mỗi làng, mỗi xã với lễ hội riêng góp phần thêm vào bản sắc của văn hóa dân tộc. Từ tinh thần đó, nên phát huy và phát triển các lễ hội theo hướng bảo tồn và chọn lọc các di sản văn hóa đặc sắc, loại trừ một số yếu tố không còn phù hợp với đời sống xã hội thời hiện đại. Các lễ hội cổ truyền luôn có hàng nghìn người, mà số đông là người trẻ từ khắp nơi về tham dự, cho thấy nhu cầu về lễ hội và di sản (tìm hiểu, khám phá, thưởng thức các nghi lễ, trò chơi, biểu diễn văn hóa dân gian) của nhân dân, du khách là rất lớn. Lễ hội là một kênh quan trọng giáo dục cho giới trẻ về gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 bằng những nhiệm vụ như chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025, chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua các di tích, di sản văn hóa phi vật thể, các bảo tàng từ Trung ương đến địa phương...  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống qua các lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO