Học sinh tiểu học Hà Nội tham quan, tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Từ tác động của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, giới trẻ trong đó có học sinh bị chi phối khá nhiều từ môi trường mạng, từ công nghệ hiện đại. Trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 xác định: “...Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt. Ở đó, giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường là thành tố quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”.
Ngày 31/10/2022 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, năm thứ nhất (2022-2023), với một số nội dung như triển khai mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại các bảo tàng cấp tỉnh, thời gian từ tháng 1-5/2023, áp dụng tại tất cả bảo tàng cấp tỉnh (phù hợp với điều kiện thực tế của từng bảo tàng); triển khai thí điểm mô hình “Giờ học lịch sử online” tại một số bảo tàng cấp tỉnh, thời gian từ tháng 3-7/2023, áp dụng tại một số bảo tàng cấp tỉnh.
Trên thực tế, hơn 10 năm qua chương trình giáo dục di sản đã được thực hiện tại Hà Nội với cách thức: các di tích (Di sản Hoàng thành Thăng Long, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) liên kết với các trường học tổ chức cuộc thi tìm hiểu về di tích, tổ chức các chương trình trải nghiệm, tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm... như “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản”, cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám và lịch sử Thăng Long - Hà Nội, khu trải nghiệm di sản... nhận được sự hưởng ứng rất cao của các nhà trường, học sinh, sinh viên.
Trong tháng 11 này, nhân Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2022) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) quận Hoàn Kiếm cũng tổ chức chương trình giáo dục di sản với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội: Xưa và nay” giúp các em học sinh hiểu hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
TP.HCM những năm qua, nhiều trường tiểu học, THCS, THPT đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa di sản văn hóa vào giảng dạy, với nhiều hình thức như lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học phù hợp; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chủ đề liên quan đến di sản văn hóa; tham quan thực tế di sản văn hóa; dạy học tại di tích...
Chẳng hạn, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Đại học Hoa Sen và Trường THCS Lý Thánh Tông tổ chức chương trình giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên. Năm học 2018-2019, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) cũng đã tổ chức dự án “Con đường di sản” bằng hình thức ngoại khóa các môn học (sử, địa, văn, ngoại ngữ) với thông điệp “Thế hệ trẻ chung tay giữ gìn và phát huy giá trị di sản”, với nhiều chương trình do chính học sinh thực hiện như tìm hiểu kiến thức chung về di sản, trải nghiệm học thực tế tại các di sản, tái hiện các di sản văn hóa phi vật thể thế giới tại Việt Nam qua hình thức sân khấu hóa, triển lãm không gian văn hóa các di sản, hội chợ di sản, thi viết cảm nhận về di sản...
Tháng 3/2021, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035. Mới nhất, chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2022), chuỗi chương trình kỷ niệm ở thành phố đã thu hút rất nhiều học sinh đến thưởng thức chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống, đờn ca tài tử, cải lương tuồng cổ, chèo, quan họ...
Chương trình giáo dục di sản cho học sinh cũng được nhiều tỉnh, thành khác như Lâm Đồng, Phú Thọ, Ninh Bình, Cà Mau... tổ chức thực hiện. Từ năm 2004, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) biên soạn tài liệu, ban hành chương trình đưa giáo dục di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học phổ thông, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho học sinh, cộng đồng. Từ năm học 2021-2022, thành phố Hội An, Quảng Nam cũng có bộ tài liệu giáo dục di sản trong học đường dành cho cấp tiểu học. Tháng 8/2022, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng Phòng GD&ĐT thành phố Huế cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục di sản văn hóa, nghệ thuật trong các trường học trên địa bàn thành phố Huế...
Như vậy, việc giáo dục, giới thiệu di sản văn hóa đến giới trẻ rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. Đồng thời bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại nhà trường, góp phần xây dựng thế hệ trẻ hội nhập với thế giới nhưng vẫn luôn biết trân trọng, tự hào về di sản văn hóa của dân tộc.