Người dân Afghanistan nhận khẩu phần lương thực viện trợ ở Kabul ngày 30/4. Ảnh: AP. |
"Ảnh hưởng của cuộc xung đột lên an ninh lương thực, năng lượng và tài chính là tác động mang tính hệ thống, nghiêm trọng và đang tăng tốc", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói trong buổi báo cáo về hậu quả xung đột Nga - Ukraine hôm 8/6/2022.
Theo ông Guterres, xung đột có thể dẫn đến một làn sóng đói nghèo cùng cực chưa từng có, để lại hậu quả hỗn loạn về kinh tế xã hội. "Chỉ có một cách để ngăn chặn cơn bão đang hình thành này, đó là chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine", ông nói.
Người đứng đầu LHQ đề nghị đàm phán gói thỏa thuận cho phép xuất khẩu lương thực của Ukraine một cách an toàn qua Biển Đen, đồng thời tìm cách đưa lương thực và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu mà không bị cản trở.
Theo báo cáo của LHQ, ước tính 94 quốc gia, với khoảng 1,6 tỷ người dân số, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng và không đủ sức đương đầu. "Trong số này, 1,2 tỷ người sống ở những nước đang đối mặt với khó khăn chồng chất, đặc biệt dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước các vấn đề tài chính, lương thực và năng lượng".
Báo cáo cũng chỉ ra xung đột Nga - Ukraine có thể làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực, từ khoảng 47 triệu người bị ảnh hưởng hiện tại lên 323 triệu vào cuối năm nay. Đồng thời, khoảng 58 triệu người châu Phi nữa có thể rơi vào cảnh đói nghèo trong năm nay.
Tình trạng đói nghèo cùng cực ở Trung Đông và Bắc Phi có thể tăng lên 2,8 triệu người năm 2022, còn 500 triệu người Đông Nam Á đang đối mặt nguy cơ này. "Cần thực hiện nhiều nỗ lực cụ thể nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực và năng lượng quan trọng tới tay những người dễ bị tổn thương nhất", báo cáo đề xuất.