Tuy nhiên, Tầm nhìn 2045 của đất nước: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường...” để hướng tới một quốc gia phát triển có thu nhập cao đã đặt ra sự cần thiết phải có đột phá trong việc đổi mới mô hình xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
1. Xác định 3 khu vực doanh nghiệp cốt lõi
Hiện cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (SME). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với hơn 400 hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh và ngành hàng cấp quốc gia (trong đó có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và gần 20 các hiệp hội FDI) đã thực hiện tương đối tốt các chức năng: Đại diện để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài.
Tuy nhiên, hoạt động đại diện và xúc tiến của VCCI và các hiệp hội thường đi theo mô hình cũ của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, theo số liệu thống kê GDP của khu vực doanh nghiệp: Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ hoặc khu vực Tư nhân và Nhà nước.
Trong khi đó, kinh tế thị trường với đặc thù là nền kinh tế hàng hoá, sản phẩm đòi hỏi phải có mô hình mới xúc tiến và phát triển doanh nghiệp hướng vào sản phẩm, hàng hoá cụ thể, giải pháp bán hàng và dòng tiền. Vì vậy, theo các nhà kinh tế thị trường, cần xác định 3 khu vực doanh nghiệp cốt lõi để xúc tiến và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường:
1.1 Khu vực Sản xuất và Công nghiệp
Hiện tại, VCCI cùng các hiệp hội ngành nghề Trung ương và địa phương và một số tập đoàn Nhà nước đang hoạt động trong khu vực này. Tuy nhiên, mô hình này hoạt động tản mạn, không hiệu quả.
Đây là khâu yếu nhất trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển doanh nghiệp góp phần dẫn đến sự không thành công của chiến lược công nghiệp hóa (CNH) và hiện đại hóa (HĐH) của đất nước. Kết quả là ngay cả việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn của sản phẩm “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) hiện nay vẫn chưa được thống nhất, làm hạn chế việc xúc tiến thương mại và dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
Vậy nên, trong thời gian tới, cần tập hợp và xây dựng một tổ chức quốc gia thúc đẩy và hỗ trợ ngành công nghiệp bằng cách tập trung phát triển và củng cố ngành công nghiệp Việt Nam sản xuất ra các sản phẩm chủ lực tạo nền tảng cho sự phát triển của cuộc Cách mạng 4.0 vì sự tăng trưởng bền vững của đất nước.
1.2 Khu vực Thương mại
VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp cũng như các Phòng thương mại FDI hiện đang là các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư ở Việt Nam. Việc này làm cho công tác đại diện và xúc tiến thương mại thiếu tập trung.
Mục tiêu trong thời gian tới phải xây dựng mô hình tổ chức trung tâm của khu vực thương mại nhằm thúc đẩy marketing và bán hàng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, báo cáo thống kê cho thấy hiện nay các Phòng thương mại của Việt Nam (VietCham) hoàn toàn vắng bóng ở thị trường nước ngoài, bất chấp một sự thật là nền kinh tế đất nước là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới.
1.3 Khu vực Ngân hàng
Hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hoạt động như một diễn đàn để các ngân hàng thương mại trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết hoạt động thông qua các tổ chức khác nhau, đồng thời đóng vai trò liên kết chính thức giữa khu vực ngân hàng thương mại và chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tăng cường hoạt động của hiệp hội này trong việc thúc đẩy khu vực sản xuất công nghiệp và thương mại, đầu tư trong và ngoài nước
2. Thành lập Ủy ban Thường trực (SC) đại diện cho 3 lực lượng doanh nghiệp cốt lõi
Cần thành lập một Ủy ban Thường trực doanh nghiệp hỗn hợp của ba khu vực tư nhân cốt lõi với vai trò là cơ quan điều phối trung tâm trong việc đưa ra các khuyến nghị và tư vấn cho chính phủ để giải quyết các vấn đề và khuyến nghị phát sinh từ và / hoặc ảnh hưởng đến thực tiễn kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm: Thương mại, Công nghiệp, Môi trường, Du lịch, Tài chính, Ngân hàng và các lĩnh vực khác.
Ủy ban Thường trực doanh nghiệp hỗn hợp có 3 mục tiêu:
1) Xác định các trở ngại thương mại và đầu tư nhằm cải thiện điều kiện kinh tế và môi trường đầu tư ở trong nước.
2) Thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế bằng cách cử đại diện tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế.
3) Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương và đa phương bằng cách thành lập hội đồng kinh doanh với đối tác ở nước ngoài.
Chủ tịch của Ủy ban Thường trực được luân phiên theo chu kỳ thời gian giữa những người đứng đầu tổ chức đại diện của 3 khu vực doanh nghiệp cốt lõi.
3. Tăng cường đối thoại công tư (PPD) để hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường
PPD là một tổ chức thể chế tập hợp một nhóm các tác nhân khu vực công và tư nhân. Mục tiêu của PDD là xây dựng lòng tin và thu hẹp khoảng cách để tạo nền tảng cho việc phân tích vấn đề chung, xác định các chính sách và cải cách thể chế góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho sự phát triển của khu vực tư nhân.
Các cơ quan Chính phủ tham gia vào PPD có nhiều khả năng thúc đẩy các cải cách hợp lý và khả thi, trong khi các doanh nghiệp tham gia PPD có nhiều khả năng hỗ trợ thúc đẩy cải cách. Trong thực tế, nếu không có đối thoại bình đẳng, các Chính phủ có xu hướng đi theo những tiếng nói lớn nhất, mạnh mẽ nhất, vốn hiếm khi nói lên lợi ích tốt nhất của tăng trưởng khu vực tư nhân trên diện rộng.
Vì vậy, quy trình chính sách không nên giới hạn ở một nhóm nhỏ có đặc quyền tiếp cận các cấu trúc chính trị và quản trị, mà phải xây dựng trên các cấu trúc và quy trình được thiết lập có chủ đích nhằm thu hút sự tham gia của đại diện khu vực doanh nghiệp cốt lõi và người dân vào việc xây dựng và thực hiện chính sách, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các nhà hoạch định chính sách.
Mô hình đối thoại Công - Tư (PPD) |
Ủy ban Thường trực doanh nghiệp hỗn hợp (SC) được thành lập, sẽ chủ trương nói lên ý kiến, kiến nghị, băn khoăn, nguyện vọng của khu vực tư nhân với Chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài và kích thích hoạt động kinh tế trong nước chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, để tăng cường PPD với doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp với SC, Chính phủ nên chăng cần nghiên cứu thành lập Ủy ban Tham vấn Công - Tư do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và các cơ quan hữu quan trực tiếp tham gia. Mô hình cũ đối thoại công tư như Diễn đàn doanh nghiệp (VBS), hội nghị “Diên hồng”... được các cơ quan Chính phủ và VCCI tổ chức thường có tiếng vang do số lượng người tham dự hơn là những kết quả thực tế. Chắc chắn rằng, sự hợp tác chặt chẽ và chuyên nghiệp thông qua mô hình PPD mới giữa các Ủy ban chuyên trách của nhà nước và tư nhân trong phát triển kinh tế sẽ nâng cao sự thịnh vượng và ổn định kinh tế của đất nước nói chung.
4. Kết luận
Hoạt động đối thoại công tư của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ đã góp phần làm cho môi trường kinh doanh, đầu tư liên tục được cải thiện tích cực, cộng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng và thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, một mô hình mới về xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển doanh nghiệp sẽ hiện thực hoá một cách bền vững những mục tiêu kinh tế xã hội của tầm nhìn đất nước khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
(*) T.S. Đoàn Duy Khương - Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam - Phó Chủ tịch VCCI