Tôi làm trối kệ

PHẠM THANH TUYỀN - Phó tổng giám đốc Công ty Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam| 26/03/2013 09:18

Giờ thì tôi chỉ muốn mình trở thành đất, tồn tại và phục vụ giống như đất nâng bước chân con người, hứng đỡ hết thảy những thứ gì con người và vạn vật thải ra.

Tôi làm trối kệ

Các công việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán v.v… đều có chung một mục đích cuối cùng là thu được lợi nhuận. Đối với mục đích này, trối kệ bằng cách nào, cứ hễ kết quả cuối cùng là có lãi thì xem như thành công, coi như xong nhiệm vụ tập 1!

Nếu gọi việc sử dụng tiền lời là tập 2, thì các doanh nghiệp có cách thực hiện tập này chẳng ai giống ai: Doanh nghiệp nghiệp nhà nước mang trọng trách “đầu tàu" dẫn dắt thì quan tâm nhiều đến lợi ích chính trị và sự phát triển của cả nền kinh tế. Doanh nghiệp độc quyền nhà nước thì ôm lợi nhuận bộn bộn về cho ngân sách để chi tiêu cho phát triển kinh tế, hạ tầng và phúc lợi xã hội, kể cả trả lương cho bộ máy nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân thì đương nhiên lợi nhuận trước tiên phải vào túi mấy ông chủ cho chắc cái đã, rồi từ từ mới nói đến chuyện ngược trở ra dùng cho việc gì: tái đầu tư, làm từ thiện, để dành, tiêu xài v.v…

Nhiều đêm nằm trằn trọc, day bên này trở bên kia, đầu óc cứ lan man vấn vít với mấy chuyện rối um ở công ty. Vợ nằm kế bên càm ràm: "Sao không ngủ đi, nằm đó lăn qua lộn lại hoài ai mà ngủ được”, khiến mình lại càng tức cái bụng, lại càng không ngủ được. Lan man với những suy nghĩ, chỗ này không hợp lý, chỗ kia chưa hợp lẽ, chỗ nọ chẳng hợp tình, một đống chuyện bắt đầu với chữ “chẳng”, khiến giấc ngủ cũng "chẳng yên" luôn. Phải tìm ra cách hạ thấp chi phí, tính toán làm sao cho hàng hóa sản xuất ra chất lượng và đẹp hơn, giá bán buôn sao cho khách hàng người ta dễ chấp nhận và cạnh tranh hơn, dùng "chiêu" gì để "thu phục" được khách hàng từ tay đối thủ, máy móc nên cải tiến làm sao cho nó chạy nhanh hơn, bền hơn và ổn định hơn v.v… Cứ như thế việc nọ xọ việc kia. Rồi cuối cùng tự đặt câu hỏi cho mình: "Chú mày đa đoan vậy làm chi? Được lợi lộc gì? Nhân - quả của chuyện này là ở đâu?...”. Dằng dây như vậy riết, rồi đến một ngày bỗng nhiên tôi… eureka: Vấn đề không phải ở chỗ hỏi chú mày được gì, mà phải hỏi là "xung quanh chú mày “người ta” được gì?". Vậy đó, chỉ cần thay hai chữ “chú mày” thành hai chữ “người ta”, lòng bỗng dưng nhẹ hẳn, khỏe ru...

Đất nâng niu tất cả, bất kể người ta để lại dấu vết gì trên mình...

Lâu nay, làm gì cũng nghĩ đến mình trước cái đã: khoái được người ta khen, khoái được lãnh lương cao, khoái được người ta tôn trọng, khoái ăn ngon mặc đẹp, khoái xe tốt tiện nghi, khoái đủ thứ. Những điều gì ngược lại với mấy thứ khoái đó đương nhiên đều được xem là... hổng khoái! Nói tóm lại, suy ra cứ hễ sinh ra một cái khoái sẽ nảy ra một cái hổng khoái. Vậy mà trong cái cục não u mê của mình cứ thích những thứ thống khoái chứ chẳng chịu thích mấy điều ngược lại, mặc dù cả hai thứ đều cùng tồn tại song song. Tại vậy mà khổ thân và già sớm, phải chi đổi thay cách suy nghĩ, đừng quá phân biệt hai thứ thống khoái và hổng khoái, thì làm gì có chuyện “đêm năm canh giấc chẳng tròn” như bấy lâu ! Nghĩ được đến đó, tôi hết muốn ngủ luôn, trở dậy đi ra khỏi phòng, đốt điếu thuốc cho thơm râu, nhâm nhi điều vừa phát hiện mà thấy sướng!

Tôi sướng bởi vì nghiệm ra tôi đã không còn là tôi, tôi là người ta, tôi là của người ta. Mọi việc tôi làm từ nay đều vì người ta ở xung quanh. Tăng doanh thu - giảm chi phí hả ? - Để cả công ty được hưởng. Máy móc ngon lành, năng suất cao, sản phẩm đẹp và chất lượng hả ? - Để cả công ty được hưởng. Lương chú mày không được nâng hả ? - Tại vì chú mày còn dở. Xe chú mày chưa ngon hả ? - Vì chú mày chưa đủ phước để đi xe ngon hơn. Ăn ngon mặc đẹp hả ? - Còn cả đống người thiếu thốn ở ngoài kia kìa. Dùng thủ đoạn để hớt tay trên khách hàng của người ta hả ? - Hữu xạ tự nhiên hương, chú mày cứ làm tốt, làm đẹp, chất lượng mà lại giá rẻ thì khách hàng sẽ tìm chú mày thôi. Cứ vậy, tôi làm hết mình mà coi như không làm, cứ thế mà làm, trối kệ mọi chuyện khoái hay hổng khoái, cho mình hay cho người cũng như nhau cả thôi.

Sướng còn là ở chỗ trước đây tôi thích nâng mình lên và hạ thấp người ta xuống, còn giờ đây tôi lại khoái hạ mình xuống và nâng người ta lên, bất kể bạn hay thù, ta hay địch. Hạ mình xuống không phải để tạo ra sự cao thấp, mà hạ mình xuống để cùng nâng tất cả lên, chẳng sướng hơn leo lên đầu lên cổ người ta ắt có ngày rồi cũng sẽ bị té lộn cổ. Kiến ăn cá, cá ăn kiến mấy hồi !

Tôi lại nghĩ thơ thẩn tiếp, phải chi doanh nghiệp nào cũng áp dụng cách suy nghĩ giống như tôi, đừng cạnh tranh bất kể thiên địa, bắt tay nhau để cùng hưởng lợi, nói theo thời thượng là win-win solutions. Phải chi doanh nghiệp nào cũng làm ăn chân chính đàng hoàng, nộp thuế nghiêm chỉnh đầy đủ để nhà nước có đủ ngân sách cho việc lớn. Phải chi doanh nghiệp nào cũng biết phân phối và chia sẻ lợi nhuận hợp lý cho các mục đích: thu hồi vốn, tái đầu tư, tích lũy, từ thiện và lợi ích của người lao động. Phải chi không có tình trạng tham nhũng tư túi tràn lan, tất cả đều vì mọi người, vì lợi ích chung của xã hội và đất nước, thì mục tiêu dân giàu nước mạnh và xây dụng thành công chủ nghĩa xã hội đâu có còn xa vời.

Tính ra cũng lạ, từ khi tôi thay đổi cách suy nghĩ như kể trên, đầu óc tôi sáng ra, việc khó nảy sinh tôi giải quyết cái rột. Tướng tá tôi giống con gà què, sức khỏe tôi so bề cọng bún thiu, vậy mà kể từ đó về sau, tôi có thể làm việc thâu đêm không ngừng nghỉ, thanh niên trai tráng to khỏe như vâm vậy chớ đừng coi thường tôi; gồng tay không lại mấy em thiệt, nhưng sức làm việc bền bỉ dẻo dai e rằng khó theo nổi tôi đa. Những thứ tôi xem là thống khoái trước đây, đương nhiên vẫn còn khoái, nhưng cái khoái đã khác đi, không háo hức, mà chỉ là niềm vui nhẹ nhàng. Những điều tôi hổng khoái trước đây, hay nói ngắn lại là ghét, thì thú thật là cũng vẫn ghét, nhưng cái sự ghét cũng đổi khác; vì ghét nhưng vẫn ý thức được rằng chú mày chẳng thể nào thay đổi được điều tồn tại hiển nhiên, cho nên cứ trối kệ nó, “sống chung với lũ” biết đâu lại có cơ biến ghét thành khoái, như dân miền Tây vào mùa nước nổi vậy. Cứ thuộc nằm lòng câu nói của người xưa cho dễ hành dễ xử: "Nước thấp thì xắn quần, nước cao thì vén áo".

Nói về suy nghĩ cho tương lai, giờ thì tôi chỉ muốn mình trở thành đất, tồn tại và phục vụ giống như đất nâng bước chân con người, hứng đỡ hết thảy những thứ gì con người và vạn vật thải ra. Càng ngẫm nghĩ về đất như cách ngài Sariputta đã phát biểu trước Đức Phật, tôi lại càng muốn mình thành đất! Bởi suy cho cùng, con người ta ai cũng đầy hỉ nộ ái ố, nhưng đất thì chẳng hề cân nhắc lợi hại, cứ vậy mà bao dung nâng đỡ tất cả, bất kể giàu nghèo thiện ác...

Cuối cùng, tôi xin có đôi dòng tưởng nhớ ông Vương Hồng Sển. Đọc sách của ông Sển, tôi biết nhiều hơn về thú chơi cổ ngoạn của người xưa, về phong tục, nhân vật, sự kiện lịch sử và những điều lý thú ở những năm đầu thế kỷ XX ở miền Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Chỉ có điều, đọc sách ông, tôi lại bị nhiễm cái lối hành văn hài hước đặc kiểu Nam Bộ xưa, nhiều khi lăn ra cười bò một mình vì cách ông chơi chữ, nói lái quá thần sầu. Vì vậy bài viết này tôi cũng bắt chước cách hành văn của ông - người giờ đây đã trở thành thiên cổ - âu cũng là một cách tưởng nhớ ông già “Hơn nửa đời hư”, đồng thời tưởng tượng ông nay đã thành đất nhằm để nhắc cho nhớ nằm lòng suy nghĩ ước muốn thành đất của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi làm trối kệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO