Bạn tôi là bác sĩ bảo nếu hoàn tất việc chích ngừa 2 mũi rồi, download app Sức khỏe điện tử trên máy di động sẽ có thẻ xanh, việc di chuyển sẽ thuận tiện hơn, khi qua các chốt kiểm dịch chỉ cần quét mã QR là xong.
Nghe lời, tôi mở máy tìm app Sức khỏe điện tử để cài đặt thì thấy dày đặc các app về sức khỏe. Riêng Sức khỏe điện tử đã có 2 app.
Quá nhiều ứng dụng dẫn đến... loạn
Hỏi thăm một số người am hiểu công nghệ, tôi được biết việc phòng, chống dịch thu hút nhiều bộ, ngành và địa phương tham gia, ai thấy cần cái gì thì giao cho đội ngũ chuyên môn công nghệ làm cái ấy. Thế mới có chuyện rất nhiều app ra đời, cùng với Sức khỏe điện tử còn có VietnamHealth, NCOVI,COVID- 19, AntoanCOVID… thật khó mà liệt kê hết. Ngành nào, địa phương nào cũng có bộ phận công nghệ thông tin, mạnh ai nấy làm, đó là chưa kể đến chuyện thuê ngoài.
Việc xuất hiện quá nhiều ứng dụng phòng dịch khiến người dân dễ bị rối. Lớp trẻ thạo công nghệ có thể phân biệt được, còn những người lớn tuổi, người không rành công nghệ thì việc nhìn các app thôi cũng đủ rối. Trong đó có một số app được giới thiệu quá nhiều tính năng, có vẻ tiện lợi nhưng khi tải về thấy việc cập nhật dữ liệu không đúng.
Ngay với app Sức khỏe điện tử tôi tải về, trong app chỉ xác nhận tôi mới chích ngừa 1 mũi trong khi thực tế tôi đã hoàn thành đủ 2 mũi từ 2 tuần trước.
Không chỉ có quá nhiều ứng dụng điện tử về y tế mà còn quá nhiều điều trục trặc, số liệu không khớp và không chính xác khiến việc số hóa trong ngành y tế dậm chân tại chỗ.
Cần phải ghi nhận rằng, việc Bộ công an cấp mẫu căn cước công dân mới gắn chip trong đó tích hợp dữ liệu công dân, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế và nhiều thông tin khác là một bước tiến của việc xây dựng big data về dân cư, nhưng với ngành y tế dường như vẫn còn lúng túng, rối ren.
20 ứng dụng điện tử phòng, chống dịch Covid khiến người dân như rơi vào "ma trận" app |
Thống nhất dữ liệu dân cư và y tế vào một app, được không?
Trước thực tiễn đó, trong cuộc họp trực tuyến của Chính Phủ hôm 11/9, Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT triển khai một nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19, tích hợp chung sổ sức khỏe điện tử, khai báo y tế, QR Code, xét nghiệm… đồng thời liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư hiện có.
Giải thích về sự manh mún của các app hiện có, đại diện Cục Tin học hoá Bộ TT&TT chia sẻ: Để đối phó với dịch bệnh, Cục Tin học hóa là đầu mối tập hợp nguồn lực của doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin. Ban đầu, để đáp ứng nhanh nhu cầu chống dịch, mỗi đơn vị sẽ đảm nhận phát triển các ứng dụng khác nhau cho từng nhiệm vụ đặc thù, vì vậy, một thời gian sau sẽ sinh ra nhiều app. Đây là kết quả của giải pháp tình thế cấp bách trong phòng, chống dịch.
Hiện tại, theo các chuyên gia, khả năng gộp các ứng dụng phòng chống dịch thành một ứng dụng lớn phải có thời gian vì mỗi ứng dụng có chức năng khác nhau, phạm vi sử dụng với những đối tượng khác nhau, việc đồng bộ công nghệ lõi rất khó khăn.
Dân Singapore chỉ cài một ứng dụng TraceTogether để truy vết tự động tại điểm quét SafeEntry đặt ở nhiều địa điểm công cộng |
Điều cần làm trước mắt là liên thông dữ liệu về phòng chống dịch. Trung tâm công nghệ của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT là đơn vị thực hiện nhiệm vụ này. Nhờ sự liên thông này, người dùng chỉ cần một mã QR. Mã này sẽ liên thông với toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, chích ngừa và tiến tới là công tác khám chữa bệnh.
Ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế APTECH cho rằng số hóa big data là câu chuyện được đặt ra từ lâu, với các dữ liệu y tế cũng vậy, nhưng do nhận thức về tầm quan trọng của việc số hóa big data khác nhau, đặc biệt là trong lực lượng cán bộ ở các ngành, các cấp, nên mới có chuyện mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Việc liên thông dữ liệu dân cư và y tế trong phòng, chống dịch là điều rất cần thiết, không chỉ giúp cho việc quản lý hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc di chuyển, khai báo y tế.
Tuy nhiên, bao giờ sự liên thông này hoàn tất vẫn còn bỏ ngỏ bởi mỗi app được viết ra hiện sử dụng một mã nguồn riêng, cần phải có sự chỉ đạo thống nhất của Bộ chủ quản.