Học cách sử dụng đồng tiền thông minh

Nhan Húc Quân *| 27/02/2022 09:53

Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ trong thế kỷ 21, con người ngày càng được hưởng nhiều tiện ích trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ y tế, học tập, làm việc đến giải trí… Nâng tầm chất lượng sống hướng đến sự ổn định, sung túc bền vững là điều ai cũng ao ước, nhưng nếu không sẵn sàng học tập, thực hành tiết kiệm và bắt đầu sớm việc đầu tư ngay khi còn trẻ thì khó lòng chạm đến cuộc sống mơ ước.

Học cách sử dụng đồng tiền thông minh

Ngoài cơm ăn áo mặc hằng ngày, cuộc sống có nhiều nhu cầu “phát sinh tất yếu” - như cưới hỏi, phương tiện đi lại, nhà ở. An cư rồi sẽ dẫn đến nhu cầu nâng cao chất lượng sống như giải trí, du lịch… Tất cả những nhu cầu này đều cần nguồn lực tài chánh. Muốn khởi nghiệp kinh doanh hay đầu tư sinh lời lại càng cần.

Xét trên khía cạnh mức sống vật chất, có thể chia 3 tầng lớp trong xã hội:

1/ Dưới mức căn bản - sống chật vật, thiếu trước hụt sau.

2/ Trong mức căn bản - đủ trang trải cuộc sống nhưng không có khoản để dành.

3/ Trên mức căn bản - thoải mái chi tiêu sinh hoạt, có khoản để dành (có thể là tiền mặt, vàng, đất đai, trái phiếu, cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ…).  

Tôi đã chứng kiến một số người quen đã từng một thời kiếm được khá nhiều tiền, nhưng lại không giữ được tiền, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:  

  • Tiêu xài phung phí
  • Bị mất cắp hoặc bị lừa gạt
  • Tùy tiện cho người khác vay mượn
  • Giữ tiền trong nhà rồi gặp lạm phát phi mã
  • Không biết, không thể hoặc không muốn đầu tư cho tương lai

Từ lúc biết kiếm tiền, tôi đã thiết lập và thực hành thói quen tiết kiệm. Bản thân tôi cũng là người có khả năng duy trì thu nhập, nên tuy không phải dân tài chánh nhưng tôi luôn tìm hiểu để học cách đầu tư, gia tăng giá trị cho những đồng tiền kiếm được.

26-2-22-pic-2-1879-1645879291.jpg

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn chia sẻ góc nhìn và quan điểm cá nhân thông qua những trải nghiệm thực tế về cách thức đầu tư cho tương lai như việc đầu tư vào quỹ cổ phiếu hay còn gọi là chứng chỉ quỹ của các công ty quản lý quỹ như Vinacapital, Manulife, Bảo Việt, Dragon Capital… hoặc qua những ứng dụng công nghệ thông minh uy tín như Finhay, Fmarket chẳng hạn.

Điều đầu tiên chúng ta cần biết chứng chỉ quỹ là gì ? Theo trang web fcenter.fmarket.vn: Chứng chỉ quỹ được xem như một loại chứng khoán, nhà đầu tư (NĐT) mua chứng chỉ quỹ (CCQ) sẽ được xác nhận quyền sở hữu vốn góp trong một quỹ đầu tư đại chúng mà mình tham gia.

Vai trò của các công ty quản lý quỹ là gì ? Với đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong ngành tài chánh, họ sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận những cổ phiếu tiềm năng qua sự nghiên cứu, phân tích nhằm bảo đảm tỷ suất sinh lời cho nhà đầu tư cũng như khả năng phát triển của quỹ trong tương lai. Hiện cơ bản có 3 loại chứng chỉ quỹ trên thị trường gồm Quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu và quỹ cân bằng.

Mục đích của việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ (một nhóm cổ phiếu của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước ở các lĩnh vực, quy mô khác nhau, kể cả trái phiếu) không đơn thuần là tìm cơ hội kiếm thêm tiền (tạo thêm thu nhập), kiếm được nhiều tiền (tăng trưởng vốn) từ lãi cổ tức và giá trị gia tăng của cổ phiếu, mà là hướng người đầu tư đến lối sống biết tiết kiệm (kiểm soát chi tiêu) và biết cách quản lý đồng tiền.

Khi mục đích kiếm thêm tiền đã được xác lập thì phương thức tham gia để làm gia tăng giá trị đồng tiền cần được làm rõ và chính bạn phải là người dấn thân. Cũng giống như việc cần có phương tiện, nhiên liệu và cả người điều khiển mới có thể tiếp cận một điểm đến.

Có 2 cách để bạn tìm một công ty quản lý quỹ hay chứng chỉ quỹ:

  • Tìm hiểu thông tin trên mạng. Cách này có thể đưa đến cho bạn thông tin về các nền tảng ứng dụng công nghệ đầu tư trực tuyến như Finhay, Fmarket, hoặc các công ty quản lý quỹ như Vinacapital, Manulife, BaoViet, Dragon capital, MB capital…
  • Tìm hiểu thông qua giao tiếp trực tiếp với chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp của các công ty quản lý quỹ, ngân hàng uy tín, hoặc bạn bè có sự am hiểu và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư tài chánh cá nhân.

Điều kiện cơ bản để bước vào hành trình (nên xác lập tối thiểu là 3 năm) gồm:

  • Có một chiếc điện thoại di động/máy tính
  • Có căn cước công dân để mở một tài khoản tiết kiệm cá nhân tiền gửi không kỳ hạn tại bất kỳ ngân hàng nào
  • Có một khoản tiền tối thiểu để mở một tài khoản tại công ty quản lý quỹ, mức hiện tại là 500.000 đồng
  • Có một lượng tiền mặt cố định hoặc thỉnh thoảng vài lần trong năm để mua và tăng dần các danh mục đầu tư hoặc số lượng của quỹ cổ phiếu (chứng chỉ quỹ).
26-2-22-pic-1-3566-1645879292.jpg

Nếu có khả năng duy trì việc kiếm tiền và tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để tham gia hoạt động đầu tư tài chánh cá nhân, bạn sẽ có cơ hội kiếm thêm tiền và làm gia tăng giá trị đồng tiền trong tài khoản từ hiệu ứng lãi kép (tiền lãi được tính trên tiền gốc lẫn lãi cộng dồn lũy tiến theo thời gian). Và sẽ hiệu quả hơn với việc duy trì tiết kiệm và đầu tư ở ngưỡng trung và dài hạn thông qua cách thức đầu tư một lần, vài lần hoặc đều đặn mỗi tháng, mỗi quý hoặc mỗi năm.

Nếu có sẵn nguồn tiền từ thừa kế di sản, cho thuê tài sản, hay những khoản tiền phát sinh như trợ cấp, đền bù, thưởng, cổ tức, được cho tặng...mà không có ý định kinh doanh thì đây là cách đầu tư được khuyến nghị. Nhưng thậm chí cả khi không có những khoản trên thì bạn vẫn có thể tham gia hình thức đầu tư này, bằng việc cắt giảm hợp lý chi tiêu sinh hoạt hằng ngày (chẳng hạn giảm một ly cà phê thay vì hai ly/ngày, điều chỉnh thói quen nhậu cuối tuần hay mua sắm theo cảm tính những thứ không thiết yếu). 

Một điều bạn cũng nên biết khi đầu tư theo hình thức này là khi rút tiền từ tài khoản sẽ phải làm nghĩa vụ thuế với nhà nước là 0,1%; phí mua và phí bán tùy ấn định của các các công ty quản lý quỹ.  

Thông thường các công ty quản lý quỹ sẽ lựa chọn và tư vấn những chứng chỉ quỹ (danh mục đầu tư) phù hợp với tính cách, khả năng chịu đựng rủi ro và mức kỳ vọng của mỗi người.

Học một điều mới hoàn toàn không dễ, nhưng cũng không quá khó nếu đủ sự tập trung. Đừng bao giờ đẩy mình trở thành nạn nhân của những cảm xúc tiêu cực mang tính nhất thời hay ngắn hạn, để rồi hối tiếc vì không chịu học, không dám trải nghiệm vượt qua những giới hạn trước mắt của bản thân. Và suy cho cùng, điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta đều phải thực hành lối sống biết tiết kiệm trước một thế giới nhiều biến động. Việc chọn một hay vài chứng chỉ quỹ (không bỏ trứng vào một rổ), đầu tư vào kim loại quý hay đất đai còn tùy vào khả năng, mưu cầu, tầm nhìn, thời gian của mỗi người, miễn sao phù hợp.

Mấu chốt không phải trong tay có bao nhiêu tiền mà là có biết học cách sử dụng đồng tiền thông minh hay không. Đó chính là đầu tư cho tương lai.

(*) Tác giả là Tổng giám đốc Công ty New Toyo (Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học cách sử dụng đồng tiền thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO