Đằng sau những người phụ nữ thành đạt...

Lê Diệp Kiều Trang (*)| 16/06/2021 08:00

Đối với thế giới, họ là những người thành đạt trong xã hội, quyết đoán trên thương trường, là những người đàn ông quyền lực và lịch lãm. Nhưng đối với mình, được nhìn họ từ góc nhìn khác, họ là những người đàn ông tận tuỵ, dạt dào tình yêu thương, luôn là điểm tựa vững chắc cho nửa thế giới còn lại, là nguồn khích lệ, nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho thế hệ kế thừa.

Đằng sau những người phụ nữ thành đạt...

Gia đình hạnh phúc của chị Lê Diệp Kiều Trang

Tháng 3...

Tháng của Phụ Nữ, của nửa thế giới được tôn vinh. Nhiều bài báo, nhiều câu chuyện về phụ nữ, và dường như nhiều người cùng hướng về câu hỏi “Đằng sau người phụ nữ thành đạt là gì?” Mình đã suy nghĩ về câu hỏi đó rất lâu, một câu hỏi không nhiều người can đảm trả lời…

Những năm cuối thập kỷ 80, khi Việt Nam chớm mở cửa, mọi người thường kể về một thời kỳ nhiều hy vọng và cũng nhiều biến động. Còn trong ký ức của mình, đó là giai đoạn ba mình rời công việc ở văn phòng Casumina, và bắt đầu đảm nhiệm vai trò quản lý ở nhà máy.

Ba thôi không còn làm việc theo giờ hành chính nữa, mà thường phải dậy từ rất sớm, trước khi mình thức dậy, đi bộ ra đầu đường Phan Đình Phùng, bắt chuyến xe đưa đón công nhân để lên nhà máy. Vậy mà mỗi chiều, cứ 5 giờ, ba đã có mặt ở cổng trường chờ đón hai em mình, mặt vẫn còn đen thui bụi cao su chưa kịp rửa. Về nhà ăn cơm tắm rửa, hễ có máy hư, có khi ba phải lộn trở lại nhà máy. Vậy mà cứ đúng 5 giờ chiều, ba sẽ lại có mặt ở cổng trường với nụ cười hồ hởi, ba thích nhìn hai con tan học vui vẻ, hỏi han con chuyện học mỗi ngày, ba bảo đó là những giờ phút không thể thiếu.

Có lúc mình hỏi ba, sao ba phải làm việc cực như vậy. Câu trả lời của ba luôn đầy ắp những khát khao, những ước mơ chinh phục những điều không thể. Không nhiều người còn nhớ giai đoạn đó, Casumina đang đứng bên bờ vực giải thể.

Khi chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, bỗng một ngày các khách hàng Đông Âu không còn tiền để mua sản phẩm nữa, Casumina phải tự tìm thị trường, cả thị trường nội địa vốn đang ngán ngẩm với các mặt hàng chỉ lấy vì tem phiếu, và thị trường xuất khẩu vốn chưa bao giờ biết đến sản phẩm Viêt Nam sau 1975. Casumina lúc đó chỉ có các nhà máy với máy móc để lại từ thời Pháp của Michelin, và những con người như ba mình, không có gì trong tay ngoài kiến thức và… niềm tin.

Là kỹ sư Hoá, ba bắt đầu mày mò sửa máy, lặn lội qua Đài Loan tìm đơn hàng, hỏi mượn khuôn của họ rồi về cố làm cho ra những lô hàng đầu tiên. Và trong ký ức của mình là những mùa hè, ba cho hai anh em theo ba đi công tác từ Nam ra Bắc, thấy ba đi thuyết phục từng đại lý để mở hệ thống bán, quan sát cách sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng. Con đường đó đã dẫn dắt ba và những đồng đội xây dựng nên một thương hiệu, một doanh nghiệp, nuôi sống vài ngàn gia đình, trong đó có gia đình mình.

Những năm 90, hai anh em mình được khen về khả năng tiếng Anh nổi trội, có lúc còn được khen là “thần đồng”. Ít người biết, cũng như nhiều sinh viên kỹ thuật giỏi khác, ba mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội vì yếu ngoại ngữ. Anh em mình được ba định hướng cho học tiếng Anh từ rất sớm, và học kiên trì. Cho dù trời nắng hay mưa, công việc bận rộn, lịch công tác liên miên, bằng một cách nào đó, ba mẹ vẫn đưa anh em mình đều đặn đến lớp.

Khi hết lớp Anh Văn Thiếu Nhi, anh em mình bắt đầu học lớp đại học, và không ít lần học chung lớp với ba. Không ngạc nhiên, trong một thời gian ngắn, mình cũng vượt qua người bạn già này. Và người bạn ấy vẫn chuyên cần, khiêm tốn, không ngừng học hỏi… luôn là một tấm gương về sự quyết tâm, ham học, và tinh thần cởi mở, theo mình nhiều năm tháng sau trong suốt con đường học vấn. 

18 tuổi, được học bổng du học, mình hăm hở xách vali lên đường. Đến nơi, bỏ vali xuống là mình khóc. Những năm tháng sau đó luôn là những trăn trở giữa cái cũ và cái mới, giữa những giá trị Việt Nam và giá trị phương Tây, và câu hỏi rốt cuộc mình là ai. Mình thường hay hỏi ba, nên “nạp” hay “delete” những quan điểm nào.

Ba ít khi nào cho mình câu trả lời cụ thể, chỉ khuyến khích mình cởi mở, cân nhắc, và can đảm sống đúng với giá trị của mình. Những người quen của ba chắc đều biết, mặc dù ba là doanh nhân, đăc biệt là doanh nhân trong thời kỳ đổi mới, vậy mà ba mình không uống bia, cũng không uống rượu, không thuốc lá, và cũng chẳng cà phê. Lúc nhỏ, mình đã biết ba là người đặc biệt, nhưng bây giờ, khi cũng là doanh nhân, mình phải công nhận, ba mình thuộc loại “hàng hiếm”!

35 tuổi, vợ chồng mình có con đầu lòng. Ba lặn lội từ Việt Nam sang chờ đón cháu chào đời. 33 tiếng vật vã chuyển dạ, đến lúc ẵm Mary trong tay, vợ chồng mình kiệt sức. Vậy mà ba nói gọn lỏn “Để đó ba”. Ông ngoại cởi áo, ôm Mary vào lòng, skin-to-skin cho hai vợ chồng mình lăn ra ngủ. Những ngày sau đó, ông ngoại dạo hết chợ Tàu, mua giò heo, đuôi bò về nhắc bếp hầm xương thành thạo không thua ai, mặc dù cả chục năm không vào bếp.

Nhớ lại những năm tháng đó, ẵm Mary trên tay khi công việc công ty dồn đống không giải quyết kịp, mình vô cùng áy náy, tâm sự với ba “Chắc con phải dừng lại công việc”. Ba động viên mình, “Ráng lên, chỉ cố qua giai đoạn khó khăn này là sẽ ổn. Mary rồi sẽ lớn, sẽ không cực như bây giờ, mà con thì sẽ không bỏ mất cơ hội kinh doanh”. Chỉ một câu nói đó từ một người đàn ông - một người cha, mình bỗng thôi không còn mặc cảm, không còn thấy có lỗi với gia đình nữa…

Manny vừa thôi nôi xong, mình nhận được lời mời làm Country Director cho Facebook. Tính nhanh trong đầu, mình biết là mình sẽ từ chối. Mary mới vào mẫu giáo, Manny thì mới biết đi, vô cùng hiếu động, cục u trên đầu chưa lặn thì đầu gối đã sưng. Công việc lại ở Singapore, làm sao sắp xếp được. Vậy mà ba Mary, Manny nói “Em sẽ làm được, để anh chăm con”.

Nói là làm, anh Sơn giành việc pha sữa, cho con bú mỗi ngày, thậm chí còn đúc kết là “Manny quất hết chai sữa 75 ml, bằng 153 lần nút”. Năm sau đó là hành trình như con thoi giữa Việt Nam và Singapore của ông ngoại, ba và hai cháu. Hai con vẫn mạnh khoẻ, vui vẻ, và hào hứng khám phá cả hai đất nước. Anh Sơn vẫn tranh thủ bật dậy giữa khuya để họp với Châu Âu và Mỹ. Còn mình thì thoả sức tìm tòi, khám phá một ngành công nghiệp đang bùng nổ, một công ty có sức ảnh hưởng vô cùng đột phá…

Tháng 6.

Tháng của Cha, của một nửa thế giới ít được nhắc đến. Nếu ai đó hỏi mình, “Đằng sau người phụ nữ thành đạt là gì?”, mình sẽ trả lời “Là những người cha tận tuỵ, với lòng yêu thương vô bờ bến”.

Nếu không có chú P., sẽ không có cô K.H. cống hiến hết lòng cho cộng đồng doanh nghiệp. Nếu không có chú H., sẽ không có cô M.T. dịu dàng, quyết đoán. Nhìn Q. trên thương trường, không khỏi nhìn thấy dấu ấn của chú T. Anh H. thâm trầm sâu sắc, luôn làm mình nhớ đến chú H. ba của anh. Và hình ảnh anh S tìm tòi nghiên cứu về công nghệ, và sản phẩm, là hình ảnh nhiều năm về trước của chú L. Danh sách này còn dài, rất rất dài…

Đối với thế giới, họ là những người thành đạt trong xã hội, quyết đoán trên thương trường, là những người đàn ông quyền lực và lịch lãm. Nhưng đối với mình, được nhìn họ từ góc nhìn khác, họ là những người đàn ông tận tuỵ, dạt dào tình yêu thương, luôn là điểm tựa vững chắc cho nửa thế giới còn lại, là nguồn khích lệ, nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho thế hệ kế thừa.

Mình biết những người đàn ông này không bao giờ nói về mình, thậm chí rất ngại truyền thông tìm hiểu về gia đình và những người thân. Nhưng vì lòng ngưỡng mộ về cách sống, về những giá trị họ truyền lại cho thế hệ sau, mình xin mạo muội thử thách.

Hãy chia sẻ về Cha, để những giá trị rất đáng tự hào được lan toả…

(*) Đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster, Giám đốc Tài chính Arevo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đằng sau những người phụ nữ thành đạt...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO