Ấn Độ có thể hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ số

Madan Mohan Sethi (*)| 11/10/2021 03:08

Ngày 30/1/2020, thế giới đều bàng hoàng khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Cùng hôm đó, Ấn Độ xuất hiện trường hợp dương tính với Covid-19 đầu tiên là một sinh viên y khoa trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Và sau đó như mọi người đều biết, cả thế giới bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại trong và ngoài nước.

Ấn Độ có thể hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ số

Ngài Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM trong chuyến thăm trường ĐH Kinh Tế - Tài Chính TP.HCM

Dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Ấn Độ điêu đứng

Tất cả các quốc gia đã ra lệnh đóng cửa bằng các biện pháp tạm ngừng hoạt động của các hãng hàng không, vận tải xuyên quốc gia, giao thương ở các cảng biển, biên giới... Ấn Độ đã thực hiện cuộc cấm vận nghiêm ngặt trong 21 ngày. Điều đó dẫn đến thảm họa - 10 triệu người làm việc trong các ngành công nghiệp vừa và nhỏ khác nhau đã trở về quê hương của họ và 40 triệu người lao động bị mất việc làm và tiền lương.

Tháng 9/2020, khi tưởng rằng đại dịch được kiểm soát, Ấn Độ đã mở cửa đi lại và hoạt động công nghiệp được cho phép. Nhưng không, Ấn Độ bất ngờ đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai từ tháng 4 đến tháng 7/2021. Một lần nữa, làn sóng đại dịch này buộc Ấn Độ phải thực hiện việc áp đặt các lệnh hạn chế nhưng không giống các biện pháp như làn sóng đầu tiên. Các biện pháp trong làn sóng đại dịch thứ 2 vẫn cho phép ngành công nghiệp tiếp tục việc sản xuất. Tuy vậy, Covid 19 đã khiến thế giới dừng lại, phá vỡ chuỗi cung ứng và phá hủy các hệ thống hậu cần. 

Lần đầu tiên, GDP của Ấn Độ bị giới hạn ở mức 7,4%. Doanh số của các ngành xây dựng, cơ sở hạ tầng, bán lẻ, giáo dục, khách sạn, du lịch, lữ hành, hàng không đều bị thâm hụt, tăng trưởng âm. Duy chỉ có ngành nông nghiệp là tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu giảm mạnh đáng kể nhưng không cùng tỷ trọng với giá trị nhập khẩu. Với nền kinh tế 3.000 tỷ USD của Ấn Độ thì đầu tư và tiêu dùng là hai yếu tố quyết định. Vì phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nên cả hai yếu tố này đều giảm. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 23,5%.

Các DN vừa và siêu nhỏ (MSMEs) của Ấn Độ bị phá hủy vì đại dịch. Tại Ấn Độ, có khoảng 63,4 triệu MSMEs, 90% trong số đó là các doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp MSMEs này đóng góp vào 30% GDP của Ấn Độ và chiếm khoảng 42-48% toàn bộ thị trường xuất khẩu của Ấn Độ. 

Năm sản phẩm xuất khẩu chính của MSMEs Ấn Độ là đá quý và đồ trang sức, quần áo may sẵn, linh kiện điện & điện tử, hóa chất hữu cơ và dược phẩm. Hiện nay Ấn Độ có khoảng 110 triệu người làm việc trong MSMEs. Tuy nhiên ở Ấn số lao động ký kết hợp đồng chỉ chiếm 10%, số còn lại làm việc như lao động phi chính thức và không có đăng ký. 

MSMEs trong khu vực bán lẻ và sản xuất bị thiệt hại so với các doanh nghiệp khác, vì khi cần hoạt động thì bị ngừng lại bởi vì các biện pháp phong tỏa. Tất cả các nhà kinh doanh đều bị thiệt hại do ít khách hàng đến mua sắm, 50% số này bị giảm từ 20% đến 50% thu nhập.

Còn các DN MSMEs nhỏ nhất bị thiệt hại tối đa. Sau khi phong tỏa được gỡ bỏ, hầu hết các MSMEs đã quay trở lại sản xuất nhưng chỉ đạt 11% công suất, 56% không sản xuất được gì. Các MSMEs có trụ sở tại các thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

India-3-1221-1633930396.png

Cộng đồng doanh nhân Ấn Độ (Incham) và Tổng lãnh sự Ấn Độ trao tặng 1 máy ECMO trị giá 145.000USD cho BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM ngày 20/8/2021

Nỗ lực giải cứu của chính phủ Ấn

Chính phủ đã thay đổi định nghĩa của MSMEs về tiêu chí doanh thu bán hàng hằng năm và đầu tư. Tại Ấn Độ, các đơn vị siêu nhỏ được coi là những đơn vị có vốn đầu tư khoảng 133.000 USD và thu nhập trên 667.000 USD. Chính phủ Ấn Độ đã cung cấp khả năng thanh khoản khoảng 226,2 tỷ USD (20 nghìn tỷ INR), chiếm khoảng 10% GDP của Ấn Độ.

Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp như nới lỏng tờ khai thuế và gia hạn thanh toán; giảm chi phí tín dụng ngân hàng (lãi suất giảm xuống từ 5,15% xuống 4%); công bố gói đặc biệt trị giá 3 nghìn tỷ INR (gần 40 tỷ USD) để cung cấp các khoản vay không cần thế chấp trong thời hạn 4 năm, không phải trả trong 12 tháng (để tài trợ vốn lưu động); thông báo về hạn mức tín dụng khẩn cấp (cho phép một công ty được cung cấp 20% dư nợ tín dụng của họ với bảo lãnh Chính phủ, giúp cho 100% khoảng 4,5 triệu công ty sẽ được hưởng quyền lợi này).

Kế hoạch Atma nirbhar Bharat (Ấn Độ Tự Cường) là gói kinh tế đặc biệt và toàn diện được Ấn Độ công bố để chống lại tác động của Covid-19. Ngân hàng cung cấp nguồn vốn cho các công ty có tiềm năng tăng trưởng được tiếp cận tham gia các đấu thầu của Chính phủ, nhằm bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài.

Chính phủ đã lên kế hoạch phân bổ các khoản phải thu trong 45 ngày và cung cấp một khoản tín dụng cho các doanh nghiệp phi chính thức và những người bán hàng rong. Năm triệu người bán hàng rong được Chính phủ hỗ trợ cho mỗi người vay 10.000 INR (khoảng 133 USD).

Các kế hoạch khác được công bố nhằm nới lỏng các biện pháp tuân thủ và quy định đối với MSMEs. Theo cơ cấu cải cách, Ấn Độ đã bãi bỏ quy định trong lĩnh vực nông nghiệp, công bố chính sách Tiện ích Khu vực Công (PSU) mới, cho phép thương mại hóa khai thác than, phát triển các quỹ đất/công nghiệp, cải tiến kế hoạch tài trợ khả năng tồn tại cho cơ sở hạ tầng xã hội, khuyến khích các tiểu bang thực hiện cải cách ngành.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đứng ra giải cứu MSMEs thông qua việc cung cấp các khoản vay với lãi suất rẻ và kiểm soát lạm phát. Ngân hàng cũng cho phép thời gian tạm hoãn dài hơn đối với các khoản vay ngân hàng của các doanh nghiệp vững mạnh trong thời gian 2 năm (trước đó là 1 năm). Đề án trong khuôn khổ Ấn Độ Tự Cường đã được mở rộng cho 26 lĩnh vực, vốn khẩn cấp được cung cấp cho nông dân và đối với các Bang/Tỉnh, hạn mức vay được tăng từ 3% lên 5% GDP của Bang.

Ngoài các biện pháp tài khóa, tài chính và các biện pháp khác, Ấn Độ cũng đã mở rộng các biện pháp xã hội của mình. Ần Độ đã cung cấp hỗ trợ cả tiền mặt và hiện vật (trợ cấp thực phẩm) cho khoảng 800 triệu người. 

Năm nay, nền kinh tế Ấn Độ đang trên đà phục hồi. Các lĩnh vực quan trọng như sản xuất, cơ sở hạ tầng, hoạt động công nghiệp, xuất khẩu đều có mức tăng trưởng tích cực. Chính phủ Ấn Độ nhận thức được tăng trưởng là chìa khóa để phục hồi kinh tế.

Nhờ sự can thiệp của chính phủ, Ấn Độ hiện là nước thu hút FDI lớn thứ ba trên thế giới. Với mức dự trữ ngoại hối lớn khoảng 620 tỷ USD và xuất khẩu tăng trưởng (cả nước đạt 100 tỷ USD trong quý 3 năm nay), nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 9% trong cả năm 2021-2022.

Cam kết của Ấn Độ trong việc hủy một số lượng lớn các doanh nghiệp đại chúng và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước yếu kém và các tổ chức thu hồi nợ xấu sẽ bổ sung tính thanh khoản rất cần thiết cho thị trường. Là một quốc gia khổng lồ về phần mềm, khu vực MSMEs của Ấn Độ sẽ là chìa khóa cho việc điều chỉnh tình hình bình thường mới. 

India-6-5088-1633930396.jpg

Đại diện Tổng lãnh sự Ấn Độ trao tặng vật tư y tế cho cơ sở cách ly tập trung tại khu Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM ngày 7/7/2021

Cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam

Tôi đã có một năm làm việc ở TP.HCM và nhận ra rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh cho sự phát triển kinh tế. Đồng thời, tôi cũng đã có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các doanh nghiệp Việt Nam. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có những mặt hàng xuất khẩu giống nhau. Ấn Độ có một thị trường và tầng lớp trung lưu khá lớn nên thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến giao thương và đầu tư. 

Ấn Độ và Việt Nam đã có kim ngạch song phương khá tốt, tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì vẫn còn rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể phát triển các mối quan hệ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, máy móc nông nghiệp, dệt may, giày da, nhựa, hóa chất, cơ sở hạ tầng, máy móc tự động, du lịch khách sạn, giáo dục và công nghệ thông tin. 

Tôi xin bảo đảm với quý vị rằng Chính phủ Ấn Độ và các doanh nghiệp Ấn Độ có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Song, tất cả các quốc gia sẽ phải tích hợp các kỹ thuật công nghệ số ở Chính phủ, xã hội và kinh tế trong tương lai. Và với thế mạnh này, Ấn Độ có thể đồng hành cùng Việt Nam. 

Tôi tin rằng sự đồng hành này không chỉ để phát triển thương mại và đầu tư mà còn là cùng các DN vừa và nhỏ phát triển lớn hơn và tiến đến việc quốc tế hóa các sản phẩm và ngành công nghiệp của họ. Tình hình dịch Covid-19 hiện nay cũng đã được kiểm soát và chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ để phát triển thêm các kết nối mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp hai bên. Văn phòng của chúng tôi sẽ đồng hành cùng quý vị.

Lời cuối cùng, tôi xin chúc mừng kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Dù đại dịch gây ra nhiều khó khăn, TP.HCM cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã kiên cường và dũng cảm vượt qua để mọi thứ có thể đi đúng hướng như bây giờ. Tôi xin chúc các DN Việt Nam ngày càng thành công và thịnh vượng.

(*) Bài chia sẻ của ngài Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM trong chương trình "Gặp mặt" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức vào sáng ngày 10/10 với chủ đề "Họ đã sống như thế" nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ có thể hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO